Tiền trong ví không cánh mà bay
Hiện nay, đồng tiền điện tử (nhất là bitcoin) hay còn gọi là tiền ảo đang được người Việt săn đón hơn bao giờ hết. Họ xem đây là một kênh đầu tư, cũng vì vậy mà hàng loạt trang chuyên đào hay sàn giao dịch tiền điện tử đã ra đời. Ngoài cộng đồng mạng đã chấp nhận, một số cơ sở cũng đã gật đầu đồng ý với loại tiền đến từ cuộc “cách mạng 4.0” này.
Phong trào đào tiền điện tử vì thế mà nở rộ, nhiều người chưa biết nay cũng tìm tòi, mày mò nghiên cứu. Thế nhưng, trong loại hình kinh doanh này luôn ẩn chứa nhiều rủi ro dễ gặp nhất là mất cả chì lẫn chài do bị lừa. Điểm yếu của người tham gia và dễ trở thành miếng bánh thơm tho cho các tội phạm công nghệ chính là nơi cất giữ tiền điện tử. Nói cách khác, để lưu trữ và nhận thanh toán thì người dùng cần phải có một ví tiền điện tử.
“Hiện đang có 4 loại ví tiền điện tử chính cho đồng tiền này đó là trình duyệt web của máy tính để bàn, trên điện thoại di động và trên ổ cứng. Trong đó, rất nhiều người dùng lựa chọn hình thức lưu và thanh toán tiền trên điện thoại di động. Đây là điều mà các đối tượng phạm tội công nghệ cao liên tục nhắm đến, tìm cách tấn công”, kỹ sư Nguyễn Đăng Ngọc đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM) cho biết.
Thực tế, trong quá trình tìm hiểu, điều tra, PV nhận thấy, hiện một số trang web được lập ra chỉ để phục vụ cho việc lừa đảo, dẫn dụ người dùng truy cập. Hai trang https://www.mytherwalletxxx.com và https://mytherwalletxxx.com, dù nhìn kỹ đến mức nào, nhiều người cũng không thể phát hiện ra sự khác biệt. Tuy nhiên, nó chỉ khác một chút ở dấu phẩy (nhỏ) dưới chân chữ t cuối cùng của tên miền.
Đây chỉ là một dấu hiệu để phân biệt trang này là giả mạo so với trang thật ở trên. Thực tế, những ai gõ từ khóa và tìm cụm từ “mytherwallet” sẽ thấy trang web lừa đảo xuất hiện ngay vị trí đầu tiên, kèm theo đó là quảng cáo. Và những ai không để ý, rất dễ đăng nhập nick (tên đăng nhập) vào trang web giả mạo này. Kết quả, gần như 100% người dùng sẽ bị hack nick (chiếm đoạt tài khoản), mất toàn bộ số token, ETH có trong đó.
Một chiêu khác mà dân chơi tiền điện tử cũng dễ dính “quả lừa” là bị hacker lừa nhằm đánh cắp các thông tin cá nhân. Đối với hình thức này, các đối tượng sẽ gửi email đến người dùng và thông báo họ đã nhận được tiền ảo (thường là bitcoin). Tuy nhiên, để lấy được số tiền ảo này, buộc người dùng phải đăng nhập vào ví điện tử của mình thông qua đường link trong email đó. Và, khi đăng nhập vào thì người dùng hoàn toàn không hề thấy đồng tiền nào, thay vào đó, ngay lập tức số tiền điện tử đang có trong ví cũng không cánh mà bay.
Thực tế, trên trang chính thức, MytherWallet cũng khuyến cáo rằng: “MytherWallet.com không giữ chìa khóa của bạn cho bạn. Chúng tôi không thể truy cập vào các tài khoản, phục hồi chìa khóa, đặt lại mật khẩu và không đảo ngược giao dịch. Bảo vệ các phím của bạn và luôn kiểm tra xem bạn có đúng URL (đường dẫn web) không. Bạn có trách nhiệm bảo mật của bạn”.
Đến các sàn giao dịch “ảo”
Hiện nay, các sàn giao dịch tiền điện tử là dịch vụ cung cấp cho người dùng một thị trường cho phép họ buôn bán, đổi tiền điện tử thành tiền thật hoặc các đồng tiền điện tử khác. Tuy nhiên, sàn tiền điện tử lừa đảo cũng đã xuất hiện đầy rẫy trong cộng đồng tiền điện tử. Thực tế cho thấy, chỉ cần gõ cụm từ sàn tiền ảo là Google cho ra hàng triệu kết quả. Điều đáng nói, trang nào cũng giới thiệu là uy tín nhất, lớn nhất, lợi nhuận hấp dẫn nhất... nhưng không ít trong số đó là giả mạo, chuyên lừa đảo.
Minh chứng rõ nhất chính là trang https:/coinmarketxxx.com. Theo đó, sàn tiền điện tử lừa đảo bằng cách yêu cầu người dùng tạo một khoản thanh toán và mua tiền điện tử. Tuy nhiên, sau khi mua, sàn này sẽ không chuyển bất cứ đồng tiền điện tử nào cho người dùng thay vào đó là đồng tiền mua đã bị các đối tượng chiếm đoạt. Những giao dịch mang bản chất chiếm đoạt thường thu hút khách hàng bằng cách giảm tiền phí giao dịch so với các sàn tiền uy tín.
Thậm chí, ngoài các dạng lừa đảo trên, cộng đồng web đa cấp tiền ảo cũng nhanh chóng ra đời khiến hàng trăm con thiêu thân lao vào. Theo thông tin mà PV có được, cách đây chưa lâu, tại Gia Lai, chỉ trong thời gian ngắn, đã có khoảng 1.900 bitcoin tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp mang tên “Ngân hàng cộng đồng bitcoin”.
Tuy nhiên, sau đó, mô hình này đã bị đánh sập, tương ứng với khoản tiền 22 tỷ đồng bị chiếm đoạt. Điều đáng nói, có khoảng 100 người trong tổng số 300 người không biết cách giao dịch trực tiếp, phải nhờ người trung gian hoặc chính các đối tượng lừa đảo để thực hiện.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng, người dùng rất dễ bị lừa bởi các trang giả mạo. “Thông thường thì 99% người dùng nhìn vào sẽ không thấy sự khác biệt. Vì trang web lừa đảo quá tinh vi, giống hệt như trang web thật. Đôi khi logo của các trang này cũng giống như ví điện tử thật. Thậm chí, một số ví giả cũng lọt vào cả kho ứng dụng của Android, Apple khiến người dùng hoàn toàn tin tưởng tải xuống. Những ví giả này sẽ âm thầm hoạt động trong thời gian nhất định, khi đã thấy số tiền trong ví “dày lên ngon lành”, các đối tượng lừa đảo liền cất vó, nạn nhân chỉ còn biết ngậm ngùi vì tiền không cánh mà bay”, kỹ sư Ngọc nói thêm.
Thậm chí, các tội phạm công nghệ cao trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam đang tìm cách phát tán mã độc thông qua các web giả mạo. Khi mã độc tấn công vào máy thông qua các đường link dẫn mà người dùng tải về, chúng sẽ tìm kiếm xem có ví tiền điện tử ở trên máy hay các thiết bị khác, nếu có chúng sẽ đánh cắp mà người đầu tư không hiểu vì sao mất tiền.
Ngoài các chiêu thức trên, các chuyên gia công nghệ cũng khuyến cáo người tham gia cần cẩn trọng khi đầu tư, đào, giao dịch tiền điện tử... Bởi, có muôn hình vạn trạng các loại lừa đảo chuyên nghiệp trên môi trường Internet mà người dùng không thể ngờ tới. Điển hình như chiêu thức lừa quyên góp bitcoin, tiếp thị đa cấp tiền điện tử, các chương trình đầu tư tiền điện tử hấp dẫn... để dụ người dùng, các đối tượng phạm tội thường tạo ra các trang web giả mạo tinh vi, trông giống như thật.
Chỉ biết tự trách mình “Ngoài các trang web giả mạo, chuyên lừa đảo thì một khi các trang chủ hệ thống (chính thức) bị sập, dữ liệu bị xóa và biến mất thì người tham gia chỉ còn biết trách mình. Bởi hiện nay, ở Việt Nam, pháp luật chưa có quy định điều chỉnh đối với loại tiền điện tử, dù không cấm. Do đó, người tham gia phải tự chịu trách nhiệm về kết quả và cả hậu quả”, luật sư Nguyễn Đình Thái, đoàn Luật sư TP.HCM phân tích |