Theo anh H. để kiếm một công việc thu nhập ổn định tại Malaysia với những người lao động tự do như anh thật không dễ dàng.
“Dù có người quen biết ở bên đó từ trước nhưng để có được việc làm chúng tôi phải rong ruổi trong nhiều ngày liền tại các quán ăn và các công trình xây dựng”, anh H. kể lại.
Được biết, lao động “chui” Việt Nam tại Malaysia chủ yếu làm việc tại các quán ăn là chính, một số nhỏ khác làm công nhân tại các công trình xây dựng.
Tại các quán ăn, lao động Việt chủ yếu làm công việc bưng bê, chạy bàn, một số khác thì được các ông chủ người Hoa nhận vào trông xe và hướng dẫn khách vào quán. May mắn hơn, một số rất ít được coi là khéo tay thì được chủ quán thuê làm đầu bếp nấu các món ăn đơn giản.
Anh N., một lao động có kinh nghiệm nhiều năm làm quán tại Malaysia cho biết, “các món ăn trong hàng quán bình dân tại đây không quá cầu kỳ, phức tạp nên ai khéo tay thì có thể làm đầu bếp thành thạo”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
> Lao động Việt tại Malaysia kể hành trình băng rừng sang nước bạn
Công việc là thế, xa quê ra nước ngoài làm ăn nhưng thu nhập của lao động Việt tại nước bạn cũng không cao hơn là mấy so với làm việc trong nước.
“Muốn có đồng tiền chúng tôi phải làm cùng lúc ở 2 thậm chí 3 quán hàng với thời gian làm việc lên đến 12 – 14 giờ một ngày. Với cường độ làm việc như thế, mỗi tháng chúng tôi có thể có được thu nhập 8 – 9 triệu nhưng rất vất vả”, anh N. chia sẻ.
Theo lời kể của các lao động Việt Nam tại Malaysia thì lao động “chui” có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với những lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp nhưng mức thu nhập của họ cũng chỉ vào khoảng 5 - 6 triệu chưa kể tiền nhà trọ và ăn uống.
Lao động Việt Nam làm việc tại các công ty chủ yếu là lao động nữ. Nếu không tăng ca thì mức lương họ nhận được hàng tháng chỉ vào khoảng 4 – 5 triệu đồng. Để có thêm thu nhập, những ngày nghỉ, giờ nghỉ họ thường nhận thêm công việc rửa bát tại các quán hàng.
Ngược lại, tuy thu nhập cao hơn chút ít so với lao động làm việc trong các công ty, xí nghiệp nhưng lao động “chui” luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm rình rập.
Nói về những lo lắng, bất an này, anh D., lao động Việt tại Johor – Malaysia cho biết: “Mỗi lần ra đường chúng tôi phải nhìn trước, ngó sau để thăm dò công an. Khổ nhất là vào các đợt truy quét, mỗi lần tan giờ làm chúng tôi phải thăm dò trước sau thấy yên ắng mới dám về phòng trọ, không may bị công an bắt là coi như tiền làm không đủ nộp phạt và bị trục xuất về nước”.
Theo lời kể của những lao động này thì những người làm việc tại các quán ăn xem ra còn ít nhiều may mắn nhất là khi không ít người nhận được sự ưu ái, quý mến của chủ quán so với những lao động làm việc tại các công trình xây dựng.
“Làm việc tại các công trình xây dựng công việc rất nặng nhọc, lại không có giấy tờ nên nhiều lao động làm việc thời gian dài mà không được nhận lương. Thậm chí, khi họ không may bị tai nạn trong khi làm việc chủ cũng không hỏi han lấy một câu”, anh D. nói.
Một thực tế đáng buồn khác của lao động Việt tại Malaysia là việc có nhiều người lăn lộn làm ăn nhiều năm trời nơi xứ người nhưng sa đà vào ăn chơi, đua đòi đến mức không có tiền về. Những người này phải sống cảnh nợ nần, chạy trốn và đã có không ít người rơi vào cảnh bị côn đồ ráo riết đòi nợ hay thậm chí bị đe dọa đến tính mạng.
(Còn nữa)
Khánh An