Trang trại trâu chọi nổi tiếng của ông Hoàng Bá Thông, SN 1971 nằm ở xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Mỗi năm trang trại ông mua về và huấn luyện bán được khoảng 200 con trâu chọi cho khách trong và ngoài nước.
Theo ông Thông, cơ duyên mang ông đến với nghề “đặc biệt" này là vào năm 2004. Thời điểm này, có một người bạn ghé chơi và nhờ ông giới thiệu nhà nào có bán trâu đực máu chiến. Nể tình, ông Thông tìm giúp cho người này một con trâu ở trong làng.
Thật không ngờ, con trâu ông Thông giới thiệu mua cho bạn lại giành giải Ba cuộc thi chọi trâu ở Đồ Sơn. Tự nhận thấy mình là người mát tay nên người đàn ông này chuyển sang nghề môi giới trâu chọi.
Thời gian đầu đi buôn, ông Thông mua trâu “mộc”, đưa về nhà chăm sóc rồi huấn luyện sau đó đem bán cho đối tác. Ông cũng dành thời gian đi dự các lễ hội, sới chọi trâu nhằm quan sát, nghiên cứu, thăm dò thông tin về trâu chọi. Nghề đi buôn phải rong ruổi đi tìm trâu chọi nên ông không có thời gian ở nhà nhiều.
Ông Thông đi khắp các huyện thành trong tỉnh, đặc biệt là các huyện ở miền Tây Nghệ An. Nhận thấy trâu chiến ở trong tỉnh không nhiều, ông đi vào tận Tây Nguyên, miền Tây để “tầm” trâu. Thậm chí nhiều khi ông phải sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan,… để tìm kiếm trâu mộc.
Theo ông Thông, trâu được chọn mua phải là những con đực hội đủ các yếu tố như: mắt đẹp, trên mình năm xoáy, da và lông đen, móng sò, sừng to...
Nghề “săn” và huấn luyện trâu chọi cũng vất vả và phải kiên trì chịu khó. Loài trâu mộc là chưa qua huấn luyện để có thể chọi thì phải đưa về chăm sóc sau mới huấn luyện được. Thông thường, trâu mộc thường ở mức 600-650kg, về vỗ béo lên 750-800kg là có thể bắt đầu huấn luyện.
"Chăm trâu chọi cũng khác rất nhiều so với nuôi trâu nuôi lấy thịt. Sau khi mua về trâu phải được tiêm phòng đầy đủ. Chế độ ăn của trâu chọi khá tốn kém. Thức ăn chính của chúng là cỏ voi. Cỏ sau khi thu hoạch được rửa sạch, thái bằng máy và trộn với cám. Chế độ ăn đặc biệt này sẽ giúp cho trâu có độ sung mãn và săn chắc hơn. Đặc biệt, nuôi trâu này không được cho ăn cám công nghiệp bởi thịt sẽ bị nhão, độ chiến kém. Ngoài ra, tôi còn cho chúng ăn thân cây mía thái nhỏ và uống mật mía”, ông Thông chia sẻ.
Hiện tại, gia đình ông có khoảng 40 con trâu chọi. Vì số lượng chuồng hạn chế nên ông đã thuê các hộ dân trong làng nuôi. Mỗi hộ nhận nuôi sẽ nhận được 1,5 triệu đồng/con/tháng. Nếu trâu bán được giá thì có thể bồi dưỡng thêm cho hộ nuôi. Trong làng có 20 hộ đang nhận nuôi trâu cho nhà ông Thông.
Theo anh Nguyễn Văn Xân, người nhận nuôi trâu cho ông Thông, hiện gia đình đang nhận nuôi 4 con trâu. Mỗi tháng cho thu nhập 6 triệu đồng. Ngoài ra, nếu có việc cần như cày kéo trong sản xuất nông nghiệp gia đình anh có thể sử dụng trâu thoải mái. Thậm chí có thể sử dụng phân để bón cho hoa màu.
Sau khi vỗ béo tăng thể lực cho trâu, ông Thông bắt đầu huấn luyện. Thời gian đầu người đàn ông này thường nhốt hai con trâu ở gần chuồng để cho nhìn nhau nhằm kích thích khả năng "máu chiến".
Sau đó, ông lùa trâu ra những đồng cỏ rộng lớn, cho chúng lao vào chọi nhau. “Người luyện trâu giỏi phải nhìn được các thế mạnh của nó để bồi dưỡng thêm như các đòn hổ lao, móc hàm, móc mắt... Đòn hổ lao, hay còn gọi là tử chiến, là tiêu chí để đánh giá điểm mạnh của trâu, con nào giỏi đòn này thường bán được giá cao. Một lần huấn luyện kéo dài khoảng 2 tiếng, con trâu được chủ tập luyện với nhiều đối thủ trong vùng. Khi thấy trâu tập đủ đòn thì chủ cần tìm mọi cách để tách chúng ra. Phải luôn đảm bảo không có con nào bị thua. Trâu khi đã bị đánh bại thường nhát đòn, không ai mua, hoặc bị ép bán giá thấp nhất", ông Thông cho biết.
Sau khoảng vài tháng huấn luyện, trâu có đủ thể lực, nghe lời chủ và hiểu các tư thế đòn, đánh,… ông Thông tìm đối tác để bán. Theo người đàn ông này thời điểm vào tháng Giêng hoặc tháng 8 Âm lịch hàng năm các tay chọi ở các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng sẽ vào trực tiếp đánh giá và chọn cho mình con trâu ưng ý.
Gắn bó với nghề lâu, ông Thông cũng tạo được thương hiệu riêng cho mình. Không chỉ khách hàng trong nước mà thời gian gần đây ông còn “xuất khẩu” trâu đi sang Trung Quốc.
Việc mua bán với những vị khách này sẽ đặc biệt hơn. Bởi chủ yếu giao dịch thực hiện qua mạng xã hội. Chủ trâu sẽ quay video từng con trâu, từng trận chiến và gửi cho “khách hàng”. Nếu khách ưng ý sẽ gửi tiền đặt cọc, khi trâu lên xe thùng, họ sẽ thanh toán toàn bộ số tiền.
Theo ông Thông tiết lộ, số tiền mỗi khi bán trâu chọi qua tay, người đàn ông này bỏ túi khoảng vài chục triệu đồng. Trâu chọi có giá đắt hơn 4- 5 lần trâu thường. “Thường những người đam mê trâu chọi, giá cả đối với họ không thành vấn đề. Miễn là trâu có thể lực và chiến tốt. Con trâu chọi tôi mua đắt nhất là 170 triệu từ Campuchia. Về có một vị khách Trung Quốc “chấm”, họ mua với giá 200 triệu đồng”, ông Thông chia sẻ thêm.
Trung bình mỗi năm ông Thông bán 200 trâu chọi, giá bán so với lúc mua về chăm sóc chênh lệch khoảng 30-60 triệu đồng/con. Mặc dù có thu nhập cao nhưng nghề này cũng vất vả. Có khi ông Thông mất cả tháng trời đi nhưng không săn được con nào hoặc có "hàng" ưng ý nhưng chủ không đồng ý bán.
Ông Dương Công Ngọc, Chủ tịch xã Bình Sơn cho biết địa bàn có hàng chục hộ dân nuôi và luyện trâu chọi. Nghề này gần đây phát triển khá mạnh, mang lại thu nhập khá bởi so với trâu thịt thì trâu chọi có giá trị kinh tế cao hơn, có những con bán gấp 4-5 lần. Hộ dân nuôi và luyện trâu chọi nhưng quy mô lớn nhất là hộ ông Hoàng Bá Thông, các hộ còn lại nuôi nhỏ lẻ 1-2 con. Địa phương cũng tạo điều kiện để các hộ dân phát triển nghề mua bán, chăm sóc trâu chọi. Từ đó, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.
Minh Tâm - Hà Hằng