Sầu riêng được xem là “vua của các loại trái cây” nhờ hương vị đặc trưng, giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Ngay những vụ thu hoạch đầu tiên, nhiều nông dân trồng sầu riêng ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) đã có nguồn thu nhập khủng.
Sau một thời gian thử nghiệm, người dân huyện miền núi Sông Hinh đã trồng khoảng 500ha sầu riêng, tập trung các giống có giá trị kinh tế cao như Ri 6, Monthong, Musang King.
Đặc biệt, năm 2023 giá sầu riêng lập đỉnh, mang lại lợi nhuận khủng cho người dân trồng sầu riêng. Ðiển hình như nông dân Cao Nguyên Lâm (69 tuổi) ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Năm 2023, với 7ha sầu riêng 7 năm tuổi, gia đình ông thu lãi được trên 8 tỷ đồng.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Lâm cho biết hai vợ chồng ông đều sinh ra và lớn lên tại huyện Đồng Xuân (Phú Yên) nhưng lại lập nghiệp xa nhà. Năm 1989, vợ chồng ông cùng 3 con nhỏ dắt díu nhau lên thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) tìm kế sinh nhai. Tại đây, vợ chồng ông làm đủ nghề, từ đi đãi vàng, buôn bán, mở nhà máy nước đá…
Từ năm 1998, ông Lâm bắt đầu suy tính tìm hướng đi mới. Vốn là người ưa thích tìm tòi, học hỏi cái mới, ông lân la đi tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp. Lang thang tìm kiếm, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu tại các vùng đất khác nhau của huyện miền núi Sông Hinh, cuối cùng ông Lâm quyết định dừng chân tại buôn Quen (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh). Vợ chồng ông Lâm dồn hết tài sản sau gần 10 năm tích cóp mua hơn chục ha đất tại buôn này để trồng cây cà phê.
Năm 2001, cà phê rớt giá, gia đình ông Lâm lại chuyển toàn bộ diện tích trồng cà phê sang trồng cao su. Thời điểm này, cao su được xem là "vàng trắng" của vùng đất Sông Hinh. Có những thời điểm, giá cao su lên đến hàng trăm nghìn đồng/kg. Với hơn 10 ha cao su, mỗi ngày vợ chồng ông thu về gần chục triệu đồng tiền bán mủ cao su.
Sau gần chục năm, cao su mất giá, ông Lâm quyết định chuyển đổi gần 7 ha trồng cao su sang trồng sầu riêng. Ông Lâm cho biết, ông đã trực tiếp đi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng ở nhiều nơi, từ vùng Tây nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… Ông nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Ea Bar rất phù hợp cho cây sầu riêng phát triển.
"Vườn của tôi chủ yếu là giống sầu riêng Dona khá nổi tiếng và có giá trị cao. Sau 4 năm, vườn sầu riêng của gia đình bắt đầu thu trái bói; đến năm thứ 5 thì thu sầu riêng thương phẩm. Mỗi năm, vườn sầu riêng cho gia đình tôi nguồn thu trên 3 tỷ đồng", ông Lâm vui vẻ nói.
Nhận thấy tiềm năng của cây sầu riêng, ông Lâm tiếp tục trồng thêm hơn 10 ha sầu riêng, chủ yếu là sầu riêng Dona và Musang King. Ông cho biết: “Ở nhiều nơi, sầu riêng không chỉ là cây trồng xóa đói giảm nghèo, mà còn giúp người dân làm giàu.
Với 1 cây sầu riêng trưởng thành có thể thu khoảng 3 tạ trái/vụ, tương đương 18-20 triệu đồng; thời gian khai thác kéo dài mấy chục năm.
Như vậy, mỗi hộ dân chỉ cần trồng 20 cây sầu riêng là đã có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài. Năm 2023, với 7ha sầu riêng 7 năm tuổi, gia đình tôi lãi trên 8 tỷ đồng”.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Ông Cao Nguyên Lâm là một lão nông có niềm đam mê và cống hiến rất lớn đối với phát triển nông nghiệp của huyện Sông Hinh. Ông là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đã vinh dự được Bộ NN&PTNT tặng danh hiệu Nông dân có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi".
Ông Đinh Ngọc Dạn thông tin thêm với báo Phú Yên, địa phương đang phối hợp Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN triển khai nhiệm vụ khoa học “Tạo lập, quản lý và phát triển chứng nhận nhãn hiệu Sầu riêng Sông Hinh” nhằm xây dựng mô hình sản xuất, quản lý và phát triển sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Hiện địa phương hỗ trợ một số hộ dân xây dựng sầu riêng đạt sản phẩm OCOP của huyện; hỗ trợ 2 tổ hợp tác làm thủ tục đăng ký mã vùng trồng sầu riêng. Đây là điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch nhằm nâng cao giá trị bền vững cho sầu riêng Sông Hinh.
Minh Hoa (t/h)