Có những món đồ trông rất nhỏ bé, vẻ ngoài tầm thường nhưng thực ra lại có giá trị vô cùng lớn. "Con tằm vàng" mà một lão nông nhặt được ở Trung Quốc là một trong số đó.
Con tằm vàng được Đàm Phúc Toàn, một nông dân ở làng Đàm Gia Loan, thuộc huyện Thạch Tuyền, tỉnh Thiểm Tây tìm thấy vào một ngày mùa đông năm 1984.
Vì thời điểm đó là mùa đông, nước sông rút bớt nên lão Đàm đã ra sông để câu cá. Tuy nhiên, ngày hôm đó xảy ra một chuyện lạ. Lão Đàm không bắt được con cá nào mà ông lại tìm thấy một vật trông rất đặc biệt. Món đồ có màu vàng óng, hình dáng gần giống con sâu nhỏ. Đàm Phúc Toàn nhìn món đồ có vẻ quý giá nên quyết định đem nó về nhà.
Về đến nhà, lão Đàm đem món đồ bằng vàng này cho mọi người xem. Một số người già trong làng cho biết đây là con tằm bằng vàng.
Câu chuyện lão Đàm nhặt được con tằm vàng lan truyền nhanh chóng. Nhiều người ở khu vực lân cận nghe tin cũng tới tận nơi để được ngắm và sờ tận tay con tằm vàng.
Sau đó, một lãnh đạo trong làng đã tới nhà hỏi thăm tình hình và cho rằng con tằm vàng có thể là một món cổ vật. Tuy nhiên, ông ta không chắc chắn về nó nên chỉ khuyên Đàm Phúc Toàn hãy tìm một chuyên gia khảo cổ thẩm định và đừng bán con tằm.
Quả thật, mấy ngày sau, nhiều người buôn bán cổ vật biết tin đã đến nhà Đàm Phúc Toàn bày tỏ nguyện vọng muốn mua lại con tằm vàng, có người trả giá tới 80.000 NDT (gần 280 triệu đồng).
Vào những năm 80, thu nhập của đa số người dân không cao. Vì thế, khi tay buôn đồ cổ sẵn sàng trả số tiền lớn cho "con tằm" nhỏ bé khiến ai cũng bất ngờ. Chuyện này khiến lão Đàm suy nghĩ mất mấy ngày.
Đàm Phúc Toàn rất do dự vì khi đó gia đình ông không dư dả gì, nếu bán được con tằm thì ông sẽ có một khoản tiền lớn.
Dù vậy, ông cũng biết rằng không nên mua bán các cổ vật, hành vi này là không đúng. Cuối cùng ông quyết định đem con tằm vàng tới nộp cho Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây. Các chuyên gia của bảo tàng thẩm định và xác nhận, con tằm vàng này có niên đại từ thời nhà Hán.
Trong sử sách Trung Quốc có ghi chép về con tằm vàng nhưng việc miêu tả không được rõ ràng và cụ thể. Vì thế sự xuất hiện của con tằm vàng thời Hán này đã chứng minh rằng những ghi chép đó là thật. Cũng theo các bản ghi chép, con tằm vàng có mối liên hệ mật thiết với nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của người dân ở huyện Thạch Tuyền.
Từ thời Tây Hán, huyện Thạch Tuyền là khu vực chuyên trồng dâu nuôi tằm và sản xuất các sản phẩm tơ lụa cho cả nước và thế giới. Con đường cổ Tử Ngọ của huyện là nơi kết nối với các con đường tới kinh thành và tới con đường tơ lụa để xuất khẩu sản phẩm tới các nước châu Âu. Con tằm vàng này chính là một món quà mà hoàng đế Tây Hán đã ban tặng cho dân làng Đàm Gia Loan.
Bên cạnh đó, thực tế, con tằm chỉ được làm bằng đồng và mạ vàng. Nó dài 5,6 cm; cao 1,8 cm, toàn thân chia thành 9 đoạn và được chế tác sống động như thật. Điều này chứng tỏ kỹ thuật chế tác thời bấy giờ rất tinh tế khi có thể tạo hình con tằm chi tiết như vậy. Giá trị của con tằm được ước tính lên tới hơn 10 triệu NDT (hơn 34 tỷ đồng).
Ban quản lý của Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây đã trao tặng bằng khen cùng 100 NDT (gần 350.000 đồng) cho Đàm Phúc Toàn để cảm ơn đóng góp của ông cho đất nước. Con tằm vàng này được công nhận là bảo vật quốc gia và được trưng bày tại bảo tàng cho đến ngày nay.
Minh Hoa (t/h)