Tết này, ông Huỳnh Văn Mười ở khu vực Phú Khánh, phường Phú Thứ, quận Cái Răng (Tp.Cần Thơ) tròn 70 tuổi. Tuổi cao, nhưng ông luôn tìm tòi, học hỏi, thực hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Chia sẻ với VietNamNet, lão nông kể, trước đây gia đình ông làm lúa nhưng hiệu quả không cao nên ông nghĩ cần phải tìm hướng đi mới. Sau đó, ông đầu tư trồng cây nhãn Ido. Nhưng cây nhãn Ido bị bệnh chổi rồng, giá cả bấp bênh nên 8 năm trước ông Mười quyết định chặt cây nhãn để trồng sầu riêng. Ông là người tiên phong trồng sầu riêng ở khu vực Phú Khánh, phường Phú Thứ. Hiện ông Mười đang sở hữu vườn sầu riêng rộng 15.000m2 với hơn 200 cây đang ra bông
Loại sầu riêng ông trồng là Ri6, trái có hình dạng thuôn tròn, da xanh; khi chín, trái có trọng lượng khoảng 3-5kg; cơm khô ráo, dày, thịt có màu vàng tươi bắt mắt, vị ngọt và béo, hương thơm vừa phải nên được thương lái và người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo ông Mười, sầu riêng nên trồng với mật độ vừa phải. Muốn có năng suất cao, bên cạnh sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường bón các loại phân hữu cơ, phân chuồng nhằm bổ sung dinh dưỡng cho đất...
Cây sầu riêng thường gặp một số loại sâu, bệnh gây hại như xì mủ trên thân, cháy lá, bọ trĩ và rầy xanh tấn công nên cần dành nhiều thời gian thăm vườn để kịp thời phát hiện dịch bệnh…
Đến nay, vườn sầu riêng của ông Mười đã cho trái được 4 vụ. Mỗi cây cho trái trung bình từ 200 -300kg.
“Năm rồi, vườn sầu riêng tôi thu hoạch được hơn 10 tấn trái, giá bán cho thương lái 65.000 đồng/kg; giá bán lẻ 70.000-85.000 đồng/kg. Năm nay, dự đoán thu hoạch khoảng 30 tấn sầu riêng”, ông Mười cười nói.
Mỗi năm, lão nông này xử lý, chăm sóc vườn sầu riêng để kịp xuất bán vào đầu tháng 4 - 5. Điểm đặc biệt là ông Mười chỉ bán sầu riêng chín cây, do đó được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Mỗi đợt có trái chín với số lượng lớn, ông bán cho thương lái; nếu từ 1 đến 2 tấn, ông và các con bán qua mạng xã hội. Riêng vợ ông thuê 2 lô trưng bày và bán sầu riêng tại chợ 586, phường Phú Thứ.
Ngoài vườn sầu riêng, ông Mười cũng có vườn măng cụt hàng chục năm tuổi, đang cho trái.
Ông Mười cũng tiết lộ, mình đang sở hữu trang trại nuôi lươn không bùn. Trại lươn của ông đã được chứng nhận VietGAP và được một công ty bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Theo ước tính của ông, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ông xuất bán hơn 10 tấn lươn, tổng thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai ông xuất bán lươn kể từ khi bắt đầu thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn vào cuối năm 2022.
Ông Mười kể với báo Cần Thơ, ý tưởng thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn nảy ra khi ông xem truyền hình, thấy nhiều nông dân thực hiện mô hình này hiệu quả. Là nông dân đam mê lao động, ông tìm hiểu và được giới thiệu đến các trang trại nuôi lươn uy tín ở tỉnh Vĩnh Long để tìm mua con giống. Ban đầu, ông nuôi thử nghiệm trong 4 hồ xi măng (10m2/hồ), để rút kinh nghiệm. Lần nuôi thử nghiệm này, tỉ lệ hao hụt khá cao, nhưng ông cũng tích cóp được nhiều kinh nghiệm, như: số lượng lươn nuôi cần hợp lý với diện tích mỗi hồ, trang bị hệ thống cấp nước đảm bảo an toàn nhằm hạn chế bệnh ở lươn; lựa chọn mua thức ăn ở công ty có uy tín, địa chỉ rõ ràng…
Tích cóp kinh nghiệm, cuối năm 2022, ông mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để xây thêm 13 hồ xi măng với hệ thống cung cấp nước, chiếu sáng và mua khoảng 100.000 con giống để nuôi quy mô lớn. Ông tự tìm tòi, học hỏi từ nhiều người và được con rể là kỹ sư nông nghiệp, tư vấn, hướng dẫn thêm kỹ thuật. Nhờ vậy, đợt thu hoạch lươn đầu tiên vào đầu năm 2023, ông thu hơn 1,15 tỷ đồng.
Ngoài mô hình nuôi lươn, ông và người con trai út còn thực hiện mô hình nuôi ếch thương phẩm. Hiện quy mô nuôi gồm 15 vèo (mỗi vèo rộng 15m2); mỗi năm ông xuất bán 2 đợt, mỗi đợt bình quân trên 6 tấn, thu nhập gần 250 triệu đồng. Mô hình này cũng được chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, ông còn nuôi trồng nhiều loại thủy sản: cá lóc, cá rô, cá tai tượng trong các ao xen kẽ vườn sầu riêng, với tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Đam mê lao động, hầu như mỗi ngày, ông dành phần lớn thời gian ở trang trại để theo dõi đàn cá, hồ nuôi lươn. Từ 4h sáng, ông thức dậy để thay nước cho các hồ nuôi lươn, sau đó 6h sáng thì cho lươn, cá ăn. Công việc này lặp lại 3 lần trong ngày, cho đến khoảng 9h tối. Vất vả là thế, nhưng ông Mười cười khà khà, nói: “Ngày nào không ra trang trại, tôi bứt rứt không làm gì được, có thể do tôi là con nhà nông nên quen với công việc đồng áng, chân tay”.
Nhiều đoàn khách đến tham quan, ông Mười đều hướng dẫn tìm hiểu quy trình chăn nuôi, việc xây dựng hệ thống chuồng trại. Với vai trò Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi ở khu vực, ông còn chia sẻ, hướng dẫn 7 hộ nông dân trong tổ thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình.
Minh Hoa (t/h)