Lão nông "2 trong 1"
Khi tôi hỏi đường tìm vào nhà ông Nghĩa được một người dân bản địa chỉ đường tận tình: "Cứ đi thẳng đường liên xã, rẽ vào thôn Đá Dựng sẽ nhìn thấy một cái chòi câu cá trên cái ao ngay cạnh cái miếu nhỏ thì đích thị ông Nghĩa có ở đó. Chúng tôi quen gọi ông là lão nông "2 trong 1", vì tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn rất hăng hái vừa trông miếu, vừa làm thầy lang chữa rắn cắn cứu người".
Theo đúng chỉ dẫn, tôi đến chòi cá nhưng do trời lạnh, ông Nghĩa đã tạm lui về nhà mình để tránh rét. Thoạt nhìn gương mặt xương xương, đôi mắt già đục và dáng người chậm chạp ít ai nghĩ rằng ông là người mang danh "khắc tinh xà độc". Cả một đời lao động chân tay vất vả nên những nét lam lũ hiện trên khuôn mặt càng khiến ông trông già hơn so với tuổi mới ngoài 70 của mình.
Đảo lộn cuộc sống vì danh xưng... “khắc tinh” Còn thực hư về danh "khắc tinh xà độc" là do những người đã từng bị rắn độc cắn, hoặc là người thân của họ cảm phục, mến mộ ông đặt cho gọi lâu thành quen mà thôi chứ không phải ông tự xưng hay bảo mọi người gọi thế. "Thật ra từ khi có tên gọi ấy nhiều lúc khiến cuộc sống riêng của tôi bị đảo lộn, người biết thì chẳng sao chứ người không biết nhiều khi bán tín bán nghi cứ tìm đến dò hỏi làm phiền suốt ấy mà", ông thật thà chia sẻ. |
Khi biết có người tìm đến tận nhà vì biết đến ngón nghề chữa rắn cắn kỳ bí của mình, ông cười bảo: "Thật ra cũng chẳng kỳ bí hay giỏi giang gì đâu, vì cách thức chữa trị này tôi được người mẹ quá cố người dân tộc Mường của mình truyền lại cho từ rất lâu rồi". Với người xa lạ thì cách ông làm khiến cho họ tò mò, còn với riêng ông thì đó là bảo bối gia truyền mà ông là người có trách nhiệm cần gìn giữ.
Ông còn nói cứ tưởng có người tìm đến xin thắp hương hay lại nghe kể chuyện về ngôi miếu thiêng mà ông đã trông coi trong nhiều năm qua. Ngôi miếu đó thờ nhiều Ranh (trẻ em chết yểu trong trận đại dịch kiết lỵ những năm 70 thế kỷ XX của địa phương). Ở vùng này, tùy theo nhu cầu tâm linh hay sức khỏe mà người ta biết đến ông với cương vị khác nhau: ông Từ già hoặc là khắc tinh của lũ rắn độc. Nhưng theo ông thì dù là ai trong hai danh phận trên ông đều cảm thấy rất vui, vì ông quan niệm tuổi già còn làm được việc có ích thì còn gì bằng.
Ông cho biết cách chữa rắn cắn độc đáo mà đến bây giờ ông còn lưu giữ là kho báu lớn nhất mà bà cố Thượng (mẹ đẻ ông) để lại cho con mình. Bà là một người phụ nữ Mường chính gốc cả đời chỉ biết mặc váy Mường truyền thống, gia đình bên ngoại nhà ông từ các đời trước đều lưu giữ các bài thuốc nam, các phương thuốc đặc trị mà không ít người vẫn cho là nhuốm màu ma mị của người dân tộc Mường. Khi đi lấy chồng bà giắt lưng mang theo các bí kíp thuốc đó về nhà chồng, tuy đông con nhưng nghề thuốc chọn người nên chỉ có ông Nghĩa là bén duyên với thuốc thang vốn vẫn được người dân quen gọi là lang Nghĩa.
Ông nhớ mình đã học được khá nhiều bài thuốc, nhưng có những thứ ông học nhanh rồi cũng quên đi nhanh. Đến thời điểm hiện tại, hơn 40 năm ông kế nghiệp từ mẹ thì người đời dường như chỉ còn biết ông là "ông Nghĩa rắn" mà thôi. Ông không lấy làm lạ khi bên cạnh lời khen vẫn có chút ít ý chê bai mình, vì ông bảo: Đã là thuốc bí truyền, mỗi đời chỉ truyền cho 1 hoặc cùng lắm là 2 người (là người có phẩm chất thanh cao, ăn ở sạch sẽ tươm tất, kỵ nhất là người ăn tạp), tuyệt nhiên không thể để lộ ra bên ngoài nên họ có thái độ như vậy cũng phải.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông không ngần ngại khẳng định trong quá nửa đời mình ông đã chữa cho rất nhiều người, kể cả vật nuôi giá trị bị rắn cắn ảnh hưởng tới tính mạng hoặc thậm chí là nguy kịch.
Ông Bùi Văn Nghĩa
Khắc tinh của... xà tinh
"Nhiều người bị rắn độc cắn được ông Nghĩa cứu giúp tới nay vẫn còn sống nên chuyện ông chữa được hoàn toàn không phải là bịa đặt. Phương thuốc bí truyền ông nói còn nhiều ẩn số. Tuy nhiên ngày nay khi điều kiện phát triển, để đảm bảo an toàn về sức khỏe thì người dân cần tìm đến các cơ sở y tế gần nhất", chị Đảo, cán bộ y tế thôn Đá Dựng nhận định. |
Theo trực quan cho thấy, thì địa hình xã Xuân Phú là vùng tiếp giáp giữa miền xuôi với miền ngược nên đất đai chỗ thì đồi núi rậm rạp, chỗ thì đồng ruộng sình lầy nên các loài sinh vật có điều kiện phát triển khá thuận lợi. Đặc biệt trong đó loài rắn cũng nảy nở, sinh sôi rất nhiều.
Anh Lài, cán bộ trung tâm y tế xã cho biết: "Chuyện người dân đi rừng rồi bị rắn cắn rất hay xảy ra ở địa phương. Nhưng tùy vào mức độ nặng nhẹ, hay điều kiện đi lại mà họ ra trạm y tế khám. Ngày nay người dân tin tưởng y học nên tìm đến đây khám càng nhiều, còn thời gian về trước thì những thần y dân gian như ông Nghĩa có vai trò cứu chữa ban đầu rất lớn đối với nạn nhân bị rắn độc cắn".
Trong số nhiều người được ông Nghĩa cứu chữa, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Xuân Toàn ở thôn Đồng Tro cùng xã. Anh cho hay, năm 1987 trong một trận lụt to, anh phải lặn mình xuống sâu để xả cống nước cứu ao cá của gia đình. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt và đêm tối anh chỉ kịp cảm thấy buốt nhói ở bụng chân, rồi như có con gì trườn qua chui vào bụi rậm. Ngay lập tức tứ chi anh gần như không cử động được, cố gắng mãi anh mới lết được vào nhà kêu cứu vợ con.
Trạm y tế ở xã 135 ngày đó có cũng như không, nên khi thấy chồng tái người, cứng lưỡi, vợ anh chỉ kịp đưa vào nhà rồi hộc tốc chạy sang nhờ ông Nghĩa tới chữa. Theo lời vợ anh kể lại, lúc chị tới ông hỏi anh bị cắn ở đâu, rắn để lại mấy răng, có đi qua mái gianh hay không... Khi tới ông lầm lũi đi vào, chị chào cũng không nhìn ngang ngửa. Thấy nạn nhân có dấu hiệu yếu đi, ông ra mái hiên gianh vẫn còn mưa thành giọt, rầm rầm khấn trong miệng rồi nhổ một ít nước miếng trong lòng bàn tay. Ông đặt tay từ trên tim anh Toàn vuốt xuôi xuống vết răng rắn, vuốt một hồi thì máu thâm đọng lại thành giọt. Thấy anh hơi có dấu hiệu hồi sức, ông thực hiện lại một lần nữa thì thân nhiệt anh trở lại bình thường, da trở lại hồng hào và bắt đầu ngủ được.
Lúc này ông mới bắt đầu nói chuyện với vợ anh Toàn, ông cho biết anh bị trúng độc của loài rắn đầu đỏ. Ông còn dặn dò những lần sau nhỡ may có bị như vậy thì có hai điều nên kiêng: một là lội vào nước lạnh, hai là đi qua mái gianh vì như vậy càng khó chữa(?). Hơn nữa, thấy ông chỉ cần gật đầu chứ tốt nhất đừng chào hỏi, vì đằng nào ông cũng không nói lại sẽ mất thiêng, cứ xong việc thì ông ắt sẽ nói!
Một trường hợp hy hữu khác được ông Nghĩa chữa trị kịp thời không cần chúng tôi hỏi, anh Nguyễn Văn Dục cùng thôn với anh Toàn kể: Ngày ấy kinh tế khó khăn lắm, cả cơ nghiệp gia đình đúng là chỉ có độc một con trâu. Ấy là lần đi chở sắn ở rẫy về nó bị rắn hổ mang bành cắn. Con vật đáng thương được gia đình kéo về nhà trong trạng thái chết lâm sàng, mắt trợn ngược. Xót của, cả nhà anh đã nghĩ khối tài sản ấy sắp đi tong, một vài con buôn nghe tin đã chầu chực ở ngõ ngả giá bèo để mua xác con trâu.
Vốn nghe danh ông Nghĩa đã lâu, và nghĩ còn nước còn tát nên gia đình anh chạy sang cậy nhờ ông giúp. Anh Dục cũng khẳng định, ông lầm rầm khấn, rồi thực hiện thao tác vừa vuốt tới đâu thổi xuôi theo tay tới đó. Sau khi sùi hết bọt mép, con trâu thở hổn hển và từ từ đứng dậy trong sự ngỡ ngàng của gia đình anh. Trước lúc ra về, ông không quên dặn người nhà nhớ cho con vật uống một thau nước muối ấm loãng. "Nếu không có ông Nghĩa giúp, thì lần ấy nhà tôi khốn đốn lắm" - anh Dục nói.
Trước cách chữa rắn cắn khá dị và không thấy sự có mặt của thuốc thang của ông khiến cho rất nhiều người tuy nể phục nhưng không tránh khỏi băn khoăn. Để ly kỳ hóa câu chuyện, nhiều người còn cho rằng ông có thể giúp những nạn nhân của xà độc thoát hiểm như vậy phần nào cũng do duyên âm ở ngôi miếu thiêng hàng ngày ông trông coi dọn dẹp phù trợ.
Với gương mặt khắc khổ của mình, ông Nghĩa trầm ngâm mong tôi cảm thông bởi từ bao đời nay, như đã nói trên không sẻ chia cho người ngoài và mỗi đời chỉ truyền cho 1 người nên ai tín thì tìm đến ông, ông dốc lòng chạy chữa còn không thì tốt nhất nên đến cơ sở y tế cho yên lòng.
Đức Anh Chí