Có lẽ những ý kiến phản đối đề xuất lấp hồ Thành Công để xây nhà tái định cư đều là những người chưa từng sống trong “ổ chuột tập thể”, mưa sợ nước thấm, nắng sợ tường nứt. Bất kể thời tiết thế nào cũng có thể “dột” bởi nước từ công trình phụ của những nhà phía trên ngấm xuống… Mất điện, mất nước là chuyện hết sức bình thường.
Ở trong những căn nhà như thế, chẳng có bất cứ nỗi sợ nào có thể đe dọa chúng tôi trừ nỗi lo sập nhà. Bởi những thứ kinh khủng nhất chúng tôi đều được nếm trải hàng ngày.
Biết nguy hiểm, biết khổ nhưng chúng tôi vẫn phải cắn răng chấp nhận sống trong những khu “ổ chuột” này bởi điều kiện kinh tế, hoàn cảnh không cho phép “đổi đời”. Và rồi tôi cứ tưởng cuộc đời bế tắc cho đến khi công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất tạo quỹ đất xây nhà tái định cư tại chỗ cho các hộ đang sinh sống ở chung cư Thành Công bằng cách… lấp hồ Thành Công.
Tuy khu chung cư đó không liên quan gì đến “ổ chuột” nhưng đó cũng là một “lối thoát” giúp cuộc sống của chúng tôi sáng sủa hơn. Bởi “quỹ sông hồ” ở Hà Nội khá giàu có với hơn 110 đầm hồ trên khắp địa bàn và được 2 dòng sông lớn như sông Hồng, sông Đuống chảy quanh.
Với hệ thống sông ngòi, hồ đầm “khổng lồ” như thế, việc lấp một hồ nước nhỏ như hồ Thành Công có lẽ cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến môi trường, không khí của Thủ đô.
Vả lại, chẳng phải chủ đầu tư đã nói rằng, sau khi lấp 1ha hồ Thành Công thì sẽ chịu trách nhiệm đào thêm hồ chỗ khác để bù vào hồ đã bị lấp còn gì? Vậy số lượng hồ của Hà Nội vẫn giữ nguyên, môi trường vẫn đảm bảo mà người dân không phải lo lắng di dời ra ngoại thành. Ấy chẳng phải lợi quá hay sao?
Trộm nghĩ, kể mà sông Tô Lịch biến thành một hồ nước với chiều dài kỷ lục thì chắc chắn tôi sẽ là người đề xuất lấp luôn “hồ Tô Lịch” để xây nhà tái định cư cho người dân. Tôi không biết sông Tô Lịch điều hòa không khí như thế nào, chỉ thấy mỗi lần đi qua con sông đó, chúng tôi đều phải bịt mũi, lắc đầu bởi mùi xú uế bốc lên từ lòng sông.
Tôi nhớ lại câu chuyện về nhà thiên văn học Galileo Galilei mà mình từng đọc ngày còn nhỏ, sau đó liên hệ với câu chuyện “đề xuất” lần này và thấy rằng: Có những ý tưởng bị nhiều người coi là “điên rồ”, cười nhạo nhưng với những người không theo số đông, nó lại là “chân lý”.
Còn với những kẻ sống trong cảnh “ổ chuột” như thế này thì chân lý với chúng tôi chỉ vỏn vẹn trong một căn nhà vững chãi và ấm cúng.
Hoàng Anh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả - một bạn đọc của báo Người Đưa Tin.