Mới đây, tại trường đại học Văn Hiến đã diễn ra hội thảo “Hợp tác đầu tư các nước Đông Á – Việt Nam” và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động. Hội thảo ngoài sự tham gia của các giảng viên, sinh viên trong trường còn có nhà khoa học đến từ các trường đại học uy tín trên thế giới và đại diện của các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước như: Đại học Kinh tế Quốc dân, đại học Lao động Xã hội, viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đại học Ngoại Thương…
Theo PGS.TS Trần Văn Thiện – Hiệu trưởng trường đại học Văn Hiến, mục đích của hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày 3 vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề hợp tác đầu tư giữa các quốc gia Đông Á nói riêng và các nước ASEAN, hợp tác đầu tư vào vấn đề đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng và tạo việc làm cho người lao động.
Theo ông Thiện, hội thảo “Hợp tác đầu tư các nước Đông Á – Việt Nam” và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước.
Xuyên suốt hội thảo là góc nhìn đa chiều, những phân tích vừa tổng quan vừa cụ thể về các chủ đề như: Đầu tư trực tiếp FDI của các nước Đông Á vào Việt Nam và tác động của FDI đến lao động Việt Nam... vấn đề trong tương lai làm thế nào đón đầu, đào tạo những ngành để phù hợp với sự phát triển.
Theo TS. Hồ Cao Việt – Trưởng Khoa Kinh tế Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, Việt Nam muốn trở thành quốc gia phát triển cần phải có vốn đầu tư và nguồn lao động chất lượng. Làm sao để nâng cao nguồn lao động trí tuệ đó chính là vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục, phải đào tạo cho sinh viên học hỏi những tiến bộ trên thế giới, đặc biệt cần tạo môi trường cho sinh viên trải nghiệm và ứng dụng các kiến thức vào công việc thực tế. Trường ĐH Văn Hiến cũng đã liên kết với nhiều doanh nghiệp, để SV ra trường có việc làm đúng với ngành học.
Trao đổi tại hội nghị trên, các sinh viên cho rằng, mỗi trường đại học cần định hướng ngành rõ ràng cho sinh viên từ đầu. Trong quá trình tuyển sinh, nhà trường có thể đưa ra các thông tin về ngành, doanh nghiệp và sự liên kết trong loại hình đào tạo giúp sinh viên ra trường có thể tiếp cận với việc làm một cách sớm nhất vì nếu kéo dài thì sẽ xảy ra tình trạng thất nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên của sinh viên, đa số các giảng viên cho rằng, thu nhập của lao động Việt Nam hiện nay đang thấp hơn các nước trong khu vực, chính vì thế chúng ta cần có chiến lược đầu tư nâng cao trình độ về cơ cấu lao động. Lao động nước ta chỉ dừng lại ở số lượng đông, mức nhân công rẻ thì đây chính là bất lợi lớn trong cạnh tranh với nhiều quốc gia.
Thông qua hội thảo, các giảng viên muốn những giáo sư đầu ngành, trường học phải có lộ trình nghiên cứu những ngành nghề, xu hướng đào tạo đa năng để sinh viên có thể tiếp cận được kiến thức, phục vụ tốt cho công việc. Bên cạnh đó, việc các trường liên kết với doanh nghiệp để cung cấp và nhận nguồn nhân lực được đào tạo là rất quan trọng.