Cuối đời đi... tìm vàng
Ông là Kiều Mạnh Thảo (80 tuổi), hiện đang ở tại Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội). Câu chuyện về cuộc đời ông đáng ra sẽ cũng như bao người khác: đơn giản, hết tuổi làm nhà nước thì về hưu, hưởng lương và sống tuổi già an nhàn. Nhưng ông thì lại làm điều ngược lại...
Ông Kiều Mạnh Thảo đang kể về quãng thời gian làm vàng ở Thần Sa của mình
Ban đầu, suy nghĩ của ông chỉ đơn giản là thấy thiên hạ đổ xô đi các "công trường khai thác vàng", ông cũng tò mò muốn biết cuộc sống của dân bãi bờ ra sao. Bởi ông một đời làm cán bộ, đi đây đi đó nhiều, công tác cơ quan còn có xe đưa, xe đón, nhưng với một "xã hội thu nhỏ" là bãi vàng thì ông lại chưa từng trải nghiệm.
Thời điểm đó, quyết định lạ lùng của ông khiến bao người ngỡ ngàng. Nguyên cán bộ lãnh đạo một xí nghiệp Nhà nước trực thuộc Sở Thương nghiệp (Bắc Thái cũ) về hưu, mà lại đi... bãi vàng. Thế nhưng, tất cả những điều đó không cản được dòng máu phiêu lưu sẵn có từ thời trai trẻ vẫn đang chảy trong người đàn ông tuổi 60. Khi vác ba-lô lên đường, ông cũng không nghĩ mình sẽ làm gì ở những nơi thâm sơn cùng cốc kia. Song thật bất ngờ, quyết định đó lại là một trong những quyết định quan trọng bậc nhất của cuộc đời ông.
Ông Thảo cho biết: "Không kể những năm công tác Nhà nước thì quãng thời gian sôi động của cuộc đời tôi lại gắn một phần với các bãi vàng. Ngày đó, khai thác vàng ở các điểm Thần Sa, Ma Nu... đều rất thủ công và đơn sơ. Tìm dưới đất thì đào hầm, tìm trong núi thì phá đá. Phương tiện đãi vàng từ trong đất, trong đá cũng thủ công đơn giản.
Khi đó có mặt ở đây, tôi cũng chỉ biết họ làm vàng như thế. Song xem ra vẫn có gì bất ổn. Về mặt lý thuyết thì vàng tồn tại ở dạng vàng sa khoáng, và một dạng mà theo cách gọi của tôi là "vàng gốc" tức là vàng tồn tại trong các núi đá, nẹp đá. Sau một thời gian nghiền ngẫm tôi nhận thấy muốn khai thác được vàng một cách hiệu quả mà không quá... nguy hiểm như thời đó thì phải có phương pháp khoa học".
Theo ông Thảo thì ngày đó, ngoài hai phương pháp tìm vàng bằng cách đào đất, phá đá; đãi vàng bằng cách mang ra khe, ra suối hoặc phun nước thì dân bãi vàng hầu như chưa biết đến cách "thu" vàng nào khác. Và cũng chính vì thế, sự có mặt của ông, trong đầu sẵn đầy vốn kiến thức đã khiến cho hầu như các bưởng trưởng ở các bãi vàng thời đó đều biết, nhớ đến ông, với sự tò mò cao độ, pha lẫn sự kính trọng kỳ bí. Biệt danh "phù thủy" bãi vàng của ông ra đời trong hoàn cảnh này, vì lúc đó cách ông đem ra áp dụng để thu vàng đúng là quá tầm hiểu biết của những "phu vàng", hay bưởng trưởng ít chữ, thiếu kiến thức, chỉ biết hùng hục bổ cuốc đào đất, ném mìn vào đá để mong thời vận đến may mắn đổi đời nhờ vàng.
Ông Thảo nói: "Lúc nhìn dân bãi vàng khai thác kiểu đó, tôi đã nghĩ ngay đến việc phải trở về nghiên cứu cách thu vàng và quay trở lại đây. Cái quan trọng nhất là có hàm lượng vàng trong sa khoáng, thế mà lại để nó cứ trôi tuồn tuột đi, rất đáng tiếc. Thời đó, trong mắt của dân bãi bờ, tôi như có "phép" "bắt" vàng". Đúng như ông Thảo nói, thời đó có mấy trí thức có mặt ở bãi vàng. ông có lẽ là trường hợp rất hiếm hoi và không kém phần lạ lùng.
Lão "phù thủy" có "phép" bắt vàng
Ông Thảo nói, sau chuyến "vi hành" lên bãi vàng trở về thì trong ông lại thôi thúc mãnh liệt mong muốn tìm thấy vàng và quyết tâm làm điều đó. Song bắt tay từ đâu, cách làm như thế nào, phương pháp ra sao thì cũng phải... bí mật. Vốn là trí thức, nên ông quay lại với việc nghiên cứu lý thuyết không có gì khó. Bản chất của việc ông làm lúc đó là đem các ứng dụng hóa học vào việc "thu" vàng.
Ảnh minh họa
Quyển sách mà ông tâm đắc nhất chính là quyển ô- xi hóa khử của Nga, lúc đó đã được dịch ra tiếng Việt và cũng khá hiếm. Cuốn cẩm nang này đã theo ông vào hành trình thực tế. Tất cả những vấn đề liên quan đến hóa học, hóa chất ông đều chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần thứ hai quay lại bãi vàng. Bằng những kiến thức tổng hợp, cùng với việc chuẩn bị các hỗn hợp hóa chất cần thiết, ông lại quyết tâm quay trở lại bãi vàng, nhưng lần này không phải đi "vi hành" nữa, mà là đi thực hành ứng dụng thực tế.
Trong các "điểm đến" đó, thì bãi vàng Thần Sa không thể bỏ qua, vì theo ông đánh giá, vàng ở bãi Thần Sa có "tuổi" vàng cao hơn cả. Thực tâm ông bảo, lúc đó ông không nghĩ mình sẽ thành người làm vàng thực thụ. Thậm chí đến khi có người còn gọi ông là "phù thủy" bãi vàng thì ông cũng vẫn thấy mình không "giống người ta" ở đó lắm.
Giai đoạn cuối những năm 80 của thế kỷ trước, phong trào đi làm vàng rất rầm rộ, các bãi vàng như Thần Sa, Ma Nu, Na Rì... "hút" được hàng chục nghìn người dân tứ xứ đến tụ hội. Có thể nói, ngày ấy các bãi vàng là cả một đội quân ô hợp, vô tổ chức và sống chủ yếu dựa trên sức mạnh cơ bắp, độ liều lĩnh và máu giang hồ. Mỗi nhóm có một bưởng trưởng, dưới tay các bưởng trưởng này luôn có đàn em thân tín, xăm trổ đầy mình, vào tù ra tội, sẵn sàng xả thân vì đại ca và vì... vàng.
Còn ông lúc đó, bỗng dưng thành hiện tượng lạ. Một ông già ở tuổi 60, tuy còn tráng kiện nhưng đầu cũng đã muối tiêu, lại thêm cái trán hói theo kiểu "nhà khoa học" khiến cho ông trở nên vô cùng lạ lẫm giữa chốn "quần hùng tranh bá".
Ngày đó, khi ông xuất hiện ở bãi vàng với lỉnh kỉnh các thùng hóa chất đánh số thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6... cùng với những tấm đồng dài hàng mét, phủ một lớp trắng trắng, thành một sự kiện lạ lẫm. Các bưởng vàng thời đó tranh giành là thế, ganh đua sát ván là thế, thậm chí còn có thể chém giết nhau để tranh cướp, thì với ông họ lại rất thích thú. Thậm chí còn khoản đãi vì thấy ông cái gì cũng biết, từ chuyện đông tây kim cổ, đến chính sự thời cuộc, lại biết làm thơ, lẩy Kiều... đủ cả. Vì thế trong lúc trà dư tửu hậu, ông nghiễm nhiên thành "ông đồ già thông tuệ" giữa chốn giang hồ hỗn loạn trong bãi vàng.
Cách ông làm cũng hết sức lạ lùng. Trong khi các bưởng vàng huy động sức người, sức của đào đất, phá đá ầm ầm thì ông lại âm thầm "bày trận" ở những vùng trũng, nơi có dòng nước từ các công trường khai thác vàng kia thải ra. Cứ một thời gian thì ông lại di chuyển địa điểm. Xung quang bãi vàng Thần Sa ngày đó, nhiều nơi đã in dấu chân ông.
Không tranh giành lãnh địa với ai, không gây sự với ai, không khiến ai phải điên tiết, bực mình cũng là hiếm ở môi trường đậm chất vàng, máu, và nước mắt đó. "Bưởng" nào làm ở đâu, khoanh vùng ở đâu, ông đều không xâm phạm, chỉ đứng ở vùng ven mà âm thầm "bắt vàng" vào túi. Chính từ mảnh đồng dài 1m, rộng 3m ông đã thiết kế để tráng một lớp thủy ngân lên trên và đi "bắt vàng" ở lại từ các nguồn nước thoát ra từ các công trường của... người khác.
Ông kể, ở những nơi có hàm lượng vàng lớn, có thời điểm chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, số vàng ông thu lại đã được một chỉ. Cứ thế, với cách làm "trí thức" này ông đã tận thu không biết bao nhiêu vàng từ các vùng khai thác vang danh một thời. Có ngày cứ mỗi khi lớp thủy ngân thu được vàng, ông lại "quét" bề mặt này vào vật đựng chuyên dụng để tiến hành quá trình tách vàng sau này, có ngày được cả 5 - 6 chỉ thậm chí có ngày được cả cây vàng mà không hề... tốn sức.
Một thời gian dài việc làm của ông được dân bãi vàng xem như là "làm khoa học" chứ ăn vàng, ăn bạc gì. Tuy nhiên, dần dần, sự thật về bậc thầy làm vàng này cũng khiến cho mọi người xung quanh đặt dấu hỏi. Dần dà đã có nhiều người phải mất công theo dõi ông, thậm chí có người còn chấp nhận làm thuê không công cho ông để học mót, hoặc ăn cắp "bí kíp" của ông. Lại có cả những cuộc rình mò, xem ông giấu vàng ở đâu và làm được bao nhiêu vàng, để có câu trả lời cho ông lão kỳ lạ nhất bãi vàng Thần Sa này.
Quang Trung
Kỳ sau : Bán bí quyết và Hành trình tích cóp cả trăm cây vàng