Việc ông Donald Trump từ chối cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đang gieo rắc những nghi ngờ mới ở châu Âu về khả năng của Washington trong việc duy trì vai trò dẫn đầu trong việc hỗ trợ Kiev khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ ngày càng nóng hơn.
Ông Trump, hiện được coi là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, đã phát biểu tại một sự kiện tranh biện do Đài CNN tổ chức hôm 10/5 rằng, ưu tiên của ông là nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến.
Cựu Tổng thống Mỹ từ chối cho biết liệu ông có muốn Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột hay không. Ông nói rằng ông không nghĩ về thắng thua, chỉ muốn mọi người “ngừng chết”.
“Người Nga và người Ukraine, tôi muốn họ ngừng chết”, ông Trump nói. “Và tôi sẽ hoàn thành việc đó trong 24 giờ”.
Ông phàn nàn về việc Mỹ đã viện trợ quá nhiều thiết bị quân sự đến mức không còn đủ đạn dược để sử dụng cho chính mình, đồng thời kêu gọi châu Âu chi thêm tiền để giúp đỡ Kiev.
Sự ủng hộ bị thách thức
Washington là đầu tàu trong việc thúc đẩy hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine, đồng thời trừng phạt nền kinh tế Nga, kể từ khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào đầu năm 2022.
Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, điều mà các đồng minh châu Âu, vốn đã thu hẹp đáng kể quân đội và các ngành công nghiệp quốc phòng kể từ Chiến tranh Lạnh, đã phải vật lộn để bắt kịp, chứ chưa nói đến khả năng thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí và đạn dược chính cho Ukraine.
Một số quan chức châu Âu lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể trở thành một vấn đề gây chia rẽ trong nền chính trị đối nội của Mỹ khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngày một nóng. Sự chia rẽ thể hiện rõ trong giới cử tri và các thành viên Quốc hội lưỡng đảng khi ông Trump thách thức sự ủng hộ vững vàng cho đến nay của Tổng thống Joe Biden đối với Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong một cuộc phỏng vấn với các đài truyền hình công cộng châu Âu được công bố hôm 11/5, đã hạ thấp lo ngại về sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Mỹ về cuộc chiến.
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy mức sụt giảm đáng kể trong sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa đối với sự hỗ trợ to lớn của chính quyền Biden dành cho Ukraine, nhưng các nhà lãnh đạo thuộc Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục hậu thuẫn việc tài trợ cho Kiev. Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể giữa các đảng trong Quốc hội Mỹ, ông Zelensky cho biết.
Tổng thống Zelensky bày tỏ tin tưởng rằng Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc chiến vào năm 2024, do đó làm giảm bớt những lo ngại về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kịch bản kinh dị
Một số quan chức châu Âu cho rằng bản thân lục địa già cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine, để bác bỏ những lời chỉ trích ở Mỹ rằng EU không chịu chia sẻ gánh nặng và phụ thuộc quá nhiều vào Washington vì an ninh của chính mình.
“Tôi không phải là người hâm mộ ông Trump, nhưng tôi nghĩ ông ấy đã đúng về một điều – người châu Âu không chia sẻ gánh nặng với họ”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết hôm 11/5.
Ông Borrell cảnh báo chống lại mọi động thái cắt giảm viện trợ của phương Tây. Ông nói: “Nếu chúng ta ngừng hỗ trợ Ukraine, Nga sẽ thắng trong cuộc chiến… tình trạng mất an ninh của chúng ta sẽ tăng lên và Ukraine sẽ không còn tồn tại”.
Một nhà ngoại giao cấp cao khác của châu Âu cho biết ông cảm thấy thực sự lo ngại rằng ông Trump đang tự nhốt mình vào một lập trường về cuộc chiến mà ông ấy sẽ không thể đảo ngược ngay cả khi ông ấy thực sự trở lại Nhà Trắng.
Quan điểm của ông Trump về cuộc xung đột Nga-Ukraine đã được biết đến từ lâu, và một số nhà phân tích châu Âu cho rằng bình luận của ông Trump trên Đài CNN sẽ không mang lại bất kỳ sự điều chỉnh nhanh chóng nào đối với lập trường của phương Tây về cuộc chiến.
“Đúng là cuộc tranh luận ở Mỹ có thể sẽ trở nên phân cực hơn khi nước này chuyển sang chế độ vận động tranh cử, nhưng nói là một chuyện, làm lại là một chuyện khác”, bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế (IIA), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Rome, cho biết. “Tôi không thấy nhiều rủi ro chừng nào ông Biden còn nắm quyền”, bà nói.
Khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2024 có thể là một thách thức lớn hơn đối với các nước châu Âu, nếu ông ấy lại đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), như ông ấy đã làm trong nhiệm kỳ Tổng thống trước đây của mình.
“Đó là một kịch bản kinh dị mà người châu Âu không thể làm được gì nhiều, đến mức họ tránh nghĩ về nó quá nhiều”, bà Tocci nói.
Tương lai không chắc chắn
Những lo ngại của châu Âu về hướng đi của Washington đối với Ukraine đã dần tăng lên kể từ cuộc bầu cử giữa kỳ (midterm) vào năm ngoái, khi ông Kevin McCarthy, hiện là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, tuyên bố Quốc hội xứ cờ hoa sẽ không còn cung cấp “séc trắng” cho Ukraine nữa.
Tuy nhiên, một lượng đáng kể các thành viên Đảng Cộng hòa, bao gồm cả Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, đã cam kết tiếp tục hậu thuẫn việc cung cấp vũ khí và tài chính cho Ukraine. Bản thân ông McCarthy gần đây cũng đã nói rằng ông ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.
Ông Biden đã nhiều lần nói rằng mục tiêu của ông là hỗ trợ Ukraine phòng thủ chống lại bước tiến của Nga càng lâu càng tốt, để đưa Kiev vào vị thế mạnh nhất có thể cho các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng với Moscow.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết đã có một cuộc tranh luận trong chính quyền Biden về mức độ bền vững của mức viện trợ hiện tại vào mùa thu, khi Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu về gói viện trợ quan trọng tiếp theo.
Ukraine đang chuẩn bị một cuộc phản công lớn để giành lại nhiều lãnh thổ hơn từ các lực lượng Nga, sử dụng các lữ đoàn mới được đào tạo và trang bị với sự giúp đỡ của phương Tây. Năm ngoái, quân đội Ukraine đã giành lại khoảng một nửa lãnh thổ do Nga kiểm soát kể từ đầu cuộc chiến khởi phát hồi tháng 2/2022.
Với việc quân đội của cả hai bên đều suy kiệt vì tổn thất nặng nề, tiền tuyến ở phía Đông và Nam Ukraine đã di chuyển rất ít trong những tháng gần đây.
Sự không chắc chắn ngày càng tăng về mức viện trợ trong tương lai của Mỹ đang làm tăng thêm nhận thức ở châu Âu rằng những tháng tới sẽ là cơ hội tốt nhất để Kiev tái chiếm một phần trong số 18% lãnh thổ mà Nga vẫn đang kiểm soát.
Ukraine coi việc phản công thành công là quan trọng để giành được sự hỗ trợ liên tục từ Mỹ. Ngược lại, nếu nỗ lực này thất bại, nó có thể dẫn đến áp lực quốc tế để tìm kiếm một lệnh ngừng bắn và chấm dứt giao tranh.
Minh Đức (Theo WSJ, CNN)