Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện trách nhiệm và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ đối với đất nước. Những năm gần đây, công tác đãi ngộ người có công càng được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng. Thế nhưng tại tỉnh Lào Cai, gần 1000 cựu chiến binh đã mòn mỏi đấu tranh đòi thực hiện đúng chế độ trợ cấp suốt 2 năm nay.
Bỗng dưng bị cắt hơn 50% trợ cấp
Tòa soạn nhận được đơn thư của một số cựu chiến binh (CCB) nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) của tỉnh Lào Cai, phản ánh về việc: 2 năm nay đã bị Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB&XH) tỉnh làm trái Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2013, vô lý cắt giảm mức trợ cấp dành cho người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm CĐHH.
Từ đơn thư phản ánh, PV đã tìm gặp các CCB nói trên tại tỉnh Lào Cai. Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Trung Xê (sinh năm 1946, cư trú tại phường Nam Cường, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Tôi là CCB chiến đấu ở chiến trường Đường 9 Khe Sanh (Quảng Trị) trong giai đoạn từ tháng 3/1972 cho đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975".
"Tôi được giám định là suy giảm khả năng lao động mức 81% và được hưởng chế độ dành cho mức này từ năm 2007 cho đến hết tháng 9/2014. Thời điểm tháng 9 là tương đương 2.540.000 đồng/tháng, mức này nếu giữ nguyên đến nay thì tương đương với 3.005.000 đồng/tháng, cộng với chế độ phụ cấp dành cho người phục vụ là 1.120.000 đồng/tháng thì tổng cộng phải là 4.125.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2014, Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai không hề giám định lại nhưng bỗng dưng hạ mức suy giảm khả năng lao động của tôi từ 81% xuống bậc thấp hơn: từ 41–60%, tương đương số tiền là 1.549.000 đồng/tháng (từ năm 2015 được điều chỉnh tăng 8% là được 1.673.000 đồng/tháng)”.
“Trong khi tại Điểm 6 Điều 42 Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2013 “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” quy định rất rõ: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng chế độ trước ngày 01 tháng 9 năm 2012 mà có tỉ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được tiếp tục hưởng theo chế độ hiện hưởng.
Chỉ có những trường hợp đang hưởng mức dưới 81% mà chưa được xác định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động, sau ngày 31/12/2013 nếu không đi giám định thì sẽ bị xếp ở mức suy giảm khả năng lao động từ 41–60%.
Thế nhưng không hiểu sao, trường hợp của tôi đang hưởng mức 81% từ 2007 đến nay mà Sở LĐTB&XH tỉnh chỉ qua xem xét hồ sơ đã tự ý đánh tụt tôi xuống mức 41–60% khiến tôi bị giảm trợ cấp hơn một nửa suốt 2 năm nay” - ông Xê bức xúc nó.
Một CCB khác của tỉnh Lào Cai là ông Trịnh Xuân Chấp (sn 1952) cũng phản ánh: “Tôi hoạt động kháng chiến ở chiến trường Đường 9 Nam Lào (Quảng Trị) vào đến đoàn pháo binh Biên Hòa, khu vực hoạt động là Bình Long – Phước Long, tỉ lệ suy giảm khả năng lao động là 82%, sinh con bị dị dạng thoát vị bẹn đã phẫu thuật 2 lần, chuẩn bị phẫu thuật lần 3. Tháng 11/2013 tôi được tăng mức trợ cấp từ 2.540.000 đồng/tháng lên 2.782.000 đồng/tháng cho đến tháng 9/2014, sau đó từ tháng 10/2014 lại bị hạ xuống 1.549.000 đồng/tháng”.
Tương tự như vậy, các ông Nguyễn Viết Tự, Đào Văn Nhẫn, Trần Văn Hưởng,… đều cùng phản ánh một tình trạng là đang hưởng chế độ trợ cấp dành cho người HĐKC bị nhiễm CĐHH có mức suy giảm khả năng lao động trên 81% nhưng vô lý bị tỉnh Lào Cai hạ mức trợ cấp xuống hơn một nửa như ông Xê, ông Chấp.
“Tỉnh Lào Cai đã cào bằng, đánh tụt mức trợ cấp của chúng tôi mà không thông qua giám định y khoa, “cãi lại” Nghị định của Chính phủ, thậm chí có biểu hiện giải quyết chế độ kiểu tùy tiện, không có tỉnh nào lại đối xử với người có công như tỉnh Lào Cai” – ông Trần Văn Hưởng, một CCB bị suy giảm 85% sức lao động - vừa thở dốc vừa nói.
Cũng theo phản ánh của các CCB nói trên, thời gian qua cả tỉnh Lào Cai có gần 1000 người bị giảm chế độ như vậy.
Sở LĐTBXH trả lời vòng vo, viện dẫn căn cứ thiếu thuyết phục
Đem vấn đề trên trao đổi với Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai, chúng tôi được ông Nguyễn Minh Thư – Chánh thanh tra Sở (theo ủy quyền của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai Đinh Thị Hưng) trả lời như sau: Việc thực hiện chính sách, chế độ đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH nói chung đến nay đã trải qua 16 năm và công tác này tại tỉnh Lào Cai nhìn chung không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, “khi thực hiện Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công, tỉnh Lào Cai thực hiện chưa đúng hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ LĐTB&XH, không điều chỉnh đối tượng đang hưởng trợ cấp mức 2 theo Quyết định 26/2000/QĐ-TTg sang hưởng trợ cấp mức 2 theo Nghị định số 32/2007/NĐ-CP ngày 02/3/2007 của Chính phủ mà đã vận dụng đưa toàn bộ số đối tượng lập hồ sơ theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg đi giám định, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động.
Sau giám định, nhiều trường hợp đang hưởng trợ cấp mức 2 theo Quyết định 26/2000/QĐ-TTg được kết luận suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, nên tỉnh Lào Cai xếp chuyển hưởng trợ cấp mức 1 theo Nghị định số 32/2007/NĐ-CP và đến năm 2012, được điều chỉnh hưởng trợ cấp mức 1 theo Nghị định số 47/2012/NĐ-CP của Chính phủ (tương ứng với mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên)”.
Sau đó, “Khi thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, qua rà soát thấy tỉnh Lào Cai vận dụng chưa đúng quy định trong việc đưa đối tượng lập hồ sơ theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg đi giám định khi thực hiện Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, nâng số đối tượng hưởng trợ cấp mức 1 ở tỉnh Lào Cai cao bất thường so với các địa phương khác trong toàn quốc, Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH đã có văn bản yêu cầu tỉnh Lào Cai phải rà soát và thực hiện đúng quy định” – ông Thư nói.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Người có công, Sở LĐTB&XH Lào Cai đã tiến hành rà soát và phát hiện một số trường hợp không trực tiếp mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh theo danh mục, chỉ sinh con dị dạng, dị tật mà đã giám định và kết luật tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên là không khách quan (kết quả giám định cộng gộp các bệnh thông thường không liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, cộng gộp cả bệnh, tật không nằm trong Giấy chứng nhận người HĐKC bị nhiễm CĐHH).
Do đó Sở này đã thực hiện điều chỉnh trợ cấp những đối tượng này vào nhóm những người suy giảm khả năng lao động 41% đến 60%.
Quyết định này “là phù hợp với quy định tại tiết b, điểm 2, khoản 18, Điều 1 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung Điều 26 Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11” – ông Thư khẳng định.
(Thực tế Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 không hề có tiết b, điểm 2, khoản 18, Điều 1 như ông Thư nói; còn Điều 26 Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11” thì chỉ quy định chung chung chứ không nói gì đến phân loại các mức độ suy giảm khả năng lao động và mức trợ cấp kèm theo, do đó chúng tôi thực sự không hiểu ông Thư viện dẫn như thế để làm gì)
Như vậy, theo Sở LĐTB&XH Lào Cai, sở dĩ có chuyện hạ mức trợ cấp của một số CCB nói trên là do trước đây Sở này đã “thực hiện chưa đúng hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ LĐTBXH”, dẫn đến giám định y khoa sai, khiến cho một số đối tượng bỗng dưng được nâng chế độ (như ông Trịnh Xuân Chấp) rồi lại bỗng dưng bị hạ chế độ, giảm 50% số tiền trợ cấp (như ông Xê, ông Nhẫn, ông Chấp…)
Thế nhưng kết luận lại vụ việc, ông Chánh thanh tra của Sở này vẫn khẳng định: “Như vậy, việc giải quyết chính sách của Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai trong thời gian qua đối với đối tượng người HĐKC bị nhiễm CĐHH đã đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng với hướng dẫn về nghiệp vụ của Bộ LĐTB&XH. Thông tin của một số Cựu chiến binh ở tỉnh Lào Cai đã nêu gửi đến Quý báo là không có cơ sở”.
Một điều đặc biệt là trong khi giải thích cách giải quyết của Sở LĐTB&XH Lào Cai, ông Thư không nhắc gì đến Điểm 6 Điều 42 của Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ - là văn bản hiện hành có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh vấn đề này mà chỉ tập trung vào văn bản chỉ đạo của Cục người có công.
Văn bản chỉ đạo của Cục người có công mà ông Thư nhắc đến chính là Công văn số 1241 ngày 8/10/2013 chỉ đạo chuyển đổi chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH do Cục phó Cục Người có công Tạ Vân Thiều gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai. Theo đó, Cục người có công khẳng định: tỉnh Lào Cai có 968 người thuộc diện suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trên tổng số 1.980 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm CĐHH hưởng chế độ ưu đãi “là điều bất bình thường” (nhưng không chỉ rõ vì sao bất bình thường).
Từ con số bị cho là bất bình thường ở trên, Cục người có công đã đề nghị Sở LĐTB&XH Lào Cai báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến chỉ đạo chung, phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc hủy bỏ các kết quả đã giải quyết sai trước đây, cụ thể là: Trường hợp không mắc bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng lao động thì xếp hưởng mức 2, nếu không thỏa mãn thì gửi danh sách về Cục người có công để chờ giám định lại.
Điều đáng nói là thời điểm Cục người có công ra văn bản này (ngày 8/10/2013) thì Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 9/4/2013 cũng đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2013 (riêng các chế độ áp dụng cho người HĐKC nhiễm CĐHH bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được thực hiện từ ngày 1/9/2012), nhưng không hiểu vì lý do gì Cục này không áp dụng NĐ 31 mà vẫn cứ viện dẫn các văn bản đã hết hiệu lực hoặc đã bị thay thế như Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg (được thay thế bởi Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004), Nghị định số 54/2006/NĐ-CP (NĐ 31/2013/NĐ-CP ra đời là để thay thế NĐ 54/2006/NĐ-CP).
Như vậy là trong khi NĐ 31 đã sáng rõ như ban ngày, không hiểu sao Sở LĐTB&XH không áp dụng mà lại áp dụng văn bản chỉ đạo số 1241 của Cục người có công (Bộ LĐTB&XH) là văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn, diễn đạt khó hiểu, số liệu không rõ ràng và có một số điểm “chống lại NĐ 31” như yêu cầu những đối tượng bị giảm khả năng lao động 81% trở lên đi giám định lại y khoa trong khi NĐ 31 không yêu cầu điều này.
Thêm nữa, nếu theo cách giải thích của Sở này là do Sở đã hiểu sai hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ dẫn đến giám định và phân loại sai thì cuối cùng ai là người phải chịu trách nhiệm với sai sót này?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...
Điểm 6 Điều 42 Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2013 “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” 6. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng chế độ trước ngày 01 tháng 9 năm 2012 thì thực hiện như sau: a) Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tiếp tục hưởng theo chế độ hiện hưởng; b) Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% và trong biên bản giám định y khoa đã xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng theo các mức quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này từ ngày 01 tháng 01 năm 2013; c) Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% và chưa được xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì tạm thời được bảo lưu mức trợ cấp đang hưởng. Trong thời gian bảo lưu, những trường hợp có nguyện vọng được giám định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền và ra quyết định điều chỉnh trợ cấp theo các mức quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận. Sau ngày 31 tháng 12 năm 2013, những trường hợp không giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp như người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%; d) Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động, dưới 81% đồng thời sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do nhiễm chất độc hóa học mà giám định không kết luận được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động hoặc kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học dưới 61% thì chuyển hưởng trợ cấp như người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. |
Minh Minh (minhminh.antt@gmail.com) / ANTT