Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và làm thay đổi mô hình hoạt động của nhiều ngành nghề như Y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường… và cả du lịch.
Riêng với du lịch, được coi là ngành kinh tế mũi nhọn vốn đang được Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, dưới thời Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có không ít cơ hội phát triển nhanh và mạnh, nhưng thách thức đi kèm cũng không hề nhỏ. Vì hiện nay, thị trường du lịch Việt Nam cũng đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ với tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến.
Báo cáo của Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến năm 2025 lên tới 9 tỷ USD.
Với quan điểm lấy khách du lịch và doanh nghiệp du lịch là trung tâm của chuyển đổi số, tỉnh Lào Cai đã bước đầu xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.
Theo Sở Du lịch Lào Cai, tỉnh này đã phối hợp với tập đoàn VNPT xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh của tỉnh bao gồm: Cổng thông tin du lịch thông minh; Kho ứng dụng du lịch (App Du lịch Lào Cai) và Phần mềm quản lý lưu trú. Bộ 3 sản phầm này đã hình thành nền tảng bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của Du lịch Lào Cai.
Hiện tại, ngay trên Cổng thông tin du lịch Lào Cai và App Du lịch Lào Cai, người truy cập có thể tham khảo những thông tin chính thức về du lịch của tỉnh Lào Cai, truy cập bản đồ số du lịch để tra cứu cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành và đặt tour,… Cổng thông tin du lịch cũng tích hợp tính năng chuyển đổi ngôn ngữ tự động để khách du lịch nước ngoài truy cập và khai thác thông tin hiệu quả. Người truy cập cũng có thể tham khảo trực quan thông tin một số tour, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn thông qua hình ảnh 3D, ảnh 360 độ trực tiếp trên cổng trước khi lựa chọn tour,... Khách du lịch có thể tự đặt phòng, đặt vé, đặt dịch vụ ăn uống, đi lại… tự thanh toán, check-in và check-out thông qua nền tảng công nghệ. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Cổng du lịch thông minh thu hút xấp xỉ 5.000 người dân, du khách cài đặt ứng dụng truy cập trên điện thoại thông minh.
Bên cạnh việc đầu tư nguồn ngân sách cho chuyển đổi số của ngành du lịch, tỉnh Lào Cai huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn (Sungroups, Bitexco, Bitis…), nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm du lịch mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ (startup) đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch nói chung và chuyển đổi số trong du lịch nói riêng.
Những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số đã góp phần quan trọng đưa du lịch Lào Cai có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá” của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Lào Cai là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về thu hút đầu tư, lượng khách du lịch và nguồn thu từ hoạt động du lịch. Năm 2023, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt trên 7.000 nghìn lượt tăng 56,4% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 22.244 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (14.940 tỷ đồng).
Ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, với quan điểm lấy khách du lịch và doanh nghiệp du lịch là trung tâm của chuyển đổi số, mục tiêu chuyển đổi số của Du lịch Lào Cai đến năm 2025 là: Tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh du lịch) ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh; tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số.
Về nhiệm vụ trước mắt, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện Đề án chuyển đổi số trong ngành du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; thực hiện liên kết, hợp tác trong chuyển đổi số bằng việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành du lịch với các ngành địa phương trong tỉnh trong chuyển đổi số
Và một điểm hết sức quan trọng cần triển khai đó là, tích cực phối hợp với các Sở chuyên ngành của các tỉnh, thành phố trong khu vực, cả nước, các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thực hiện chuyển đổi số; tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty lớn về viễn thông, công nghệ thông tin tạo nguồn lực cho phát triển chuyển đổi số trong du lịch của tỉnh.
Ngọc Diệp