Lật lại vụ án liên quan ông Nguyễn Trường Tô chấn động Hà Giang (1)

Lật lại vụ án liên quan ông Nguyễn Trường Tô chấn động Hà Giang (1)

Thứ 4, 09/10/2013 15:45

Vụ việc ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang bị mất chức đã từng làm dư luận cả nước xôn xao vì trước đó ở tỉnh này đã xảy ra vụ án hiệu trưởng Sầm Đức Xương và đường dây mua bán dâm nữ sinh.

Tấn bi hài kịch đã khép lại nhưng cho tới hôm nay, còn một nạn nhân của ông Nguyễn Trường Tô vẫn phải xuôi ngược Hà Giang để đòi công lý.

Lần đầu gặp giám đốc Công ty TNHH Sông Lô Lê Duy Hảo, tôi cứ ngờ ngợ về nụ cười và cách nói chuyện “thao thao bất tuyệt” của ông này. Sao lại có người dễ nói, dễ cười đến thế nhỉ! Ngay cả khi nói chuyện với các nhà báo về khối tài sản gần trăm tỷ đồng của mình gần như bị mất trắng bởi các quyết định sai trái của ông Nguyễn Trường Tô (chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) thời còn đương chức, thì ông Hảo vẫn cứ mủm mỉm nụ cười tươi rói, không lúc nào ngớt ở khóe miệng.

Sau vụ khuynh gia bại sản (tưởng chừng phải tự sát) trên chốn “thương trường là chiến trường” này, ông Hảo cho biết giờ ông hoàn toàn gửi niềm tin và hy vọng còn lại của mình vào đạo Phật. Phải chăng vì thế nên cả mấy giờ đồng hồ ngồi với chúng tôi, ông Hảo cứ như một nhà truyền đạo, vừa mủm mỉm cười vừa nói một cách say sưa về thuyết “nhân quả” qua những hoạn nạn, tai ương mà ông đã gặp phải trong mấy chục năm gắn bó với người và đất Hà Giang.

Vụ kiện “Châu chấu… đá xe”

Vốn là một cựu chiến binh, ông Hảo bùi ngùi kể lại quãng thời gian gần ba mươi năm sống và chiến đấu ở Hà Giang: “Đó là buổi chiều ngày 19/5/1984, đơn vị tôi đổ bộ đoàn quân xuống khu vực cầu Mè, rồi hành quân vào làng Phương Thiện, củng cố đội hình để chuẩn bị bước vào chiến đấu ở mặt trận biên giới. Ngay chiều tối hôm sau, đơn vị tôi tiếp tục lên đường vào làng Pinh, Nậm Tẩm xã Thanh Hương – Vị Xuyên để lên các chốt tiền tiêu xung quanh khu vực đỉnh 2000.

Nhưng thật oái oăm, vừa hành quân ra trận một cây số đã bị pháo địch dập suốt một đêm. Nhiều đồng đội của tôi ngay đêm đó đã không còn được trở về nữa… Kết thúc chiến tranh cũng là kết thúc hơn mười năm trong quân ngũ của tôi, cũng là kết thúc cái thời mà người lính thường nói “Súng là vợ, đạn là con/ Ba lô là cả giang sơn trên đời”, tôi từ biên giới phía Bắc trở về. Gặp thời “cơ chế mở cửa”, tôi như “chăn bông ngấm nước” nên được kinh doanh, được làm việc đến quên ăn, quên ngủ để làm giàu cho bản thân và xã hội. Liên tục hơn mười năm sau đó, tôi thường làm việc suốt từ 12 đến 15 tiếng mỗi ngày”.

Hòa mình với thời cuộc, Công ty TNHH Sông Lô do ông Hảo và một số đồng đội khác khởi nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng nhiều công trình tại tỉnh Hà Giang. Vào thời điểm những năm 1996 – 2004, Công ty Sông Lô là một trong những “Cánh chim đầu đàn” của các Doanh nghiệp Trẻ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, được Hội đồng Thi đua khen thưởng của tỉnh Hà Giang đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Đơn vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Nhưng đó là thời điểm trước khi ông Nguyễn Trường Tô lên làm chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. “Không ai biết rằng ông cán bộ này đã bị thoái hóa biến chất từ bao giờ. Chỉ thấy rằng khi lên nắm quyền, ông Tô đã ký hàng loạt quyết định sai trái, không “chí công vô tư” khi đình chỉ một số dự án đầu tư của công ty Sông Lô để thu hồi giao cho các đơn vị khác . Đó là những văn bản “Dối trên, lừa dưới, bác người tiền nhiệm”. Có thể mục đích là để ông ta và một số ít quan chức được hưởng lợi bất chính thông qua các “sân sau”. 

Sau rất nhiều lần khiếu nại, kiến nghị và thương lượng trực tiếp với “đối tác” mà không thành, vạn bất đắc dĩ, Công ty Sông Lô mới quyết định kiện các quyết định trái luật của ông Nguyễn Trường Tô ra tòa án, để nhờ Pháp luật phân xử. Ngày ấy, báo chí đã từng coi đây là một vụ kiện “Châu chấu đá… xe”, hoặc “Châu chấu đá… voi”, nhưng sau đó thật bất ngờ vì… xe lại đổ”, ông Hảo kể lại.

Miền bắc - Lật lại vụ án liên quan ông Nguyễn Trường Tô chấn động Hà Giang (1)

Bị cáo Sầm Đức Xương trong vụ án đường dây mua bán dâm nữ sinh trước toà.

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn chồng chất ấy, ông Hảo cho biết, ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang hồi ấy đã đình chỉ hàng loạt công trình của công ty, hàng ngàn người lao động mất việc làm kéo dài, Công ty TNHH Sông Lô đã phải bán rất nhiều tài sản, kể cả nhà văn phòng Công ty và nhà riêng của giám đốc cũng được giao bán gấp. Tư liệu sản xuất, những bãi xe hàng chục tỷ đồng phải bán đổ bán tháo gây tổn thất nặng nề. Sau hai năm thương lượng và hàng trăm công văn với ý chí cầu thị kính chuyển tới lãnh đạo tỉnh Hà Giang nhưng bất thành, Công ty Sông Lô đã gửi cả tâm thư dài 4 trang khổ A4 đến các vị lãnh đạo tỉnh Hà Giang nhưng không nhận được sự trả lời.

Sau khi Công ty Sông Lô khởi kiện quyết định của ông Nguyễn Trường Tô ra tòa án thì ông Hảo nhận được tín hiệu của lãnh đạo tỉnh rằng: “Nếu Công ty Sông lô rút đơn, tỉnh sẽ phục hồi quyền lợi cho doanh nghiệp”. Và công ty đã rút đơn, mặc dù luật sư bảo vệ cho quyền hợp pháp của Công ty cảnh báo: “Nếu Công ty rút đơn là có thể bị “lừa”, bởi trong vụ này, số ít lãnh đạo tỉnh chỉ vì quyền lợi riêng của chính mình, chứ không phải vì nhân dân”. Nhưng công ty vẫn rút đơn vì hy vọng lãnh đạo tỉnh Hà Giang ngày ấy “hồi tâm chuyển hướng”.

Thế rồi đúng như luật sư cảnh báo, ngay sau khi Công ty rút đơn, ông Nguyễn Trường Tô đã trở mặt, ký ngay Quyết định số 585/QĐ-UBND hủy cả hai Quyết định “2309 và 1085” của người tiền nhiệm và của chính ông ta vừa ra. Tự mình hủy quyết định của chính mình đó là điều xưa nay hiếm thấy, nhưng là sự thật trớ trêu tại Hà Giang. Lúc này, Công ty Sông Lô không còn gì để mất, đơn khiếu kiện gửi đi khắp nơi từ địa phương đến các cấp Trung ương và hàng chục tờ báo đã vào cuộc phanh phui vụ việc tiêu cực này.

Làm sếp lớn mà vẫn tham-sân-si

Nói về giai đoạn khó khăn ấy, ông Lê Duy Hảo nhận xét: “Đáng tiếc là ông Nguyễn Trường Tô đã không sớm tỉnh ngộ và tự điều chỉnh mình. Thậm chí, ông còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một chủ tịch UBND tỉnh để phản pháo lại báo chí và dư luận. Ông Tô đã nhiều lần trực tiếp ký công văn hoặc lệnh cho cấp dưới ký các văn bản gửi lên các cơ quan Trung ương và gửi đi rất nhiều nơi, báo cáo sai sự thật, vu khống các nhà báo. Ông đã chỉ đạo ngăn cản các phóng viên hành nghề, bênh vực Công ty Sông Lô.

Đặc biệt, ông Tô còn tổ chức một cuộc họp báo bi hài ngay tại thị xã Hà Giang. Đã có lúc tưởng chừng như Công lý không còn có chỗ đứng ở Hà Giang và chính nghĩa phải lùi bước trước gian tà, khi một số nhà báo bị cấp trên hiểu nhầm, bị phê bình, kiểm điểm vì đã viết về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, công bằng mà nói, thì không chỉ riêng ông Nguyễn Trường Tô, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể mắc phải sai lầm, tội lỗi, nếu đã làm Chủ tịch tỉnh mà vẫn còn “tham – sân – si” như ông Tô”.

Vụ kiện giữa Công ty TNHH Sông Lô và UBND tỉnh Hà Giang diễn ra từ ngày 14/9/2007. Theo bản án đã tuyên của tòa án Nhân dân tỉnh: Năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định số 2309/QĐ-UB phê duyệt dự án khả thi khai thác và tuyển luyện quặng sắt của Công ty TNHH Sông Lô. Đồng thời UBND tỉnh cũng quyết định đầu tư xây dựng đường vào mỏ Tùng Bá và giao cho Công ty này ứng vốn để đầu tư xây dựng đường.

Sau khi phê duyệt dự án, UBND tỉnh còn cho phép Công ty Sông Lô liên doanh với đối tác Trung Quốc tại Công văn số 03 để xây dựng nhà máy tuyển luyện quặng tại Tùng Bá. Nhà máy tuyển luyện quặng với số vốn hàng chục tỷ đồng đã được xây dựng và chuẩn bị vận hành. Mọi việc suôn sẻ cho đến cuối tháng 4/2006, chính quyền địa phương ban hành Quyết định số 1058/QĐ-UB hủy bỏ Quyết định số 2309/QĐ-UBND nêu trên, “tước” mỏ khỏi tay Sông Lô.  Vạn bất đắc dĩ, Công ty đã phải đệ đơn ra tòa cho rằng đây là văn bản trái pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Sau nhiều lần hòa giải, UBND tỉnh đồng ý hủy bỏ Quyết định số 1058, Sông Lô cũng rút đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, ngay sau khi Công ty TNHH Sông Lô rút đơn, UBND tỉnh lại ra Quyết định số 585/QĐ-UB lặp lại thao tác cũ, vẫn hủy Quyết định phê duyệt dự án khả thi khai thác và tuyển luyện quặng đã giao cho doanh nghiệp. Công ty TNHH Sông Lô lần thứ hai đệ đơn ra tòa án tỉnh đề nghị hủy Quyết định số 585 để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. TAND tỉnh Hà Giang đã xác định căn cứ pháp lý để UBND tỉnh ban hành quyết định “xử khó” doanh nghiệp là không đầy đủ, không chính xác.

Nội dung Quyết định số 585 này cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Đại diện Viện KSND cũng có quan điểm cho rằng quyết định của UBND tỉnh đã vượt quá thẩm quyền. Tòa đã tuyên hủy toàn bộ Quyết định 585, khôi phục các quyền lợi liên quan cho Sông Lô. UBND tỉnh đã kháng cáo nhưng ngay sau đó đã hai lần liên tiếp xin rút đơn kháng cáo. Tòa án Nhân dân tối cao đã đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang có hiệu lực pháp luật.

Thời gian sau, Hà Giang đã xảy ra vụ án hiệu trưởng Sầm Đức Xương và đường dây mua bán dâm nữ sinh gây bức xúc dư luận cả nước. Ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch UBND Hà Giang, đã bị kỷ luật, ngày 6/7/2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị thi hành kỷ luật ông Nguyễn Trường Tô (phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng, bãi nhiệm đại biểu HĐND và cách chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Kết quả kiểm tra cho thấy từ năm 2005 đến nay, ông Nguyễn Trường Tô đã thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo...

Nhận định về hậu quả bi đát này, ông Hảo cho rằng: “Thật ra, kết cục mà ông Nguyễn Trường Tô nhận được năm 2010, chỉ là hậu quả tất yếu của một quá trình thoái hóa, biến chất của một cán bộ Nhà nước có chức quyền, trong thời buổi kinh tế thị trường. Đáng tiếc là hậu quả tất yếu này, đã được các cơ quan thông tấn, báo chí nêu đích danh và cảnh báo cụ thể từ nhiều năm trước mà ông Tô không tỉnh ngộ. Công ty TNHH Sông Lô cũng đã có đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô cách đấy vài năm. Có ý kiến cho rằng chúng tôi thái quá, là không đúng chức năng. Nhưng nếu ngày ấy ông Tô bị cách chức hoặc ông ấy tự từ chức thì không bị kỷ luật nặng như bây giờ”.

Tuy trên danh nghĩa đã thắng trong vụ kiện các quyết định sai trái của ông cựu chủ tịch Nguyễn Trường Tô, nhưng ông Lê Duy Hảo cho biết: Kể từ ngày bản án có hiệu lực đến nay, UBND tỉnh Hà Giang hiện tại hứa sẽ thỏa thuận bồi thường cho Công ty TNHH Sông Lô nhưng hết tháng này sang tháng khác, công việc này vẫn cứ giẫm chân tại chỗ. Công ty TNHH Sông Lô đưa ra mức bồi thường là 80 tỷ đồng, tỉnh Hà Giang nói sẽ xem xét việc bồi thường này, nhưng đến thời điểm tháng 8/2013, ông Hảo lên làm việc với tỉnh Hà Giang mà vẫn không thấy có chuyển biến gì đáng kể.                    

Thái Thảo- Thu Hà

Kỳ 2: Đến bao giờ công ty Sông Lô mới được bồi thường?

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.