Lập hội 'bêu xấu' bộ trưởng trên mạng xã hội, 'xử' kiểu gì?

Lập hội 'bêu xấu' bộ trưởng trên mạng xã hội, 'xử' kiểu gì?

Thứ 3, 08/10/2013 15:36

Thời gian qua, trên facebook các fanpage lợi dụng sự dân chủ đã đưa ra những phát ngôn, thậm chí là những bình luận có tính chất mạt sát, chửi bới "tư lệnh" của các ngành giao thông vận tải, y tế... khiến dư luận không đồng tình.

Nhiều ý kiến băn khoăn, đó là "mũi tiêm sự thật" hay chiêu hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác?

"Vô tư" lập hội "phê phán" bộ trưởng!

Không chỉ chia sẻ những sự lo lắng, nỗi hoang mang và sự bức xúc, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết yêu cầu ngành y tế phải có lời giải trình chính đáng về nguyên nhân những vụ việc lình xình liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Thậm chí, họ còn yêu cầu người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc và hình thức được đưa ra là từ chức.

Trên facebook, những người cùng quan điểm đã lập ra một fanpage "Bộ trưởng bộ... hãy từ chức" với mục tiêu đạt được 10.000 người ký tên đề nghị bà bộ trưởng bộ này từ chức (hiện đã có 9.452 người tham gia-PV). Tiêu chí mà các thành viên của fanpage hướng tới là: "Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng để ngành này tốt hơn". Điều đáng nói, trên hội "Bộ trưởng bộ... hãy từ chức", có những lời lẽ vô cùng xúc phạm, thể hiện sự không tôn trọng và vô văn hóa được các thành viên viết ra...”.

Không chỉ riêng bộ trưởng bộ này nhận được sự "phê phán" này từ cộng đồng mạng mà trên facebook còn có cả hội "Không chịu được các Luật của bộ trưởng...". Tại đây, các thành viên của hội đã dùng facebook là nơi để phát ngôn, nêu quan điểm, thậm chí lăng mạ hết sức bậy bạ cho thỏa cơn điên cuồng của mình. Bên cạnh việc "phát ngôn", các thành viên của hội còn sử dụng những hình ảnh phản cảm nhằm hạ thấp uy tín của "tư lệnh" ngành này.

Trước sự bùng nổ các hội trên facebook, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga nhận định: "Mạng xã hội đã và đang làm thay đổi thói quen sử dụng internet của giới trẻ, trong đó có thể nói dẫn đầu là facebook. Ở Việt Nam, sử dụng mạng xã hội này đã trở thành thói quen không thể thiếu của nhiều người. Thế nhưng, việc chia sẻ thông tin trên facebook là chuyện khác, dường như những trò lố, biến thái của giới trẻ càng ngày càng tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, gần đây trên facebook có những hội được lập ra và các thành viên "vô tư" bày tỏ quan điểm bằng cách chửi bới, lăng mạ những người có vị trí cao nhất của một ngành. Dù không biết những cách thức này có thể giúp "cải thiện" được bức tranh xã hội đến đâu, nhưng những tác hại để lại của những phát ngôn này quả thật không nhỏ”. Và liệu cái giá phải trả cho những hành động này lên đến mức nào thì giới trẻ mới thật sự ý thức được những tốt xấu cho hành động của mình?

Luật sư - Lập hội 'bêu xấu' bộ trưởng trên mạng xã hội, 'xử' kiểu gì?

Hội "Bộ trưởng bộ...  hãy từ chức" trên facebook- ảnh được chụp lại trên mạng.

Chia sẻ thông tin hay xúc phạm danh dự người khác?

Theo tìm hiểu của PV, thanh tra sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng vừa ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với 3 học sinh, sinh viên và cảnh cáo 4 người có hành vi làm nhục, xúc phạm người khác trên Facebook. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chương Đức, chánh thanh tra sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng cho biết, quyết định xử phạt này ban hành ngày 5/8, theo hồ sơ đề nghị của công an Đà Nẵng. Hành vi làm nhục, xúc phạm người khác trên Facebook đã vi phạm Nghị định 97 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.

Theo đó, 3 trong số nhóm 7 học sinh, sinh viên liên quan đến việc xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác tại trang "Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành"  trên facebook bị xử phạt mỗi người 10 triệu đồng. 4 người còn lại nhận hình thức cảnh cáo, nhờ kịp thời xóa bỏ những comment ảnh hưởng đến danh dự của người khác. Nhóm học sinh, sinh viên bị xử phạt cũng buộc phải xóa các bài đăng của mình liên quan đến việc nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên facebook.

Quay trở lại câu chuyện các fanpage "vô tư" chửi bới các cá nhân trên mạng, luật sư Nguyễn Thế Truyền- giám đốc công ty luật Hợp danh Thiên Thanh nhận định: "Trên thực tế, mục đích của facebook nhằm kết nối con người thật với nhau qua mạng xã hội ảo nhằm chia sẻ, giao lưu, giải trí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những quan điểm được đưa ra có chút quá khích, thiếu văn hóa. Có những trường hợp chạy theo phong trào mà chưa nhận thức được rằng, bản thân phải có trách nhiệm với những gì mình nói. Facebook nó chỉ là công cụ. Do vậy, người dùng phải tập kiểm soát bản thân, xác định rõ mục đích khi dùng facebook".

“Xử” kiểu gì?

Luật sư Truyền cũng cho biết: "Điều 10, Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội có quy định việc xử phạt từ từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng. Tuy nhiên, việc chửi bậy, phát ngôn bừa bãi trên facebook, các diễn đàn internet có phải là lời nói thô tục, thiếu văn hóa nơi công cộng? Dĩ nhiên là không. Bởi lẽ facebook, các diễn đàn internet chỉ là một thế giới ảo, không phải một không gian thực, là nơi công cộng, nên không thể áp dụng quy định trên để xử phạt hành chính. Không phải là nơi công cộng, nhưng facebook và các diễn đàn internet lại là nơi công khai, được rất nhiều người theo dõi nên những ảnh hưởng của nó thậm chí còn lớn hơn cả việc chửi bậy, nói tục nơi công cộng".

"Đã đến lúc phải có một Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng. Việc đảm bảo một môi trường lành mạnh là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đối với hành vi nói tục, chửi bậy ở trên mạng hoặc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng facebook để đưa thông tin bôi nhọ, nói xấu, thông tin sai sự thật thì tùy vào mức độ, hậu quả mà đưa ra những chế tài khác nhau. Việc cho ra đời một Nghị định là hành lang pháp lý cho việc phát ngôn sẽ đảm bảo cho việc nhiều người có trách nhiệm hơn đối với lời nói, bài viết của mình", luật sư Truyền nói.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Tại điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm trong đó có hành vi "Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân". Tuy nhiên, nếu tổ chức cá nhân nào vi phạm điều cấm này thì Nghị định này lại chưa có chế tài xử lý. Viết blog, lập trang mạng để bình luận, viết những status trên facebook là quyền của mỗi con người trong một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, những bài viết, những bình luận đó phải thể hiện tính xây dựng, phù hợp thuần phong mỹ tục. Chứ không thể vì lạm dụng mạng internet để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Tự do ngôn luận không phải là xúc phạm người khác!

Phát biểu tại chuyên mục "Dân hỏi bộ trưởng trả lời" tối 8/9, bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son cho biết: "Các nước trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận và đưa ra những quy định để bảo vệ quyền tự do nguôn luận của con người. Song, họ cũng đều thấy rằng tự do ngôn luận không phải là vô hạn mà được hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật". 

N.Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.