Hầu hết mọi người đều cho rằng việc lắp barie ngăn xe máy trên vỉa hè là việc làm không hợp lí. Những lí do đưa ra để bảo vệ cho quan điểm đó như mất mĩ quan đô thị, tiềm tàng nhiều hiểm nguy cho người đi bộ (nhất là người già và trẻ nhỏ), gây khó khăn cho người khuyết tật hay hiệu quả không rõ ràng đều là những lí do không thể chối cãi.
Có rất nhiều bài báo đã dẫn lời của người dân ven đường, họ kể về những câu chuyện có thật mà họ mắt thấy tai nghe về sự bất tiện mà thanh chắn này mang lại. Như chuyện một em học sinh, lúc tan tầm, chơi đùa với bạn, vô ý nên bị vấp vào thanh chắn, ngã trầy trụa khắp người. Hay như chuyện nhiều du khách, nhiều bạn trẻ vì những thanh chắn mà chỉ chăm chăm “bán mắt cho đất”, không còn chút tư thế, tâm trạng nào để thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Tuy nhiên, lật lại vấn đề, nếu không có những thanh chắn đó thì quang cảnh ở vỉa hè sẽ như thế nào? Chắc chắn những em học sinh khi tan tầm sẽ không dám nô đùa với bạn, càng không có những du khách ung dung vừa đi “ngắm đất”, vừa “check facebook” một cách ung dung, thỉnh thoảng đổi nhịp như “nhảy sạp” cho đỡ nhàm chán. Bởi lúc đó, những phương tiện giao thông như xe máy, xe đạp ngay lập tức sẽ chiếm trọn những không gian trống trên vỉa hè.
Và lúc đó thì việc “trầy xước” có lẽ là kết quả quá nhẹ nhàng của một vụ tai nạn giữa người đi xe máy và người đi bộ trên vỉa hè.
Lại có người nói rằng “phương án không hiệu quả” khi một số xe máy vẫn cố luồn lách qua khoảng hở giữa các thanh chắn để lưu thông trái phép trên vỉa hè. Nhưng đó chỉ là phần thiểu số cứng đầu.
Sự thực là sau khi thành phố lắp barie, số lượng xe máy lấn chiếm phần đường của người đi bộ đã giảm đáng kể. Và đương nhiên, với ý thức tham gia giao thông của người Việt thì việc “giảm đáng kể” cũng là một thành tích “đáng kể” rồi. Còn chuyện “tuyệt đối” thì tuyệt đối không bao giờ xảy ra.
Theo đúng quy luật vận hành của tự nhiên thì có sự thay đổi nào mà không hàm chứa những ngổn ngang, mất mát, thậm chí đớn đau?
Việc TP.HCM quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ cũng giống như việc sửa lại một căn nhà cũ vậy. Trước khi căn nhà đó trở nên khang trang, sạch sẽ, mới mẻ, chắc chắn nó phải trải qua giai đoạn bừa bộn, xấu xí với hàng đống vật liệu xây dựng, kèm theo đó là khó khăn trong sinh hoạt của gia chủ, của hàng xóm.
Vậy nên, chúng ta nên chấp nhận sự “bề bộn” này, nên hài lòng với những thay đổi trên bộ mặt đô thị. Sau một vài tháng, một vài năm, khi những thanh chắn gây cản trở, khó khăn cho những người đi xe máy, khi những người đi xe máy cảm thấy “lười” leo lên vỉa hè vì phải “lách” qua những thanh chắn, khi họ rũ bỏ được tư duy tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống” – chỗ nào trống phi vào thì lúc đấy, vỉa hè được trở về đúng với bản chất của nó: Đường dành cho người đi bộ.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả