Lấp lỗ hổng 'nhân tai'

Lấp lỗ hổng 'nhân tai'

Thứ 6, 18/10/2013 11:38

Hầu như năm nào các nhà khoa học, người dân cũng đều cảnh báo về nguy cơ lũ lụt, an toàn hồ chứa và bất cập của quy trình vận hành các nhà máy thủy điện. Sau cơn bão số 10 vừa qua, miền Trung lại xảy ra vỡ đập, lũ và xả lũ (thiên tai và nhân tai) gây bao tang tóc đau thương, mất mát về người và của. Theo thống kê sơ bộ đã có hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 11 nghìn tỉ đồng.

Miền Trung với đặc điểm các con sông đều ngắn, dốc, lưu vực nhỏ nên đỉnh lũ nhọn, hễ mưa lớn hầu như sẽ có lũ. Địa hình miền Trung hẹp ngang, có nơi chỉ 40 km, không có vùng trung du nên lũ tập trung nhanh. Dãy Trường Sơn kéo dài từ Bắc vào Nam, có nơi núi đâm ra tới biển (đèo Cả, đèo Hải Vân). Các cửa sông luôn bị đưa lên phía Bắc do tác động của dòng hải lưu gần bờ và bị bồi lấp bởi gió mùa Đông Bắc. Hàng năm, chịu ảnh hưởng trung bình 6-7 cơn bão, có năm lên tới 10 cơn bão với lượng mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12.

Việt Nam Xanh - Lấp lỗ hổng 'nhân tai'

Các trung tâm kinh tế – xã hội ở miền Trung đều tập trung ở các vùng ven biển thường xuyên bị ngập lụt khi có lũ lớn, đặc biệt khi có lũ kết hợp triều cường. Đường quốc lộ 1A và đường sắt chạy dài từ Bắc vào Nam như một tuyến đê ngăn lũ, chênh lệch mực nước giữa thượng và hạ lưu khi có lũ lên tới 2 – 3 mét. Mỗi khi lũ lụt xảy ra, gây thiệt hại lớn, người ta thường đổ cho nguyên nhân chính là do mưa lớn/thiên tai xảy ra trong năm nay quá đặc biệt so với nhiều năm. Rồi sẽ hứa là rà lại quy trình một cách nghiêm khắc, nâng cao công tác dự báo v.v…

Chỉ tính riêng số công trình thuỷ lợi các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá tới Khánh Hoà có 2.855 hồ chứa, 2.524 đập dâng và đê các loại khoảng 3.535 km. Các công trình này được xây dựng qua nhiều thời kỳ, đã xuống cấp, phần lớn không có dung tích phòng lũ. Riêng các công trình được đầu tư sửa chữa bằng nguồn vốn vay của ngân hàng Thế giới (WB) và ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) hoặc trái phiếu Chính phủ thì còn đảm bảo chống lũ theo tần suất thiết kế. Quy trình vận hành liên hồ mùa lũ mới chỉ có lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Sông Ba do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hầu hết các công trình còn lại thường xuyên là mối lo mỗi khi mùa mưa đến. Các công trình thuỷ lợi này chỉ có quy trình vận hành bảo đảm an toàn cho công trình và vận hành theo biểu đồ cấp nước. Quy trình vận hành hồ chứa, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhiều khi các hồ chứa chỉ làm cho có, báo cáo kỹ thuật để thuyết minh quy trình nhiều khi không đủ để chứng minh các số liệu thể hiện trong quy trình. Thường các hồ chứa không có dung tích phòng lũ hoặc dung tích phòng lũ nhỏ nên khi lũ về không tham gia giảm được lũ cho hạ du. Về hệ thống thông tin xả lũ, một số quy trình đã nêu nhưng khi ứng dụng vào thực tế, có người biết, người không hoặc lũ về nhanh quá, không kịp chạy tránh lũ.

Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng của sự phát triển, là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu phát triển bền vững, hiểm họa tiềm tàng đối với nhân loại. Thích ứng một cách chủ động, có các biện pháp công trình kết hợp với phi công trình là yêu cầu tất yếu đối với các nước, đặc biệt là nước còn nghèo như Việt Nam. Để phòng tránh thiên tai và “nhân tai” một cách hữu hiệu, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp có tính hệ thống và đồng bộ.

Cần rà soát, bổ sung lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch của các ngành, và địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tính toán lại một cách hệ thống lũ khả năng lớn nhất ở những công trình trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp đô thị và dân cư sống ở vùng hạ lưu đập. Tùy điều kiện có thể ứng dụng các phương pháp đơn giản như tính mưa khả năng theo phương pháp thống kê, nếu đủ tài liệu tính theo phương pháp cực đại hóa trận mưa hoặc chuyển vị bão. Kiểm tra lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông phải có đủ khẩu độ tràn.
Các hồ chứa sau khi kiểm tra thấy cần thiết phải mở rộng tràn hoặc xây thêm tràn sự cố hay còn gọi là tràn dự phòng để đảm bảo thoát lũ khi cần thiết. Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu cơ sở khoa học để sớm ban hành quy trình vận hành cho tất cả liên hồ chứa còn lại kể cả mùa lũ và mùa khô. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cho các công trình thủy điện nên xem xét quy định “dòng chảy tối thiểu “cho hợp lý.

Cần nâng cấp các cống tiêu, nạo vét các trục để tăng cường khả năng tiêu thoát. Nâng cấp hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông, xây dựng các tuyến đê mới để chống được mức nước triều với tần suất P=5% có gió bão cấp 9, 10 cộng thêm mức gia tăng do nước biển dâng.

Cần coi trọng các biện pháp phi công trình như tăng cường độ chính xác cho công tác dự báo mưa lũ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích hợp với biến đổi thời tiết, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ven biển. Để chủ động ứng cứu tại chỗ cần xây dựng các khu nhà phòng tránh kiên cố, nơi cư trú an toàn, dự trữ lương thực, thuốc men, ghe thuyền, phao cứu hộ. Việc đầu tư cho các khu nhà ở kiên cố, đường cứu hộ là biện pháp hữu hiệu, an toàn, rẻ rất nhiều so với sự mất mát, tàn phá của lũ lụt như hàng chục năm qua.

Song song với việc xây các hồ mới cần quan tâm đến hơn 1.000 hồ thủy lợi đang xuống cấp như hiểm họa lơ lửng từ các “lưỡi gươm” nước khổng lồ. Đừng để đến lúc vỡ đập, người chết mới nhận thức được bài học vô cảm về công tác quản lý!

Để quản lý đất nước xã hội phát triển bền vững, điều kiện đơn giản mà ai cũng thấy là cần có một hệ thống tốt và cả những con người có tâm và tầm. Phải chi có vị chức trách nào đó thật sự vì dân, nêu rõ trách nhiệm này là của tôi, đành rằng là do thiên tai đặc biệt của năm nay, nhưng phải thừa nhận yếu tố nào là của con người là nguyên nhân gây ra tác hại. Không hợp lý khi không thể qui trách nhiệm cho một vị/cơ quan chức trách khi có một sự kiện làm thiệt hại nhiều người dân và xã hội cứ như “đến hẹn lại lên” như thế!

Tô Văn Trường (Tiến sỹ, nguyên viện trưởng viện Khoa học thủy lợi miền Nam)

Theo Người Đô Thị

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.