Lật lại câu chuyện nguyên Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh vừa bị bắt thì thấy những sai phạm về đất đai ở Đà Nẵng đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ đầu năm 2013, chủ yếu diễn ra vào thời kỳ của ông này.
Tuy nhiên sau nhiều năm công khai kết luận, kết quả thực hiện kết luận thanh tra, trong đó có việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan vẫn bị “chây ì”.
Thất thoát hơn 3.434 tỷ đồng
Theo đó, ngày 17/01/2013, Thanh tra Chính phủ đã ra Thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai.
Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, từ năm 2003 đến năm 2011, thành phố đã thu hồi, giao đất, cho thuê đất đối với 1.061 công trình, dự án với diện tích 17.534 ha.
Kiểm tra 46 trên tổng số 1.061 công trình dự án nói trên, Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho các ban Quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê vi phạm luật Đất đai năm 2003.
Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạm như: Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất thành phố ban hành hàng năm, một số dự án khác UBND thành phố quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn.
Đáng chú ý là khu đất chuyển nhượng cho công ty TNHH Phúc Thiên Long xác định sai giá trị khiến doanh nghiệp (DN) thu lợi gần 500 tỷ đồng khi chuyển nhượng cho đối tác khác ngay sau đó.
Một khu đất khác là khu đất A2, A3 (diện tích 34.306m2) thuộc khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc được thành phố chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Đông năm 2007 bằng giá khởi điểm dự định đấu giá với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 88 tỷ đồng.
Sau đó 32 ngày, bà Phạm Thị Đông đã chuyển nhượng hai lô đất nói trên cho đối tác khác, sau đó đổi tác chuyển nhượng thêm nhiều lần cho đối tác khác. Toàn bộ quá trình này, các cá nhân, DN cũng tạo ra và hưởng chênh lệch hơn 520 tỷ đồng.
Tương tự như vậy, năm 2007, Đà Nẵng tiếp tục ký quyết định chuyển nhượng khu đất A4, A5 (khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc) cho công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Phú Mỹ để xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn du lịch. Đến năm 2010, công ty này tiếp tục chuyển nhượng cho công ty khác thu chênh lệch hơn 220 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đối với khu đất này, lãnh đạo UBND thành phố không xác định theo giá đất ở mà giữ nguyên giá theo giá đất SXKD (bằng 0,7 giá đất ở) gây thất thu cho ngân sách.
Bóng dáng Vũ “nhôm”
Năm 2006, UBND TP.Đà Nẵng đã chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc, với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng.
Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là 581,5 tỷ đồng, thu chênh lệch hơn 495 tỷ đồng.
Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỷ đồng, thu chênh lệch 3,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, khu đất 29 ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước giao cho công ty CP 79 (công ty của ông Vũ “nhôm”) thấp hơn giá thành phố quy định làm lợi cho công ty này số tiền hơn 570 tỷ đồng.
Tổng hợp số liệu từ 22 dự án có vi phạm về xác định số tiền phải thu khi chuyển quyền sử dụng đất là hơn 2.120 tỷ đồng. Ngoài ra, cộng với các sai phạm khác liên quan đến đất đai giai đoạn 2003 – 2011 đã khiến ngân sách bị thất thu tổng cộng hơn 3.434 tỷ đồng.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc lãnh đạo UBND thành phố thời kỳ 2003 - 2011, văn phòng UBND thành phố, sở Tài chính, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Xây dựng, hội đồng Thẩm định giá thành phố, ban Quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng Đông, công ty Quản lý và Khai thác đất thành phố.
Giai đoạn bị thanh tra cũng chính là giai đoạn ông Trần Văn Minh giữ những chức vụ cao nhất tại UBND TP.Đà Nẵng. Ông Minh đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND giai đoạn 2003-2006 và sau đó là Chủ tịch từ 2006 đến năm 2011.
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 19/11/2012, văn phòng Chính phủ có văn bản số 1930/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra tại thành phố Đà Nẵng, có nội dung chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, thu hồi triệt để về ngân sách số tiền phải nộp.
Tuy nhiên sau đó kết quả khắc phục của Đà Nẵng rất hạn chế, thậm chí “chây ì”. Đáng chú ý, trước đó, tại báo cáo Tổng kết công tác thanh tra năm 2012 do Thanh tra TP.Đà Nẵng công bố ngày 14/12/2012, đơn vị này cho biết cả năm 2012 đã tiến hành 7 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý đất đai nhưng chỉ phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 195 triệu đồng trong lĩnh vực này.
Ngoài một số sai phạm bị Thanh tra Chính phủ khui ra từ năm 2013, dưới thời kỳ Chủ tịch Trần Văn Minh, ông Phan Văn Anh Vũ đã thực hiện hàng loạt phi vụ mua bán đất công sản sai quy định như quyền sử dụng đất tại số 106 Trần Phú, khu nhà và đất tại số 37 Pasteur, căn nhà số 47 Nguyễn Thái Học, nhà đất công sản ở vị trí số 34 Hoàng Văn Thụ, căn nhà công sản số 20 Bạch Đằng, số nhà 100 Bạch Đằng…
Đó là các ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011, ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2016.
Cả hai ông bị khởi tố về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong đó ông Minh bị bắt tạm giam cùng ngày còn ông Chiến bị cấm tự ý rời khỏi nơi cư trú.
Liên quan đến vụ việc, cơ quan CSĐT bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.Đà Nẵng; Trần Văn Toán, nguyên Phó Giám đốc sở TNMT TP.Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, Giám đốc ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP.Đà Nẵng về hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.
Trước đó, bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.