Lập lờ, lừa bịp người học để lấy đầu vào

Lập lờ, lừa bịp người học để lấy đầu vào

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm khắc xử lý đối với các trường khi phát hiện ra sai phạm.

Liên quan đến thông báo của Bộ GD&ĐT về danh sách các trường được phép đào tạo liên thông từ hệ nghề lên cao đẳng, đại học, một vị chuyên gia nghiên cứu trong ngành giáo dục (đề nghị giấu tên) cho rằng, mục tiêu của các trường nghề là đào tạo ra nguồn lao động có chuyên môn, trình độ kỹ thuật, tay nghề. Đây là nguồn cung cho thị trường lao động nguồn nhân lực dồi dào. Chính vì vậy, mục đích tối thượng dạy nghề không phải để liên thông mà học nghề xong là phải đi làm để có thu nhập và lo toan cho cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của xã hội và công tác dạy nghề cũng đừng lấy cái liên thông ra để nhử người học.

Xã hội - Lập lờ, lừa bịp người học để lấy đầu vào

GS. Phạm Minh Hạc

Vị chuyên gia này phân tích, đối với việc đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hay cao đẳng chính quy, bên cạnh phần thực hành, chương trình của người học còn được trang bị những kiến thức nền tảng, chuyên sâu để sau đó họ có thể liên thông lên đại học. Cùng là cao đẳng nhưng chương trình dạy người ra làm việc bằng trí óc và làm việc bằng chân tay rất khác nhau. Không thể cho những người học chương trình thiên về kỹ năng cơ bắp chân (nói cách khác là làm việc chân tay) liên thông lên chương trình đào tạo đòi hỏi phải có năng lực học vấn và khả năng tư duy nhất định. Nếu cứ cố gượng ép liên thông như vậy sẽ làm khổ người học và nếu không sẽ là một cơ chế "bán rẻ văn bằng" do sự khập khiễng.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo GS. Phạm Minh Hạc cho rằng: "Các trường không thể tùy tiện tuyển sinh khi không đảm bảo được chuẩn đầu ra của người được đào tạo. Như thế là lợi dụng người học để làm kinh tế. Điều này trái với đạo đức của giáo dục. Mặt khác, các trường phải phổ biến rộng rãi, công khai để người học biết nơi nào được liên thông nơi nào đã liên thông mà sai lầm để tránh không đăng ký học nữa…"

Liên quan đến vấn này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT). Ông Vinh khuyến cáo, trước khi đăng ký, các học sinh cần phải tìm hiểu kỹ thông tin để tìm nơi học cho phù hợp. Tốt nhất, mỗi người khi học xong một trình độ nghề nghiệp nào đó thì nên đi làm và tham gia vào thị trường lao động để có trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Sau khi có kinh nghiệm, người lao động trưởng thành trong nghề nghiệp họ sẽ tự biết mình cần phải học gì, bổ sung chuyên môn gì để đáp ứng nhu cầu tại nơi làm việc. Lúc ấy, họ mới chọn được ngành học liên thông nào cho hợp lý đáp ứng nhu cầu công việc của bản thân và của doanh nghiệp.

“Việc các nhà tuyển dụng trọng bằng cấp đã vô hình chung làm méo mó quá trình đào tạo. Tôi khuyên các bạn trẻ khi học xong một trình độ nghề nên tìm một công việc để lao động trước cho quen nghề. Sau khi đi làm một thời gian mới thực sự biết mình cần học gì tiếp theo cho tương lai nghề nghiệp. Lúc ấy lại học tiếp cũng chưa muộn và không rơi vào tình trạng học nhầm, học chạy bằng”, ông Vinh đưa ra lời khuyên.

Về tình trạng xuất hiện một số trường không được phép đào tạo liên thông theo quy định của Bộ GD&ĐT mà vẫn ồ ạt tuyển sinh, ông Vinh khẳng định: "Những trường đó vi phạm nghiêm trọng quy định của về đào tạo. Đối với những trường hợp này khi phát hiện chính xác, có bằng chứng, Bộ chắc chắn sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Việc quảng cáo khi chưa được phép đào tạo liên thông ở một số trường là một kiểu lừa bịp người học để lấy đầu vào. Tất cả những trường vi phạm thông báo tuyển sinh khi chưa được Bộ cho phép về đào tạo liên thông là vi phạm pháp luật trắng trợn, nghiêm trọng.Bộ hoàn toàn không cho phép việc đó".

Thu Hạnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.