Theo Telegraph (Anh), tòa án Cộng hòa Pháp ngày 19/12 ra tuyên bố bà Christine Lagarde, Giám đốc IMF đã “sơ suất” trong vụ bồi thường 417 triệu USD từ ngân sách nhà nước cho một doanh nhân, trong thời gian bà còn làm Bộ trưởng Tài chính Pháp năm 2007.
CNN điểm lại lịch sử vụ án bắt nguồn từ những năm 1990, khi ông “trùm” kinh doanh người Pháp Bernard Tapie, cổ đông chính của tập đoàn Adidas quyết định bán lại tập đoàn này để tham gia vào nội các Pháp trong vai trò Bộ trưởng Các vấn đề đô thị dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand (năm 1992). Ông Tapie đã giao trách nhiệm bán lại Adidas cho ngân hàng quốc doanh Credit Lyonnais và những tranh cãi bắt đầu từ đây.
Năm 1993, ông Tapie đã đưa đơn kiện cho rằng Credit Lyonnais đã thu được “món hời” lớn khi hạ thấp giá trị công ty Adidas khi định giá tài sản. Tuy nhiên đúng thời điểm vụ kiện được mang ra xét xử thì ngân hàng Credit Lyonnais đang trên bờ phá sản và chính phủ Pháp đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện thay các nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ của ngân hàng này.
Ông Tapie đã theo đuổi vụ án suốt 10 năm trời cho tới khi bà Lagarde, lúc đó là Bộ trường tài chính nhận vai trò phân xử (năm 2007). Bà Lagarde đã quyết định đưa vụ này ra Ủy ban trọng tài. Sau vài tháng nghiên cứu hồ sơ, ủy ban trọng tài quyết định bồi thường 417 triệu USD cho ông Taipei vào năm 2008, gây ra những phản ứng trong dư luận.
Tuy nhiên, tới năm 2014, tòa án Pháp lại phán quyết rằng ông Tapie không đáng được nhận tiền bồi thường và phải trả lại số tiền trên. Đồng nghĩa với việc Giám đốc IMF bị cáo buộc bà đối xử thiên vị với ông Tapie trong phiên xử năm 2008.
Reuters cho hay, phiên tòa ngày 19/12 vừa qua, nữ Giám đốc IMF Lagarde đã bị kết tội “thiếu trách nhiệm” trong việc giải quyết thỏa thuận bồi thường năm 2008. Tuy nhiên, do đang trong thời gian tại chức, giám đốc IMF đã được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn đặc biệt, gồm các thành viên của quốc hội và thẩm phán. Bồi thẩm đoàn đã không đưa ra bất cứ mức án nào đối với tội danh của bà Lagarde dù theo đúng luật pháp bà sẽ đối mặt với án tù tối đa là một năm, và khoản phạt 16.500 USD.
Bất chấp phán quyết, Giám đốc IMF vẫn phủ nhận mọi cáo buộc, bà khẳng định: “Trường hợp này giống như mọi trường hợp khác, tôi đã hành động với sự tin tưởng, lương tâm trong sáng để có thể bảo vệ lợi ích của cộng đồng”.
Phát biểu ngay sau phiên tòa, luật sư của bà, ông Patrick Maisonneuve cho biết: “Tôi thực sự thất vọng khi phiên tòa phán quyết không có lợi cho bà Lagarde. Bà ấy rõ ràng vô tội, bà ấy đáng lẽ phải được hưởng trắng án”.
Giới quan sát bình luận: “Giám đốc IMF bị kết tội nhưng không phải chịu án song nó đã ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín, hình ảnh của IMF”. Nhiều suy đoán cho rằng, thời gian sắp tới, bà Lagarde sẽ từ chức để hạn chế thiệt hại do vụ lùm xùm này gây ra.
Bà Christine Lagarde lần đầu ngồi ghế giám đốc IMF vào tháng 6/2011. Tháng 7/2016, bà Lagarde lại tái nhiệm vị trí này thêm 1 nhiệm kỳ nữa. Bà là ứng viên duy nhất được đề cử vào vị trí này với sự đồng thuận cao dù đã bước sang tuổi 60.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau 5 năm điều hành một tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, bà Lagarde đã rất thành công trong việc làm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, tiến hành hiệu quả hàng loạt thay đổi để gia tăng ảnh hưởng của các thị trường mới nổi tại IMF.
Vụ lùm xùm liên quan đến pháp lý đã khiến nữ Giám đốc IMF Lagarde trở thành lãnh đạo thứ ba liên tiếp của IMF dính vào các vấn đề luật pháp. Người tiền nhiệm của bà là Dominique Strauss-Kahn đã từ chức năm 2011 sau khi bị cáo buộc xâm hại tình dục. Tiếp đến là ông Kahn là Rodrigo Rato thì đang phải hầu tòa tại Tây Ban Nha vì các cáo buộc tham nhũng.
Phương Anh