Cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trong tháng 4/2024 ước đạt 229,78 triệu USD, tăng 10,73% so với tháng 3/2024, tăng 60,66% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế ước đạt 779,4 triệu USD, tăng 32,12% so với cùng kỳ năm 2023…
Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 109,36 triệu USD, tăng 15,87% so với tháng 3/2024, tăng 60,11% so với cùng kỳ năm 2023, lũy kế ước đạt 347,67 triệu USD, tăng 40,65% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá trị nhập khẩu ước đạt 53,97 triệu USD, giảm 4,24% so với tháng 3/2024, tăng 120,51% so với tháng cùng kỳ năm 2023, lũy kế ước đạt 191,15 triệu USD, tăng 41,30% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là: Xuất khẩu gỗ ván bóc, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn.... Hàng nhập khẩu là hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện...
Trung bình lượng phương tiện thông quan tại các cửa khẩu khoảng hơn 370 xe/ngày, trong đó xe xuất khẩu 180 xe/ngày; nhập khẩu 190 xe/ngày.
Những kết quả đạt được rất khả quan, tuy nhiên năm 2024, Lào Cai đặt mục tiêu tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua tỉnh phải đạt 4,5 tỷ USD và năm 2025 đạt 9 tỷ USD là thách thức rất lớn.
Trong khi vấn đề thiết yếu nhất là hạ tầng đang còn nhiều khó khăn. Các phương tiện hàng hóa di chuyển lên Lào Cai chủ yếu thông qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tốc độ lưu thông đoạn từ Yên Bái lên bị hạn chế; tuyến đường sắt vẫn duy trì khổ nhỏ 1m; kho bãi còn thô sơ, thiếu trang thiết bị hiện đại; doanh nghiệp logictics quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm… Các yếu tố cộng hưởng khiến chi phí thông quan tăng cao.
Trao đổi với VOV, ông Phạm Minh Hiếu, Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Nguyên cho biết: “Mức giá trên đầu xe tại cửa khẩu Lào Cai cao hơn so với các cửa khẩu khác. Vận tải bên Trung Quốc đã đắt rồi, vận tải từ miền Nam lên Lào Cai lại cao hơn Lạng Sơn thì đây là vấn đề rất khó khăn, bởi các chủ hàng bên Trung Quốc sẽ có sự so sánh, từ đó ảnh hưởng hoạt động giao thương”.
Theo ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai, vị thế cầu nối qua Lào Cai được cả Việt Nam và Trung Quốc đánh giá cao, thể hiện ở nhiều nội dung trong Tuyên bố chung.
Mặc dù vậy, hiện nay Trung Quốc cũng đang có xu hướng phát triển mạnh về phía Quảng Tây, giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam. Còn khu vực Vân Nam, vị thế cửa khẩu giáp với Lào Cai đang chỉ xếp thứ 3.
Thời gian qua, Lào Cai cũng hết sức chú trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài việc hoàn thiện, đồng bộ các quy hoạch, nâng cấp bến bãi, số hóa cửa khẩu, nhiều dự án trọng điểm tạo đà cho kết nối, giao thương đang dần thành hình. Cụ thể như cầu biên giới Bản Vược – Bá Sái qua sông Hồng; tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nối cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu; dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Nội Bài – Lào Cai; tuyến đường sắt tiêu chuẩn mới Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh… Tuy nhiên, đó là câu chuyện dài hạn.
Còn đối với vấn đề trước mắt, ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết, vẫn phải tập trung giải quyết cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng cửa khẩu số. Bên cạnh đó, qua rà soát, trong năm 2024 tại Lào Cai có hơn 50 cuộc xúc tiến thương mại của các ban, ngành, đây là cơ hội tăng cường kết nối, kích cầu xuất nhập khẩu. Đặc biệt, vài năm gần đây, ngành Công thương Lào Cai đã thay đổi tư duy từ việc tổ chức các Hội nghị xúc tiến tại địa phương chuyển sang tổ chức tại các vùng hàng hóa tập trung khác ở trong nước.
“Những Hội nghị như vậy đã tạo ra sự khác biệt. Đặc biệt các cơ quan, doanh nghiệp của Trung Quốc đã đánh giá rất cao khi họ được trực tiếp đến tận vùng trồng, cơ sở sản xuất, chế biến, từ đó tạo sự tin tưởng đối với hàng hóa của Việt Nam”, ông Nguyễn Huy Tưởng nói.
Vừa qua, Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất, nhập khẩu vùng Trung du, miền núi Bắc bộ do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cũng bàn bạc nhiều vấn đề nhằm khơi thông cửa ngõ Lào Cai.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương, đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đang được hoàn thiện sẽ kỳ vọng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ.
“Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang tham mưu cho Chính phủ đề xuất chính sách tạo thuận lợi cho ngành dịch vụ logictics nói chung và cho các tỉnh biên giới như Lào Cai nói riêng; tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa; ứng dụng công nghệ phục vụ thông quan cũng như đầu tư hạ tầng thích ứng cho khu vực biên giới”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Minh Hoa (t/h)