Máu chảy trên công trường
Mặc dù tại hầu hết các công trình xây dựng đều đặt các biển báo như: “an toàn là trên hết”, “lao động phải an toàn”… nhưng phía sau những tấm biển ấy, điều kiện làm việc cũng như việc chấp hành các quy định về an toàn lao động của các nhà thầu và công nhân vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại... và nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.
Tai nạn sập giàn giáo khiến Lê Thanh Thịnh, 17 tuổi quê ở Hưng Yên, bị liệt nửa người. 3 năm liệt giường, những vết lở loét đua nhau nảy nở trên cơ thể Thịnh.
Cái ngày kinh hoàng ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí em. Chỉ một ngày nữa thôi, Thịnh sẽ hân hoan trở về nhà với số tiền công phụ hồ. Chiều hôm đó em nán lại làm thêm một chút. Giàn giáo sập, Thịnh rơi từ tầng 1 xuống đất, anh bạn làm chung ngã đè lên người em. Tỉnh dậy tại bênh viện Bạch Mai, Thịnh tê tái nhận ra mình trở thành phế nhân ở cái tuổi bẻ gãy sừng trâu.
Sống lưng gãy, đôi chân Thịnh tê liệt, việc tiểu tiện không kiểm soát được nữa. Tiền hết, bệnh chưa khỏi, gia đình nuốt nước mắt đưa em về quê. Cuộc đời Thịnh từ đây như một cây dây leo, sống nhờ vào người thân.
Nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra từ chính sự chủ quan, coi thường mạng người của nhà thầu xây dựng.
Hay như trường hợp của Đỗ Mạnh Cường, 16 tuổi quê ở Bắc Ninh. Cường đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng từ năm 14 tuổi. Vì nhỏ tuổi nên số tiền công mà chủ thầu trả cho Cường chỉ bằng một nửa của người lớn. Cường bị ngã từ tầng 4 xuống đất khi cố đưa tay ra với xô vữa được đưa từ tầng 1. Mấy người phụ hồ cùng quê nhanh chóng đưa em đi cấp cứu nhưng em đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Anh Nguyễn Văn Minh, quê ở Thanh Hóa, làm nghề phụ hồ ở công trường nhà cao tầng Văn Khê lương chỉ được khoảng 2,2 triệu đồng/tháng. Trừ tất cả các chi phí, mỗi tháng anh cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 800 nghìn đồng gửi về quê cho vợ con.
Anh Minh thành thật: “Công việc nặng nhọc, nguy hiểm luôn rình rập, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm từ sáng đến tối, có khi còn tăng ca để kịp tiến độ. Tuy lương có cao hơn, nhưng làm nhiều quá nên ốm mệt thường xuyên. Mới đây tôi bị sốt xuất huyết phải đi nằm viện mất gần 10 ngày. Vì không có thẻ bảo hiểm y tế nên phải chi trả hết 2 triệu đồng nên 2 tháng tới chắc không có tiền gửi về cho vợ con..”.
Nói với chúng tôi, một giám sát bảo hộ An toàn lao động tại một công ty xây dựng tư nhân cho hay: "Các nhà thầu chỉ chú trọng đến đội ngũ giám sát và kỹ thuật viên, còn công nhân thì không quan tâm tới. Do khoán công việc nên họ chỉ cần đủ quân số, vấn đề đào tạo tay nghề, kiểm tra trình độ hay an toàn lao động thì các đội trưởng tự làm lấy”.
“Tính mạng của chúng tôi như một con kiến dưới chân các tòa nhà chọc trời. May mắn thì được sống, nhưng chẳng may cái chết đến lúc nào không biết” - đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Thanh Quang (quê Quảng Ngãi), một thợ xây của công trình xây dựng tại khu Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) nói.
Đời công nhân không hợp đồng lao động
Nỗi lo thất nghiệp đã “dẫn dắt” hàng trăm ngàn người vào làm lao động tự do tại các công trình xây dựng. Họ chấp nhận rủi ro, chấp nhận thách thức với chính tính mạng của mình trên độ cao hàng trăm mét để đổi lấy những đồng lương ít ỏi.
Cũng chính tại một số công trường đã xảy ra những cái chết thương tâm của công nhân mà chủ yếu là những người phụ hồ. Những cái chết đó được chủ thầu “giấu kỹ” rồi đưa ra những thỏa thuận miệng để vụ việc chìm vào yên lặng.
Hầu hết những công nhân đi làm phụ hồ, thợ xây đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi tai nạn xảy ra, đơn vị thi công nhanh chóng “chi” ra khoảng chi phí từ 40 đến 50 triệu gọi là “tiền phí hỗ trợ mai táng” cho gia đình nạn nhân. Cái chết đó được “chìm” đi, chỉ có người lao động ôm trọn nỗi thiệt thòi, bấp bênh, cực nhọc và cơ quan chức năng khó mà phát hiện.
Như cái chết của Cường, cha mẹ Cường chỉ được nhận từ chủ thầu 20 triệu đồng gọi là tiền “mai táng phí” chú tuyệt nhiên họ không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về mặt luật pháp.
Đa số công nhân tại các công trình xây dựng khi được hỏi về hợp đồng lao động đều trả lời: “Chưa bao giờ thấy mặt mũi của bản hợp đồng. Mình là người lao động chân tay, chủ nhận được công trình thì kêu đi làm, tới tháng trả tiền chứ làm gì có hợp đồng. Nếu có hợp đồng giữa chủ thầu và người lao động thì chỉ là những “hợp đồng miệng”.
Đa số công nhân tại các công trình xây dựng khi được hỏi về hợp đồng lao động đều trả lời: “Chưa bao giờ thấy mặt mũi của bản hợp đồng".
“Đi làm cái nghề này chủ yếu kiếm tiền để sống. Nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề, tìm một công việc khác. Nhưng ở Hà Nội, tìm một việc rất khó khăn. Lúc đó sẽ đói, không có chỗ nương thân”, anh Quang tâm sự.
Anh Nguyễn Hòa, quê Thanh Hoá, là công nhân phụ hồ làm việc đang làm phụ hồ cho chủ một công trình xây dựng tại Gia Lâm, cho biết thêm: “Lên Hà Nội làm đã gần 10 năm nhưng đã chứng kiến 8 lần bạn làm cùng rơi từ trên cao xuống. Trong những lần rơi đó có 3 người phải bỏ mạng, còn những người khác thương tật suốt đời phải về quê nhờ người thân cưu mang. Nhiều lần về quê tôi ghé qua thăm mấy người bạn bị nạn thấy gia cảnh lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Nhưng giờ biết làm sao được?”.
Các chuyên gia về an toàn lao động nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng an toàn lao động trong các công trình xây dựng cao tầng là tình trạng các doanh nghiệp xây dựng cho mượn pháp nhân, sử dụng cai thầu và khoán trắng an toàn ở công trường cho cai thầu. Chính các cai thầu này lại về tuyển công nhân ở quê mình, hoặc lao động tự do vào làm, hầu hết là những người không có kiến thức và ý thức về an toàn lao động
Theo một cán bộ của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), các văn bản hướng dẫn về thực thi an toàn lao động đều có đủ, nhưng vấn đề chính vẫn là ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn lao động từ nhà thầu cho đến các công nhân. Nhiều nhà thầu không cấp đủ các trang thiết bị bảo hộ an toàn lao động cho công nhân. Việc huấn luyện kiến thức về an toàn lao động cho lao động đôi khi chỉ làm theo hình thức. Đặc biệt, nhiều công ty khoán trắng cho lao động, thiếu sự kiểm tra.
“Vấn đề kiểm tra sức khỏe của công nhân, nhất là những người phải làm việc trên độ cao, cũng thường bị các nhà thầu bỏ qua hoặc có kiểm tra thì cũng làm sơ sài. Trong khi đó, có nhiều người bị bệnh tim hoặc sợ độ cao, khi phải làm việc trên cao sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng", vị cán bộ này cho biết.
Ngọc Phạm