Vốn chỉ quen trồng cây ăn trái, chưa từng nuôi rắn ri voi nhưng thấy cháu nuôi rắn đạt hiệu quả, 2 năm trước ông Đặng Văn Phượng (51 tuổi, ở khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn, Cần Thơ) quyết định bỏ 120 triệu đồng đầu tư chuồng trại và mua rắn ri voi giống.
Khởi nghiệp với số tiền mua đủ 1.400 con rắn ri voi giống, tốn hết 80 triệu đồng, số tiền còn lại ông xây 12 bể xi măng chia phân thành từng khu gồm khu ươm, khu nuôi rắn sinh sản và nuôi rắn đực bán thịt.
Nhờ có người cháu hướng dẫn, sau hơn 10 tháng, đàn rắn tự phân chia rắn đực, rắn cái ông Phượng mới phân chúng ra từng ô để sinh sản.
Ông Phượng cho biết, rắn ri voi rất dễ nuôi, với người "tay ngang" như ông còn thấy con vật này dễ chăm sóc hơn gia súc, gia cầm.
Mỗi năm rắn đẻ một lần, mỗi con đẻ từ 15-20 rắn con, tùy vào kích cỡ, độ tuổi của đàn rắn nái. Mỗi bể nuôi rắn được ông Phượng xây dựng có chiều ngang 1,5m, dài 3m và cao 1,1m. Trong mỗi bể xi măng, ông thả 35 con rắn cái, và hơn 10 con rắn đực để chúng giao phối, sinh sản.
Hiện, ông Phượng có khoảng 350 con rắn cái đang sinh sản và hơn 400 con rắn đực. “Để nuôi rắn ri voi có hiệu quả, người nuôi phải tự tách đàn, phân cỡ, nhất là tập cho rắn ăn quen dần với các loại cá từ nhỏ đến lớn" ông Phượng cho biết.
Mỗi khi thay nước, người nuôi phải pha nước muối loãng để xịt lên mình con rắn. Khi xả nước mới vào thì bỏ vôi bột vào hồ để diệt khuẩn trị nấm.
Để chủ động trong việc cung ứng thức ăn cho đàn rắn, ông Phượng còn thả nuôi 400.000 con cá trê. Đàn cá này ông Phượng nuôi vừa cho rắn ăn, vừa bán ra thị trường, từ đó giảm chi phí thức ăn cho đàn rắn.
Tháng 4/2022 ông thu hoạch đợt rắn giống đầu tiên với 1.400 con, giá 80.000 đồng/con. Rắn thịt được ông bán giá 500.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, lão nông lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Rắn ri voi hay còn gọi là với nhiều tên khác như rắn Bồng voi hay rắn Ri tượng, chúng có tên khoa học là Subsessor Bocourti, là loài rắn duy nhất của chi Subsessor của họ rắn Ri (Homalopsidae).
Loài rắn này thường được nuôi rất phổ biến để lấy thịt, bởi chúng có giá trị kinh tế rất cao, khá dễ nuôi và sinh trưởng rất tốt.
Thêm vào đó, loài rắn này sở hữu thân hình mập mạp, thịt thơm ngon, bổ dưỡng thế nên nhu cầu sử dụng rất cao.
Bởi vậy, hiện nay ở khu vực ĐBSCL của nước ta có rất nhiều trại rắn nuôi loài rắn này, nhằm cung cấp rắn thương phẩm cho các nhà hàng hay quán nhậu ở địa phương cũng như các tỉnh thành lân cận.
LAM ANH (t/h theo Dân Trí, VietNamNet)