Lật lại hồ sơ cái chết bí ẩn của nhà lãnh đạo Palestine

Lật lại hồ sơ cái chết bí ẩn của nhà lãnh đạo Palestine

Thứ 7, 26/01/2013 12:54

Gần một thập kỷ sau cái chết của cố Chủ tịch Palestine Yasser Arafat, những nghi hoặc về nguyên nhân dẫn đến sự ra đi đột ngột của vị lãnh tụ của nhân dân Palestine chưa bao giờ chấm dứt.

Bị đầu độc bằng Polonium?

Ông Arafat qua đời tháng 11/2004 tại một viện quân y Pháp ở tuổi 75. Nguyên nhân chính xác dẫn đến sự ra đi của ông đã không được tiết lộ. Nhiều nghi vấn được đặt ra, một cựu cố vấn của Arafat tuyên bố rằng, cố chủ tịch đã bị đầu độc bằng chính các loại thuốc ông sử dụng. Một "bác sĩ cao cấp" của Israel phát biểu trên báo chí "đó là một trường hợp cổ điển về đầu độc thực phẩm", có lẽ gây ra bởi một bữa ăn đã được dùng khoảng bốn giờ trước khi ông bị ốm. Không loại trừ, thức ăn đã được bỏ một lượng chất độc Ricin.

Theo một báo cáo đăng tải trên The New York Times, dựa trên việc tiếp cận hồ sơ y tế, các chuyên gia cho rằng không có vẻ ông Arafat bị đầu độc bằng thực phẩm. Nguyên nhân cái chết của vị lãnh tụ Palestine có thể là một sự nhiễm trùng có nguồn gốc tự nhiên vô cùng hiếm gặp. Tuy nhiên, lý giải này không khiến dư luận hài lòng. Ngay sau khi lãnh tụ vĩ đại của mình ra đi đột ngột, bí ẩn, hơn 80% người dân Palestine tin rằng ông Arafat bị đầu độc. Họ cũng bán tín bán nghi rằng, tình báo Israel đã thực hiện âm mưu đen tối đó.

Mối nghi ngờ tưởng sẽ rơi vào quên lãng cho đến khi bà Suha, người vợ mang quốc tịch Pháp của ông Arafat quyết tâm đi tìm lời giải cho sự ra đi của chồng mình. Ban đầu, ngay sau khi ông qua đời, bà đã từ chối để bác sỹ mổ pháp y. Việc tìm kiếm bằng chứng để xác định ông Arafat có chết vì bị đầu độc hay không của các chuyên gia Pháp và Palestine vào thời điểm đó cũng không thu được kết quả gì. Bởi xét nghiệm của họ chỉ tập trung vào tìm tia gamma, không tiến hành tìm tia alpha, bức xạ. Vô tình họ đã bỏ lỡ việc chẩn đoán đồng vị polonium và đẩy cái chết vị lãnh tụ Lalestine vào vòng bí ẩn thêm.

Tiêu điểm - Lật lại hồ sơ cái chết bí ẩn của nhà lãnh đạo Palestine

Người dân Palestine khóc thương ông Arafat.

Lần này, các nhà khoa học Thụy Sỹ không đổ lỗi cho các đồng nghiệp tại Pháp. Ông Christen  cho biết: "Lúc bấy giờ không có lý do để làm việc đó, thật sự, đó không phải là lỗi của họ. Chỉ sau khi điệp viên người Nga Litvinenko bị ám sát thì người ta mới biết đến chất độc đó. Vào thời điểm ngài Arafat qua đời năm 2004, tôi nghĩ rằng không ai thực sự thấy rõ điều đó".

Các nhà khoa học Thụy Sỹ mong muốn phối hợp với các đồng nghiệp quốc tế trên tinh thần "đồng thuận và bình đẳng". Để khách quan và minh bạch trong kết quả điều tra, họ không thể "đơn thương độc mã" bay tới Ramallah và tiến hành các bước khai quật và xét nghiệm polonium trên hài cốt ông Arafat. Ông Christen từng phát biểu với các đồng nghiệp chuyên gia Pháp và Nga: "Chúng ta sẽ thấy thuận lợi hơn, bởi cùng quan điểm khoa học, việc thử nghiệm sẽ khách quan hơn và cho kết quả tốt hơn".

Viện Vật lý xạ trị Lauranne đã lập tức cử một đội 6 bác sĩ xạ trị và chuyên gia pháp y tới Palestine để tiến hành xét nghiệm hài cốt ông Arafat. Trong trường hợp điều kiện môi trường cũng như thiết bị tại chỗ không cho phép, nhóm chuyên gia quốc tế sẽ lưu giữ, bảo quản cẩn thận các mẫu xương của ông về lại Thụy Sỹ để xét nghiệm cẩn thận.

Bí ẩn vẫn bị chôn vùi dưới nấm mồ

Ba nhóm chuyên gia Pháp, Thụy Sĩ và Nga đã cùng bắt tay để lấy mẫu xét nghiệm. Đây được coi là lần huy động quân đông đảo nhất của giới khoa học quốc tế để điều tra cái chết vị lãnh tụ Palestine. Theo kế hoạch ban đầu, thi thể của ông Arafat sẽ được đưa tới một đền thờ Hồi giáo để các nhóm chuyên gia lấy mẫu, sau đó được an táng lại theo nghi lễ quân đội. Tuy nhiên, dự định trên đã bị thay đổi. Thay vì các chuyên gia nước ngoài, nhóm điều tra người Palestine đã trực tiếp lấy khoảng 20 mẫu trước sự giám sát trực tiếp của các nhóm chuyên gia. Mộ của ông cũng được bịt lại ngay sau khi khai quật.

Sau khi đã xác định được dư lượng polonium có trên vật dụng của Arafat thì bước tiếp theo cho hành trình tìm ra sự thật về "cái gì đã sát hại Arafat" là tiến hành kiểm tra xem liệu ông có hít hoặc ăn phải thức ăn nhiễm polonium hay không. Nhưng việc này chẳng khác gì "mò kim đáy bể", bởi vì một tia hy vọng mong manh nhất là các mẫu máu, nước tiểu của ông Arafat mà bà Suha Arafat cung cấp cho các nhà khoa học Thụy Sỹ hầu như đã bị hủy hoặc giấu nhẹm một cách đáng ngờ cách đây 4 năm.

"Không có cơ hội thứ hai cho bất cứ ai, không còn cách nào khác để chúng tôi có thể làm lại việc này. Nếu chúng tôi không làm việc này, nó sẽ trôi qua", ông Darcy Christen, giám đốc kiêm phát ngôn viện Vật lý xạ trị, Launsanne, Thụy Sỹ cho biết. Hơn nữa, nhiệm vụ tìm ra sự thật không hề dễ dàng khi việc tìm kiếm bằng chứng đầu độc sau khi thi thể đã được an táng lâu năm là khá khó khăn.

Không ít các nhà khoa học trên thế giới lo ngại rằng khó có thể có một kết quả như mong đợi cho sự ra đi đầy bí ẩn của ông Arafat. Bởi mộ ông đã "xanh rêu" 8 năm, một quãng thời gian khá dài đủ để thời tiết, môi trường đất, nước, khí hậu, nhiệt độ, vi sinh vật yếm khí "hòa" di cốt ông vào với lòng đất quê hương Palestine. Hơn nữa, tám năm được xem là giới hạn cuối cùng đối với những chất phóng xạ phân giải nhanh. Qua thời gian này, mọi hy vọng tìm kiếm bằng chứng là không thể.

Bên cạnh đó, để khẳng định có chất độc polonium trên hài cốt ông Arafat hay không, các nhà khoa học sẽ phải chờ đợi ít nhất 5 tháng để quan sát kỹ lưỡng chu trình phân rã polonium. Trong tự nhiên polonium có thể tự "tái sinh" sau vòng "luân hồi" khoảng 5 tháng, nhưng đối với polonium nhân tạo thì không. Câu hỏi đặt ra, ai, cái gì đã ám hại cựu chủ tịch Palestine, Yasser Arafat sẽ vẫn là bí ẩn lớn gây đau đớn xé lòng gia đình ông, nhân dân Palestine và thách thức dư luận quốc tế.

Theo một số nhà phân tích pháp y, chắc chắn những mẫu mô, xương và tóc đã được lấy để các nhóm chuyên gia tiến hành kiểm tra tại đất nước họ. Mẫu tóc sẽ cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất về việc nạn nhân có sử dụng ma túy hay chất hóa học hay không.

Hơn thế nữa, tóc có thể tồn tại hàng ngàn năm và là một trong những cách tốt nhất để tìm kiếm dấu vết của việc bị đầu độc vì một khi đã ngấm vào tóc, chất độc sẽ nằm lại mãi ở đó. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cần kiểm tra mẫu đất và vải khâm liệm. Ông Arafat đã được an táng theo cách thức truyền thống của người Hồi giáo - được cuốn trong vải và đặt thẳng xuống đất. Do đó, mẫu đất chỗ tiếp xúc trực tiếp với thi thể cũng như ở những khu vực xung quanh sẽ cho biết nhiều điều cần thiết.

"Dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh, nhưng  nhóm các nhà khoa học quốc tế vẫn  quyết tâm thắp sáng nó để lôi kẻ thủ ác đã dùng "ám khí" ám hại ông Arafat ra trước ánh sáng khoa học và công lý", một chuyên gia lên tiếng.

Nghi vấn ông Arafat bị thủ tiêu (!?)

Chính quyền và người dân Palestine đang rất hy vọng quá trình điều tra sẽ làm sáng tỏ bức màn bí ẩn xung quanh cái chết không bình thường của nhà cách mạng này. Dư luận Palestine cáo buộc Israel đứng sau âm mưu đầu độc vị lãnh tụ của họ, điều mà Tel Aviv luôn lên tiếng phủ nhận mọi sự liên quan. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Thụy Sĩ khẳng định kết luận cuối cùng sẽ không thể có trong thời gian sớm hơn tháng 3 hoặc tháng 4/2013 vì cả ba nhóm chuyên gia phải kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ kết quả nào.   

Thanh Xuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.