Ngày 5/12, đoạn clip gần 1 phút được đưa lên mạng xã hội ghi lại cảnh một số người dân ngang nhiên cầm dao xông ra giữa đường quốc lộ để xẻ thịt trâu, bất chấp nhiều phương tiện đang lưu thông trên đường. Theo tìm hiểu, hình ảnh được ghi lại khi đi qua khu vực đường quốc lộ tại thuộc Mỹ Phước (Tân Vạn, Bình Dương).
Sau khi một con trâu thả rông bị xe tải tông chết nằm giữa đường thay vì vận chuyển lên vỉa hè để đảm bảo an toàn cho những hành khách khác thì một số người dân lại bất chấp nguy hiểm, dùng dao xẻ thịt ngay trên đường quốc lộ.
Sự việc lộn xộn diễn ra ngay giữa đường khiến nhiều người lưu thông qua đây lắc đầu ngao ngán. Nhiều tài xế xe trọng tải lớn chạy qua, tuýt còi báo hiệu inh ỏi xin qua đường nhưng sự việc vẫn được tiếp tục khiến giao thông lộn xộn.
Hiện nay, hình ảnh này vẫn đang gây sốt các trang mạng khi nhận được nhiều ý kiến, chủ yếu chỉ trích đây là hình ảnh không đẹp, đáng xấu hổ. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng nên tìm hiểu rõ thực hư sự việc chứ không nên phán đoán không có căn cứ.
Dưới góc nhìn khác, những người dân tự ý mang dao ra xẻ thịt trâu giữa đường có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Cụ thể, trao đổi với luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Việc thả rông gia xúc, đặc biệt trên khu vực đường quốc lộ có nhiều phương tiện lưu thông là việc làm rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến trật tự cũng như tính mạng của người tham gia giao thông.
Theo Điều 34 Luật giao thông đường bộ năm 2008 người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Do đó, việc thả rông gia xúc là vi phạm quy định pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, phạt 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người có hành vi để súc vật đi trên đường bộ; để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông”.
Về hành vi xẻ thịt trâu giữa đường của một số người dân, hành vi này rất thiếu văn minh, đồng thời vi phạm pháp luật. Luật sư Tuấn phân tích: “Con trâu mặc dù đã bị xe tông chết nhưng nó vẫn là tài sản của người khác, hành vi tự ý xẻ thịt trâu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Con vật tuy chết nhưng còn nguyên vẹn, xẻ thịt nó ra từng mảnh là hành động hủy hoại tài sản. Do đó, tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng mà những người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu TNHS về tội Hủy hoại tài sản Điều 143 BLHS, đồng thời bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu theo quy định của luật dân sự”.
Điều 605 Bộ luật Dân sự 2005 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thiệt hại trong trường hợp này bao gồm thiệt hại do tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng, thiệt hại gắn với lợi ích của việc sử dụng, khai thác tài sản và các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, việc tụ tập xẻ thịt trâu gây ra ùn tắc giao thông thì những người này có thể bị xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 – 300 ngàn đồng đối với một trong những hành vi gây mất trật tự ở rạp hát, nhà văn hóa, khu dân cư, trường học, bệnh viện… hoặc ở nơi công cộng khác.
Dương Nhung