Từ giấc mộng lạ
Về thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang hỏi thăm ông Phạm Văn Mọi (60 tuổi) hay ông Mọi “vàng”, gần như ai cũng biết. Nhiều năm trôi qua, những dấu tích về “cơn sốt vàng” trên cánh đồng Óc Eo chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người.
Thế nhưng, suốt hơn 20 năm qua, ông Mọi hàng ngày vẫn cặm cụi vác đồ nghề đi tìm vàng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, ông Mọi phải nương tựa vào người chị cả mà khôn lớn thành người. Hoàn cảnh khó khăn, côi cút, chỉ vừa kịp nhận biết mặt chữ, ông Mọi đã phải lo miếng ăn qua ngày.
Lớn lên, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Mọi lên đường nhập ngũ. Khi quân Pol Pot bị đẩy lùi, ông rời quân ngũ, trở về quê nhà. Thương đứa cháu côi cút, hiền lành, chịu khó, người họ hàng mai mối cho ông cô thôn nữ tên là Võ Thị Lan.
Mới lập nghiệp, cuộc sống vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chịu khó lao động, biết vun vén nên cũng đủ đắp đổi qua ngày. Tuy nhiên, càng ngày người vợ lại càng bộc lộ những tính xấu. Không chỉ hay ăn, hay chơi hơn hay làm, người vợ trẻ còn có thêm thú vui cờ bạc.
Mở đầu câu chuyện cuộc đời, ông Mọi kể... Năm 1990, vợ con ông đột nhiên mắc phải chứng bệnh lạ. Ông Mọi chạy vạy khắp nơi vay mượn nhưng vẫn không đủ tiền lo cho vợ con. Quá lao lực, mệt mỏi, ông cũng đổ bệnh. Những ngày nằm nhà dưỡng bệnh, một giấc mộng lạ cứ liên tục lặp đi, lặp lại trong đầu người nông dân vốn chân lấm, tay bùn này.
“Trong giấc mộng, tôi được một người đàn ông dẫn ra cánh đồng trước nhà và nói rằng dưới cánh đồng có vàng. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ mình mệt mỏi, cần tiền nên nghĩ nhiều, thành ra đêm nằm mộng vậy. Thế nhưng, liên tục trong 6 ngày, tôi đều gặp lại giấc mộng này khiến tôi suy nghĩ”, ông Mọi chia sẻ.
Sau nhiều ngày suy tính, đang trong lúc túng quẫn, người đàn ông ấy đã quyết định làm cái điều mà người dân nơi đây cho là gàn dở. Ông đào tung hết ruộng lúa đã sắp tới ngày thu hoạch lên để tìm vàng.
Thấy hành động quái dị của ông Mọi, người làng ai cũng cười cợt, chế nhạo. Chính vợ con ông cũng cho rằng ông là người không bình thường. Mặc cho những lời dị nghị của mọi người, ông Mọi vẫn tin rằng giấc mộng đó là thật. Tìm kiếm đến ngày thứ ba, điều kỳ diệu đã đến với người đàn ông lam lũ.
Ông nói: “Hôm ấy, sau ngày dài mệt mỏi tìm kiếm, khi đang chuẩn bị ra về, tôi tình cờ đào phải một vật gì cứng cứng. Nghi ngờ, tôi từ từ moi hết đất ra thì phát hiện ra đây là một ngôi mộ cổ. Sau khi bới hết cả ngôi mộ, tôi phát hiện có nhiều cổ vật nhưng chỉ có duy nhất một chiếc hộp bằng gỗ ở phía đầu ngôi mộ là còn khá nguyên vẹn”, ông Mọi kể.
Mang về nhà nhưng thấy hộp gỗ điêu khắc tỉ mỉ nên ông không dám mở. Sau khi ăn cơm tối, ông đem câu chuyện đào được “kho báu” kể cho vợ con nghe. Câu chuyện còn chưa kết thúc, vợ ông đã nhanh tay mở luôn hộp gỗ ra. Khi miệng chiếc hộp được mở ra, cả nhà đều sửng sốt, sung sướng tột độ. Phía trong hộp gỗ là những tấm vàng lá có khắc chữ.
Vợ chồng ông Mọi sau đó bàn bạc, đem hết những miếng vàng lá ra tiệm vàng bán. Số “kho báu” đó tuy không thể giúp ông Mọi một phút lên ngôi đại gia nhưng vào thời ấy, nó là cả một gia tài lớn.
“Đồng tiền ngày đó còn rất có giá trị, 3 triệu là cả một gia tài lớn. Trong khi, số vàng tôi bán được hơn 3 triệu lận. Sau khi bán, tôi đem trả hết nợ nần. Số tiền còn lại, tôi sửa lại căn nhà và mua cặp trâu cho vợ con ở nhà chăm sóc. Tôi tiếp tục đi tìm vàng,...”, ông Mọi cho biết.
Đến lời nguyền kho báu cổ?
Nghe tin vợ chồng ông Mọi trúng “kho báu”, mọi người ai cũng mừng cho đôi vợ chồng nghèo. Tuy nhiên, cũng có người tỏ ra e ngại. Rồi những câu chuyện mê tín về điều cấm kỵ, quả báo khi xâm hại mộ cổ liên tục xuất hiện.
Nghe những lời đồn thổi đó khiến bản thân ông Mọi cũng rất hoang mang. Lo chuyện không hay xảy đến với mình, ông bàn với vợ bán trả lại “kho báu” để tránh gặp phải tai họa. Tuy nhiên, điều đó chỉ nằm ở dự định.
“Tham vàng, tôi đi tìm vàng tối ngày, bỏ vợ con ở nhà. Vì mê tìm vàng quá, nhiều hôm tôi ngủ luôn ở ngoài cánh đồng cho tiện. Nào ngờ, trong lúc tôi đang cật lực đi tìm kiếm thì vợ con ở nhà lại đổ đốn. Sẵn có tiền của tôi, vợ thì mang nướng vào sòng bạc, con thì ăn chơi lêu lổng. Không chỉ ăn tiêu hết số “kho báu”, cặp trâu, ruộng đất cũng không cánh mà bay đi mất”, lão nông buồn bã chia sẻ.
Không chịu được những lời dị nghị, xỉa xói, một thời gian sau, vợ con lão nông dắt nhau bỏ đi biệt xứ. Ông Mọi phần vì mất nhà, phần vì buồn chuyện vợ con đã lên núi dựng chòi sinh sống. Tưởng rằng căn chòi trên núi là nơi trú chân của người đàn ông bất hạnh, thế nhưng cơn khát “kho báu” lại một lần nữa bùng lên trong ông. Hơn 20 năm qua, lão nông tuổi lục tuần vẫn miệt mài công việc đi tìm kho báu của mình.
Đằng đẵng 2 thập kỷ qua, kho báu không tìm thấy, nhưng ông Mọi luôn tin ở một nơi nào đó tại khu vực cánh đồng Óc Eo này còn rất nhiều vàng. Bởi, vương quốc Phù Nam xưa rất giàu.
Thấy PV thắc mắc về niềm tin mãnh liệt của mình, ông Mọi lý giải: “Quyết định đi tìm kho báu bấy nhiêu thời gian của tôi một phần cũng là do tôi được người âm báo đi tìm giúp một bảo vật họ đánh mất. Đó là một cặp nhẫn cẩm thạch. Tôi đã hứa đi tìm giúp nên khi nào chưa thấy thì tôi sẽ không dừng lại. Bởi dừng lại là tôi đã thất hứa với họ”.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Chiến, Trưởng ấp Tân Hiệp, xã Trung Sơn cho biết: “Ông Mọi vốn là một người gương mẫu nhưng những biến cố trong cuộc sống gia đình đã đẩy người đàn ông này đến bước đường như ngày hôm nay.
Việc ông Mọi đi tìm “kho báu” suốt hơn 20 năm qua quả thực không ai có thể lý giải được. Ban đầu thì có thể giải thích là do buồn chuyện gia đình, nhưng hơn 20 năm đã qua thì việc làm của ông ấy quả thực có vấn đề. Nhiều khi lo lắng cho ông Mọi, chính quyền đã lên tận núi vận động ông ấy trở về nhưng đều bất thành”.
Cần bảo tồn Mang câu chuyện lão nông “săn vàng” trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng viện Khảo cổ học, ông Hải cho rằng: “Nạn bòn vàng bây giờ không còn, có chăng chỉ là những “cơn khát” đến từ những lời đồn. Địa phương cần nhanh chóng bàn giao từng phần các khu vực quy hoạch để viện Khảo cố học tiến hành khai quật, nghiên cứu đúng tiến độ trong thời gian 3 năm, hướng đến việc xây dựng một khu di tích Óc Eo - Ba Thê mang tính tổng thể hơn, chứ không phải manh mún như hiện nay. Cùng với việc cẩn trọng, bảo quản những hiện vật mới, địa phương cần phải tăng cường sửa chữa một số nơi như Gò Cây Thị đang xuống cấp, có dấu hiệu bị mối mọt đục khoét, chú ý cách bảo quản các hiện vật tại Nhà trưng bày với nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, nếu không, sẽ làm nhanh hỏng cổ vật”. |