Ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban các vần đề xã hội của QH cho rằng: Cho lao động người nước ngoài vào làm việc phải bảo đảm nguyên tắc. Đó là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc lao động thuộc những ngành nghề mà lao động của Việt Nam không làm được. Chúng ta cũng đưa lao động ra nước ngoài làm việc, thì không có cớ gì cấm người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Nhưng chúng ta làm rất chặt chẽ việc đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài nhưng lại cực kỳ “hở” khi quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam, nhất là lao động phổ thông. Hiện nay, tình trạng là lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam không đi theo con đường chính ngạch mà theo con đường thăm người thân, du lịch…Như vậy, là không đảm bảo các nguyên tắc và các quy định của pháp luật.
(Ảnh minh họa)
Ở một khía cạnh khác, nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc lại nhận định: Chuyện người nước ngoài gần như “tự do” vào Việt Nam lao động, làm việc đã được báo động rất lâu rồi. Nhưng, khôn hiểu vì sao, số lượng vẫn gia tăng? Câu hỏi này, chỉ có các cơ quan quản lý Nhà nước mới trả lời được chính xác. Tôi ngạc nhiên là tất cả các cơ quan chức năng của chúng ta đều được đào tạo về quốc phòng toàn dân, nhưng trên thực tế lại rất “hổng” kiến thức này. Việc cho thuê rừng, cho người nước ngoài (Trung Quốc) nuôi cá không phép ở Quân cảng Cam Ranh, Vũng Rô (Khánh Hòa), rồi lao động “chui” làm việc tràn lan ở Hải Phòng...đã nói lên điều đó. Chúng ta cần làm rõ và cần phải xử lý dứt khoát. Nếu cán bộ mất cảnh giác thì nên cho người đó, thậm chí người đứng đầu cơ quan đó nghỉ việc.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, phó chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thì hiện tượng này xuất phát từ việc thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành. Ông Tùng nói: “Những trường hợp lao động nước ngoài làm việc không phép, thanh tra Bộ chỉ có chức năng xử phạt hành chính và kiến nghị chủ sử dụng lao động xin cấp giấy phép cho người lao động trong vòng 60 ngày và báo cáo về cơ quan quản lý lao động. Nghị định 34 năm 2008 và Nghị định 46 năm 2011 đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mẫu cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người nước ngoài. Bộ Công Thương chưa hướng dẫn trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO. Chính sự thiếu thống nhất này đã dẫn đến lao động nước ngoài không phép tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao”.
Một trong những người dân sinh sống và trực tiếp chứng kiến cuộc sống của nhiều lao động nước ngoài tại Việt Nam, ông Trần Văn Hóa, một người dân sinh sống tại TP. Hải Phòng cho rằng việc lao động nước ngoài “chui” là nguồn gốc phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. Chúng tôi là những công dân sống cạnh khu vực nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, nơi có quá nhiều người Trung Quốc đến ở và làm việc. Lao động kỹ thuật cao thì được bố trí ở dãy nhà hai tầng, trong khuôn viên của khu nhà máy. Còn công nhân phổ thông được nhà thầu thuê đất của dân, dựng lán trại, ăn ở tạm bợ. Không ít lần họ còn đánh chửi nhau hoặc tổ chức đánh bạc, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.
Việc đưa ra một giải pháp tối ưu nhất cho hiện tượng nói trên đang là vấn đề cấp thiết đối với các cơ quan chức năng. Vì thế, theo ông Nguyễn Đại Đồng, cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH), cần sớm xây dựng luật việc làm. Lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam chủ yếu đến từ các nước châu Á, nhiều nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Họ đến Việt Nam làm việc chủ yếu để kinh doanh hoặc đi theo các nhà thầu. Nguyên nhân gia tăng vi phạm là do chế tài xử lý, xử phạt chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt vi phạm quy định về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ 15-20 triệu đồng (theo khoản 1, điều 14, Nghị định 47 của Chính phủ), chưa đủ sức bắt buộc người sử dụng lao động cũng như người lao động phải nghiêm túc thực hiện. Mặt khác, một số địa phương lại “giơ cao đánh khẽ” vì sợ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Vì thế, việc cần thiết hiện tại là phải xây dựng Luật Việc làm để có cơ sở xử lý tốt hơn.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tân, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Sở LĐ, TB &XH các địa phương theo quy định hiện nay rất rõ ràng, đơn giản, gọn nhẹ. Theo đó, tất cả người lao động nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam phải có giấy phép lao động, trừ các trường hợp như người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc với thời hạn dưới ba tháng; hoặc để xử lý các trường hợp khẩn cấp (sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh) mà các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài hiện ở Việt Nam không xử lý được...Thời hạn của giấy phép không quá 36 tháng. Như vậy, không có lý gì mà những người có liên quan lại không thực hiện. Các trường hợp này phải xử lý nghiêm để làm gương.
P.V