Lật lại bí ẩn của quy luật “trọng án tháng 9”

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

Liên tiếp trong 3 năm, từ 2008 đến 2010, có một điều "đặc biệt" liên quan đến tình hình tội phạm, đó là cứ vào tháng 9 của 3 năm liên tiếp này, tội phạm hình sự "bỗng dưng" gia tăng đột biến.

Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân). Liệu sự trùng hợp này có còn lặp lại?

GS- TS. Lê Thị Quý

Ẩn số tháng 9

Theo kết quả nghiên cứu này, thì tháng 9 liên tiếp trong 3 năm 2008, 2009 và 2010 vừa qua, tỉ lệ các vụ án giết người gia tăng đột biến. Các nguyên nhân được đưa ra căn cứ trên độ tuổi, về cuộc sống trong gia đình các ứng xử trong gia đình. Hầu hết "hung thủ" trong các vụ án mạng xảy ra vào tháng 9 hàng năm đều có hoàn cảnh gia đình không yên ấm. Các gia đình có lối sống phức tạp cũng là nguyên nhân gây tác động tới tâm lý của những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ trong 3 năm liên tiếp vừa qua, số vụ án giết người mà hung thủ xuất thân từ những gia đình có nhiều phức tạp được hiểu là những gia đình có bất ổn như có bố mẹ ly hôn, trong nhà có bố, mẹ hoặc anh, chị là những đối tượng có tiền án, tiền sự, hành nghề pháp luật cấm... đã chiếm 46% trong tổng số hung thủ gây án giết người.

Mặt khác, lối sống, ứng xử văn hóa thấp trong gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến có hung thủ phạm tội giết người. Lối ứng xử văn hóa thấp có thể bao gồm cả việc ứng xử thiếu tôn trọng nhau, hay để xảy ra các xung đột như cãi vã chửi bới lẫn nhau. ở đây có chi tiết đáng lưu ý là văn hóa ứng xử thấp xảy ra ở cả những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, dẫn đến việc chiều chuộng quá mức, tạo tính ích kỷ cá nhân, lúc nào cũng tự đắc, tự mãn, coi trời bằng vung...

Nguyên nhân các vụ án giết người của những đối tượng trong hoàn cảnh gia đình dạng này, trong tháng 9 - 3 năm liên tiếp vừa qua chiếm 14% tổng số các vụ án. Trong khi đó các vụ án mà hung thủ có thân nhân là những gia đình có hoàn cảnh bình thường chỉ chiếm 4%...

Theo kết quả thống kê, tội phạm giết người thường xảy ra chủ yếu ở nhóm tuổi từ đủ 18-30 (41,12%) và nhóm tuổi từ 30-45 (34,06%). ở nhóm tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 chiếm 16,7%; còn lại ở nhóm tuổi khác là 8,75%...

Nhân quả hiện hữu

Trao đổi với Nguoiduatin.vn về kết quả nghiên này, GS.TS Lê Thị Quý - khoa Xã hội học trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, phân tích ở góc nhìn của một nhà nghiên cứu các vấn đề xã hội: "Trong các nghiên cứu về xã hội học và nguyên nhân xã hội của tội phạm thì việc để xảy ra các vụ án nhất là án hình sự, giết người đều có một phần trách nhiệm của gia đình".

Là một người có thâm niên đứng trên bục giảng, đào tạo nhiều lớp sinh viên và lại là người nghiên cứu về xã hội học GS.TS Lê Thị Quý cho biết trong các nghiên cứu tổng thể của bà về các vấn đề xã hội, trong đó một phần cũng có liên quan đến vấn đề xã hội học phạm tội, nhưng bà cũng chưa có số liệu thống kế cụ thể hàng tháng, mà tổng thể hàng năm.

Một bất ngờ khác thu được trong quá trình phân tích tâm lý tội phạm tháng 9 là các vụ phạm tội chủ yếu xảy ra vào buổi trưa và đặc biệt là vào các buổi chiều tối, ở các thành phố, lúc này áp lực công việc, cuộc sống, cộng với áp lực giao thông, nhiều người bị kích thích bởi men bia, rượu; đồng thời lúc này là giao điểm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tổ chức an ninh nhân dân nên khi bị kích động đối tượng sẵn sàng phạm tội.

Việc một trong những nguyên nhân tội phạm gia tăng tháng 9 là "điểm rơi" của không ít học sinh trượt đại học, sinh tâm lý chán nản, bi quan, bị hắt hủi dẫn đến hành vi phạm tội, bà Quý cho rằng, vấn đề gây áp lực cho con cái đỗ đại học nhiều năm qua đã được nói đến, nhưng không phải cụ thể trong gia đình nào cũng có thể giảm áp lực cho con cái. Sự thành, bại của con cái không thể tính chỉ bằng việc đỗ đại học, hay không.

Cũng theo GS.TS Lê Thị Quý có một vấn đề xã hội khá nan giải liên quan đến tình hình tội phạm hiện nay, đó là việc vô cớ "giải tỏa" các ức chế tâm lý, căng thẳng tinh thần bằng hành vi côn đồ, bạo lực, chỉ với một xích mích rất nhỏ. Đây là nguyên nhân trực tiếp tước đi sinh mạng của người khác.

Trả lời câu hỏi, để làm sao có thể ngăn chặn tình trạng này, theo bà Quý, với sự phát triển của truyền thống như hiện nay, thì việc phản ánh các sự việc là rất cần thiết. Mặt khác, điều quan trọng hơn là phải giáo dục để cho cộng đồng, đặc biệt là người trẻ tuổi hiểu được gây oán, đền tội không phải là việc xa vời mà "nhân quả" trong mỗi hành vi tội ác là hiện hữu, nhãn tiền chứ không cần phải chờ đợi. Điều đó có thể thấy trong hầu hết hậu quả của các vụ án mạng đau lòng.

"Nguyên nhân tội phạm tháng 9" và sự "trùng lặp" này cũng được giải thích là cùng bắt nguồn từ nguyên nhân gia đình không hạnh phúc. Các đối tượng không nhận được tình yêu, sự chăm sóc và dưỡng dục của những người thân. Tháng 9 cũng là tháng sau khi các em học sinh đã tốt nghiệp phổ thông, nhất là các em bị trượt đại học nhìn các bạn cùng trang lứa vui vẻ đến trường, còn bản thân bị trượt, nên lâm vào cảnh bi quan, thậm chí bi phẫn.

Trái lại không ít gia đình thiếu tâm lý đã hắt hủi, chửi bới con cái vì "can tội" trượt đại học. Các yếu tố gây ức chế làm cho các đối tượng ở lứa tuổi này thêm dồn nén, nên khi ra đường, hay trong cuộc sống chỉ cần một va chạm hay xích mích nhỏ là cơ hội để những người này giải tỏa bằng hành vi côn đồ hung hãn.

Luật sư Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Luật sư Hà Nội), người đã từng tham gia tố tụng với các vụ án hình sự là đối tượng còn vị thành niên, hoặc vừa qua tuổi vị thành niên cho rằng, việc tìm đến các nhu cầu "giải sầu" bằng bia, rượu trong khi đang chịu những áp lực tinh thần cũng khiến con người ta trở nên hung hăng hơn. Dùng chất kích thích để " tiêu sầu" hay "nuốt hận" là tâm lý của trẻ mới lớn học đòi. Măt khác, kể cả người lớn tuổi cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh đó, tâm lý "dở ông, dở thằng" cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án đau lòng xảy ra do đối tượng thanh niên này gây ra. Với lý do rất vô vị là thể hiện bản thân hoặc chỉ là chứng tỏ sự "dám làm" của mình.

Về điều này, theo GS.TS Lê Thị Quý, hầu hết tội phạm khi đối diện với sự thật về việc phải trả giá về hành vi phạm tội đều rất hối hận. Để cho xã hội có nhận thức một cách sâu sắc về việc "tất yếu đền tội" sau hành vi tội ác, sẽ góp phần ngăn chặn tội ác từ mầm mống, dù chỉ trong ý nghĩ của mỗi người...

Để trả lời cho câu hỏi "Tại sao tội phạm giết người trong 3 năm trở lại đây có sự gia tăng đột biến, đặc biệt là vào tháng 9/2008, 2009 và 2010 tỷ lệ án giết người tăng 56,9% so với tháng 8 của ba năm trước", Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm; Khoa nghiệp vụ Cảnh sát hình sự; Phòng quản lý nghiên cứu khoa học, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã phối hợp nghiên cứu trên 207 phạm nhân phạm tội giết người đang thi hành án tại 4 trại giam (Phú Sơn 4, Hồng Ca, Thanh Lâm, Thủ Đức của Bộ Công an) và đưa ra các nguyên nhân từ gia đình, xã hội, địa lý và cả thời tiết.

Đông Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.