Cuối tuần qua, Quốc hội dành 1,5 ngày làm việc trong chương trình kỳ họp thứ 5 để thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Như So (tỉnh Bắc Ninh) nhìn nhận, năm 2017 khép lại với thắng lợi GDP lên tới 6,81% trở thành đòn bẩy của GDP quý I năm 2018 tăng trưởng ngoạn mục với 7,38%, trong khi đó đóng góp quan trọng của khối FDI đạt 13,9%, (2017 chỉ đạt 7,8%). Riêng Samsung với giá trị xuất khẩu điện thoại di động, linh kiện đã tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Kết quả trên trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội như một bức tranh màu sáng nổi bật, ghi nhận nỗ lực quyết tâm của Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế - xã hội, tạo được niềm tin cho nhân dân. “Tuy vậy, nhìn những con số tăng trưởng, diễn biến trong nước và quốc tế đặt ra câu hỏi: Mức tăng trưởng trên liệu có thể tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc năm 2018. Sức khỏe của doanh nghiệp và đời sống của người dân có thực sự được cải thiện song hành với tăng trưởng GDP?”, ĐBQH Nguyễn Như So đặt vấn đề.
Vị ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, câu chuyện tăng năng suất lao động đã được nhắc đến trong thời gian qua, nhưng cần phải xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững. Năng suất lao động ở nước ta ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 7% Singapore, 17,6% Malaysia và 36% của Thái Lan, thậm chí còn thấp hơn cả Lào là 87%, đang mất dần lợi thế của lao động rẻ, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta cần có cách nhìn đúng đắn và toàn diện trong hoạch định chính sách, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, cải thiện trình độ kỹ thuật lao động…
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện nay đất nước ta có 53,7 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân nhưng chiếm 70% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực phi kết cấu. Đây là một khu vực không có quan hệ lao động và rất dễ bị rủi ro cho người lao động. 70% lực lượng lao động làm việc như thế nhưng tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 đến 3/4 lực lượng lao động đang làm việc. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ thất nghiệp kiềm chế nhưng đến nay tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi chiếm 7,5%. Đáng lưu ý là thanh niên trong độ tuổi lao động đô thị chiếm 11,45%, số học sinh tốt nghiệp các trường đại học ra trường không tìm được việc đang rất khó khăn. Năng suất lao động tăng 4,4% nhưng tiền lương trong khu vực công tăng 8% và khu vực có quan hệ lao động tăng 12,2%, đây là nghịch lý.
Trên cơ sở này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi kiến nghị Chính phủ: “Tập trung giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm 2 khu vực: Một, khu lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động. Hai là bản thân lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân để đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Cùng quan tâm về nội dung này, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) thống nhất đánh giá bổ sung của Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 với nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin tưởng và lạc quan trong xã hội.
“Tôi xin chia sẻ ý kiến của đại biểu Nguyễn Như So đoàn Bắc Ninh và báo cáo của Chính phủ cho biết, năng suất lao động xã hội năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 - 2017 tăng 4,7%/năm. Mặc dù năng suất lao động Việt Nam có cải thiện đáng kể theo hướng tăng dần của từng năm, tuy nhiên, rất thấp so với các nước ngay trong khu vực ASEAN.
Vậy, lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới 4.0 này? Sẽ là quá muộn cho một sân chơi kinh tế mà ở đó luật chơi không dành cho những ai không chuẩn bị đầy đủ cho mình tâm thế của người trong cuộc và vào cuộc với tất cả phẩm chất cần có. Chất lượng lao động phản ánh trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động. Vì vậy tôi đề nghị Chính phủ cần có cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá, nhận diện đầy đủ về tình hình chất lượng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang khó, thiếu, yếu điểm nào để từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược hệ thống chính sách, giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn”, ĐBQH Hoàng Đức Thắng nói.
Là thành viên Chính phủ, cũng là ĐBQH báo cáo trước Quốc hội về một số nội dung ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, hiện nay, tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động an toàn, nới dỡ các chính sách an sinh xã hội, thị trường lao động chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực.
Việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn, thất nghiệp tỷ lệ cao, hiện nay bình quân là khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Riêng năm 2017, thanh niên thất nghiệp là 7,51%, tăng so với năm 2016. Khu vực thành thị là 11,75%.
“Qua trao đổi thấy rằng, năng suất lao động của chúng ta có thể cần phải tính toán lại một cách cụ thể, vì chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức. Nếu làm được điều này, chúng tôi tin rằng năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, năm 2018, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá và tạo ra việc làm ổn định, bền vững.
“Lần đầu tiên, chúng tôi tập trung một số vấn đề cơ bản, trước hết là tập trung quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, cho đến nay đã giảm được 252 trung tâm các huyện, giảm 35 trường cao đẳng và công lập hoạt động không có hiệu quả. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, chúng tôi quyết liệt thời gian tới đây sẽ giảm tiếp những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả, hoạt động không đảm bảo v.v...
Thứ hai là chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ, theo đặt hàng với cơ sở dựa trên dự báo cung cầu thị trường. Riêng quý I năm 2018, báo cáo với Quốc hội, chúng tôi thí điểm 10 trường ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 150.000 người trong 3 năm 2018-2020. Nếu tính chung, một trường Dung Quất, 22 năm qua chỉ đào tạo được 18.000 công nhân kỹ thuật và người lao động thì trong 3 năm tới sẽ đào tạo theo địa chỉ là 15.800 trường hợp này. Chúng tôi cho rằng, đây là chủ trương chuyển hẳn từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.