Ngày Tết gần cận kề, hiện nhiều nhà vườn đang tất bật chăm sóc cây cảnh cho dịp lễ đặc biệt trong năm. Nổi bật ở một vườn cây cảnh ở Hà Nội có những cây quất ghép trên thân lũa giá hàng chục triệu thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Đặc biệt dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những chậu quất ghép trên thân lũa có giá hàng chục triệu đồng tại làng quất Tứ Liên, Hà Nội sẽ được đưa ra thị trường dịp Tết.
Từ xa xưa quất Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội nổi tiếng khắp nơi nhờ vẻ đẹp riêng. Năm nay, nhằm thu hút khách hàng, nhiều nghệ nhân làng quất Tứ Liên lại tạo ra hàng loạt "siêu phẩm" quất ghép trên thân gỗ lũa có dáng thế đẹp độc đáo.
Muốn trồng được quất trồng trên gỗ lũa thường mất hàng năm trời uốn nắn theo quá trình phát triển của cây mới có thể cho ra được thế đẹp, độc, lạ và để đến người chơi phải chăm sóc từ 4 - 6 năm.
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, ông Trương Hữu Sử trú tại Đông Anh, Hà Nội cho hay, năm nay gia đình ông muốn tìm một cây quất để trang trí tại nhà thờ họ để có không khí Tết. Dự định tìm cây quất ghép gỗ lũa với giá 60 triệu đồng.
"Gỗ lũa không chỉ là loại gỗ thể hiện giá trị kinh tế mà còn tạo ra nhiều sự khác biệt trong tạo hình bonsai, nâng cao tính thẩm mỹ và mang đến cho người thưởng thức cảm xúc về một sự sống. Đặc biệt cây bonsai lũa tạo hình độc lạ vì vậy, gia đình tôi cũng muốn mua một cây để về trang trí dịp Tết Giáp Thìn 2024", ông Sử nói.
Để sở hữu một chậu quất ghép gỗ lũa "độc lạ", người chơi cây cảnh phải bỏ ra số tiền khá lớn dao động từ 5 đến 60 triệu đồng, thậm chí có cây hàng trăm triệu tùy vào tuổi thọ, kích thước, dáng thế của cây quất và chất lượng của gỗ lũa.
Thông thường cây quất được trồng ghép với gỗ lũa có độ tuổi từ 3 đến 6 năm tuổi không quá nhỏ hoặc quá to.
Gỗ lũa thường là phần gốc, phần lõi cứng nhất, bền nhất của các loại cây gỗ tự nhiên cổ thụ lâu năm, tùy theo loại gỗ mà có giá trị khác nhau.
Việc chăm sóc cho những cây quất ghép gỗ lũa yêu cầu đặc biệt hơn so với cây quất cảnh bình thường. Bởi ngay cả việc tưới nước và bón phân phải phù hợp với từng cây để đảm bảo cây phát triển tốt cùng với thân và tạo đúng thế người trồng mong muốn.
Việc định giá được giá trị của một chậu quất đẹp nằm ở phần gỗ lũa, phần gốc, lõi cứng nhất, bền nhất của các loại cây gỗ tự nhiên, cổ thụ lâu năm.
Ý nghĩa chơi cây cảnh quất ngày Tết
Cây quất quen thuộc với người Việt, đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về nhiều gia trình trang trí nhà của bằng cây cảnh quất. Loại cây này trong phong thủy đại diện cho sự sung túc, đại diện cho may mắn no đủ cho cả gia đình trong năm mới
Có thể bạn chưa biết, cây quất thường được người dân lựa chọn để trang trí vào dịp Tết cũng bởi theo âm Hán Việt thì âm của từ "quất" gần giống âm của từ "cát" trong cát tường ý nghĩa gặp nhiều may mắn và phước lành.
Những năm trở lại đây cây quất cảnh được tạo dáng thế độc đáo đẹp mắt. Cây quất có lá xanh tốt, sai quả, quả vàng đều thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến xuân về, ngoài việc xem ngày tốt xấu để dọn dẹp nhà cửa đón Tết, nhà nhà đều bài trí cây quất với hy vọng mang lại niềm vui và may mắn trong cả năm cho gia đình.
Ngoài ra, các chuyên gia phong thủy cho rằng, quất cảnh chưng Tết là một trong số ít loài cây hội tụ đầy đủ yếu tố ngũ hành. Vì mỗi người đều có một mệnh khác nhau, mà cây quất lại “đạt” được yếu tố ngũ hành: kim (hoa màu trắng) sinh thủy (lá xanh đậm), thủy sinh mộc (thân cây), mộc sinh hỏa (quả chín màu cam), hỏa sinh thổ (đất trong chậu) và thổ sinh kim (hoa màu trắng). Chính bởi vậy mà khi chưng loại cây cảnh này, những điều tốt đẹp sẽ kéo đến cho gia đình gia chủ suốt quanh năm.
Nhiều người có quan niệm quả càng sai và to thì tài lộc càng nhiều. Thời điểm quất ra hoa cũng chính là lúc thủy sinh mộc, trong khi chính mộc lại là hiện thân của sinh khí. Suy cho cùng, tất cả chúng đều mang ý nghĩa của tài lộc cũng như sự thành đạt trong công danh sự nghiệp.
Bài trí cây quất trong nhà với hy vọng mang lại niềm vui và may mắn cả năm cho gia đình, trong kinh doanh, đặt cây quất ở văn phòng hoặc cửa hàng sẽ đem lại cát khí lớn lao, sự đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc.
Thường một cây quất đẹp phải có gốc to, thân ngắn chẻ làm nhiều nhánh nhỏ, thể hiện sự sum vầy của gia đình nhiều thế hệ.
Vào dịp Tết nếu may mắn chọn được cây có cả quả chín, quả xanh và còn lộc non điều này thể hiện sự đầy đủ, thành công, may mắn. Cây quất còn là biểu tượng của sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên.
* Thông tin mang tính chất tham khảo!
Trúc Chi (t/h)