Sau khi ông Tô bị cách chức năm 2010, tỉnh Hà Giang đã thỏa thuận bồi thường cho Công ty Sông Lô nhưng đến giờ “không vẫn hoàn không”. Phóng viên đã phỏng vấn ông Lê Duy Hảo về vụ việc này.
Thưa ông Lê Duy Hảo, giám đốc Công ty TNHH Sông Lô, việc ông Nguyễn Trường Tô, cựu chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khiến ông khuynh gia bại sản bắt đầu như thế nào?
Tất cả từ danh và lợi mà ra hết, cái lợi ích cá nhân, suy cho cùng vẫn là lợi ích. Vì lợi ích người ta có thể thay đổi nhiều thứ. Đây tôi không nói tốt hay xấu, nhưng cái sự thay đổi ấy nó đã vượt quá giới hạn mà dân gian gọi là tước đoạt của người này giao cho người khác, và dư luận cho rằng đấy là sân sau. Là “sân sau hay sân trước” cái này thuộc các cơ quan chức năng người ta điều tra, kiểm tra mới giải quyết được.
Nếu không giải quyết được thì nó có ảnh hưởng không chỉ doanh nghiệp mà nó ảnh hưởng tới cả môi trường đầu tư, có thể nói là ảnh hưởng cái mà Nhà nước đang cố gắng rất là nhiều, đó là cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở Việt Nam. Nếu như chúng ta không làm triệt để những chuyện này thì công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp có lẽ là cũng còn hạn chế. Nhưng nếu người ta giải quyết được những vấn đề, những sai sót trong một số ít cán bộ Đảng viên mà được giải quyết triệt để thì các nhà đầu tư yên tâm hơn để đầu tư trong nước hay nước ngoài, nội lực hay ngoại lực người ta cũng đầu tư mạnh hơn. Qua cái vụ án này có thể trở thành một nhân tố tích cực.
Lê Duy Hảo bên các sản phẩm gốm sứ mới của mình.
Được biết, trước đây ở Hà Giang, ông cũng có mối quan hệ tốt với ông Nguyễn Trường Tô?
Tôi gắn bó hơn 20 năm với đất và người Hà Giang, từ khi chiến tranh biên giới. Khi kết thúc chiến tranh, dân ở đấy chạy đi hết, chả còn ai, bấy giờ thị xã xơ xác lắm, chả còn mấy nóc nhà. Sau bao năm “sơn ôm thủy bọc” mình không chết, sau lại lấy vợ sinh con ở Hà Giang, rồi doanh nghiệp cũng sinh ra từ đó. Tôi gắn kết với Hà Giang do nhiều căn cơ chứ không phải là chỉ một cá nhân nào. Lúc Hà Giang còn khó khăn thì tất cả đều gọi là bằng hữu, thi hữu với nhau. Tôi nhớ hồi đó ông Tô làm cán bộ gì đó ở Ủy ban thôi, Phó Chánh văn phòng gì đấy. Sau đó, ông ấy cũng qua nhiều cấp bậc, doanh nghiệp cũng qua nhiều thăng trầm. Khi ông lên chủ tịch thì sự việc nó quay ngược trở lại với những quan hệ trước. Quan hệ trước rất tốt.
Tại sao khi ông ấy lên chủ tịch, ông ấy với ông lại xảy ra đổ vỡ như thế?
Thì đấy, tôi nói tất cả từ danh vọng, lợi ích mà ra.
Có chuyện họ lấy cái dự án của anh cho sân sau của họ có phải không?
Dư luận cho là thế.
Dư luận cho là thế, còn ông là người trong cuộc ông cho rằng thế nào?
Thì cái chuyện đó, nếu nhìn vào cái tòa tuyên thì đã rất chính xác rồi. Mà cái vụ án này gần như hy hữu nhất Việt Nam. Một doanh nghiệp mà dám đưa Chủ tịch tỉnh ra trước công luận, trước tòa án. Hai là, ông Tô đã trực tiếp có hai văn bản thể hiện cái tâm phục, khẩu phục bản án là đơn xin rút đơn kháng cáo và kháng cáo bổ sung. Tức là hai lần rút đơn kháng cáo, nghĩa là tâm phục khẩu phục bản án ấy. Rất tiếc rằng, khi tâm phục khẩu phục ấy, họ không hành, hoặc hành không thông, cho nên là cái việc không giải quyết hậu quả vụ án, cho nên vẫn dây rớt đến tận bây giờ, hơn 10 năm mà không giải quyết dứt điểm.
Vụ án này đã được các cấp tòa xử, từ thời ông Nguyễn Trường Tô, khẳng định các quyết định do ông Nguyễn Trường Tô ký là sai. Vậy tại sao việc thi hành bản án sau nhiều năm vẫn không thi hành được?
Sau khi Công ty TNHH Sông Lô có kiến nghị lên Tòa án Nhân dân tối cao rồi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng ra kháng nghị bản án này phải thực hiện, cuối cùng bây giờ, Tòa án tối cao, Hội đồng phúc thẩm, cao nhất của Tư pháp quốc gia Việt Nam yêu cầu Ủy ban tỉnh Hà Giang phải trở lại cái vụ này và yêu cầu phải bồi thường. Thế nhưng Ủy ban tỉnh Hà Giang có công văn đề nghị chấp nhận bồi thường chứ không xử nữa. Mà khi chấp nhận bồi thường thì tòa không có căn cứ để xử. Bởi vì người ta đã chấp phục hai bên thỏa thuận rồi thì xử gì nữa.
11 công văn của Chính phủ yêu cầu tỉnh giải quyết dứt điểm
Chấp nhận bồi thường thì ai thay mặt Ủy ban để bồi thường?
Ông Tô hay ông nào thì cũng chỉ là ông đại diện cho pháp luật. Ông Nguyễn Trường Tô mất chức lâu rồi. Ủy ban tỉnh, người kế nhiệm thì bắt đầu phải giải quyết việc này theo quy định của pháp luật. Thì bây giờ người ta yêu cầu tòa án không xử nữa, Ủy ban tỉnh chấp nhận bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Sông Lô. Hai bên ngồi với nhau suốt mấy tháng nay, gần năm nay rồi nhưng vẫn không đưa ra được. Công ty thì đề nghị bồi thường hơn 80 tỷ đồng.
Thực chất, lúc đó công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng bây giờ phải bằng hơn 1.000 tỷ vì lúc bấy giờ giá vàng chỉ có 500.000đ/chỉ (nay gần 4 triệu đồng/chỉ), giá xăng lúc đó chỉ 4.000đ/lít (nay 24.000 đ/lít). Nhưng cũng nói rõ là bát nước đổ đi không lấy lại được, thôi bây giờ chỉ bồi thường hơn 80 tỷ thôi, nhưng tỉnh Hà Giang vẫn chưa đưa ra kết luận. Vẫn giao cho các sở, ban, ngành, trên chỉ xuống dưới, dưới đề nghị lên trên, cứ lằng nhằng kéo dài thôi. Kiến nghị thì kiến nghị mãi rồi. Chính phủ có công văn chỉ đạo còn chưa giải quyết được, tòa án xử rồi còn chưa xong, vấn đề pháp luật nó là như thế.
Ông nói là tỉnh bảo thôi không xử nữa mà sẽ thỏa thuận chuyện bồi thường. Từ đấy đến nay là bao lâu rồi?
Từ đầu năm đến giờ. Mới đưa ra cái thỏa thuận đấy, có văn bản hẳn hoi. Ủy ban tỉnh cử một đoàn đại diện gồm có bà Hương là Phó chánh văn phòng Ủy ban tỉnh, ông Tuấn là phòng nội vụ. Ghi văn bản cùng với tòa án và công ty, 4 bên để cùng nhau giải quyết vấn đề này. Công ty đã kê danh sách để bồi thường là hơn 80 tỷ rồi, nhưng hành chính rất là hành chính, nó cứ lằng nhằng, yêu cầu thủ tục nọ thủ tục kia, rất nhiều, để kéo dài ra, hết nhiệm kỳ lại giao cho ông khác. Doanh nghiệp lại chờ mãi.
Tháng gần đây nhất ông lên là tháng mấy?
Tháng nào tôi cũng lên. Tháng 8 vừa rồi.
Khi ông lên hối thúc họ giải quyết thì họ nói như thế nào?
Người ta vẫn cứ làm, vẫn cứ đang làm. Nó cứ chung chung thế thôi, chẳng ai chịu trách nhiệm. Không bao giờ hẹn. Họ quay sang đổ lỗi cho công ty là anh phải cung cấp hồ sơ.
Sau sự lụn bại, phá sản như thế thì tình hình kinh tế của gia đình ông, doanh nghiệp ông hiện ra sao?
Rất khó khăn. Làm 5, 6 năm, bây giờ họ tước đoạt hoàn toàn, chúng tôi trắng tay luôn, gần như là tước đoạt trắng, tiền nợ mình phải giả lãi.
Về vụ việc của Công ty TNHH Sông Lô thời ông Nguyễn Trường Tô còn làm chủ tịch trước đây, đã có nhiều công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang phải giải quyết dứt điểm có đúng không?
Tổng cộng có tới 11 công văn của Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu giải quyết. Nhưng đến giờ vẫn thế. Mỏ chỉ là một cái dự án. Còn dự án khác là Công viên nước mà Công ty TNHH Sông Lô đầu tư ở Hà Giang cũng thế. Đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Công viên nước cũng như cái kia, nhưng may là chưa bị họ tước đoạt. Bây giờ họ mới vào đo đạc. Cũng chuẩn bị. Nếu không có báo chí, không có Chính phủ chỉ đạo, pháp luật bảo vệ thì cũng lại bị tước đoạt như cái mỏ xong rồi.
Dự án công viên nước ở Hà Giang ông đầu tư như thế nào?
Công viên nước là công trình phúc lợi xã hội. Đầu tư trên dưới trăm tỷ đồng. Hiện tại cái hồ đấy vẫn cung cấp sinh thái, môi trường cho thành phố, nuôi cá một năm cung cấp hàng mấy chục tấn cá cho thị trường. Công viên nước vẫn đóng góp cho hàng nghìn người vào tắm ở trong đấy. Nhưng thu nhập từ khai thác công viên chả đủ tiền điện vì nó như là cơm không ra cơm, cháo không ra cháo, làm cái gì được. Nó đã là sinh thái phải đủ bộ phận. Anh bảo làm cá, nuôi cá thì anh phải bán được hàng, anh lại đem bắt, đi bán ra ngoài chợ như nông dân, bán lúa non thì không có tác dụng gì. Khách sạn, nhà hàng thì chỗ một tầng, chỗ hai tầng, nó chưa xong. Anh hiểu không? Bây giờ cơm không ra cơm, cháo không ra cháo, bây giờ rút lại thì không được. Bởi vì đang đun nước sôi, cho gạo vào rồi. Thế mà bây giờ nó lại không chín, bây giờ rút lại, lấy gạo thì không thành gạo được nữa, vì nước sôi rồi.
Xơ xác công viên nước Hà Giang
Công viên nước ông đầu tư bao nhiêu năm rồi?
Cũng hơn mười năm rồi. Nó lại xảy ra vấn đề thứ hai. Lúc bấy giờ Hà Giang rất nghèo khó. Đường thì chưa có mà đi, điện thì chưa có mà sáng. Tỉnh Hà Giang họp rất nhiều, kêu gọi đầu tư, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh hối thúc tất cả các nhà đầu tư với quan điểm Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp cùng làm. Nhà nước đầu tư hạ tầng, đền bù, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đầu tư công năng và dịch vụ.
Trong dự án công viên nước là tỉnh đầu tư 24 tỷ, doanh nghiệp đầu tư 29,8 tỷ, cứ cho là 30 tỷ, cộng lại là trên 50 tỷ. Thế nhưng 50 tỷ là 50 tỷ của dự án, doanh nghiệp đã đầu tư 100 tỷ vào đấy rồi, thế nhưng bây giờ cái vốn Nhà nước vẫn chưa trả hết, mỗi năm trả một ít, không đủ tiền lãi suất, tiền lương cho những người trông coi ở đấy. Họ không hiểu giá trị thời gian, các cụ xưa nay nói “thời gian là vàng”, sang phương Tây thì “time is money”, cũng là thời gian là vàng. Thế mà họ không hiểu vàng ở đâu, vàng thau lẫn lộn thế nên họ giải quyết cứ tý một, tý một, tiền đấy nó cũng trở thành vô nghĩa, không đủ tiền lãi suất cho doanh nghiệp, dẫn doanh nghiệp vào chỗ chết.
Thế bây giờ đầu tư của tỉnh cho công viên nước là bao nhiêu?
Thì nó chỉ có tiền đền bù thôi, thi công doanh nghiệp cũng đứng ra để đền bù trước, rồi xây dựng hạ tầng doanh nghiệp cũng ứng ra trước, bây giờ tỉnh vẫn chưa trả lại hết mà tỉnh vẫn cứ kêu gọi đầu tư, đầu tư.
Thế bây giờ công viên nước ông điều hành ra sao?
Thì đấy, bây giờ nó cũng tan hoang, tan nát thành sắt vụn đến nơi rồi. Các trò chơi cho thiếu nhi, để ngoài trời mà không đủ các bộ phận thì nó sẽ tan nát hết. Vừa bán sắt vụn được hơn 5 tỷ, các trò chơi, thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài về. Mua hơn 17 tỷ, bán được hơn 5 tỷ. Nếu các nhà lãnh đạo chọn không đúng người đúng việc ấy, nó phá hoại kinh khủng. Phá hơn tất cả các phá hoại khác cộng lại. Bởi vì người điều hành năng lực không đủ, không tương đương với chức vụ, quyền hạn của họ thì không giải quyết được.
Ngoài các thiết bị vui chơi đấy, nghe nói anh xây cả loạt nhà nghỉ, khách sạn ở trên đấy?
Đúng rồi, các nhà hàng, khách sạn, hội họp. Khách sạn hơn 250 phòng. Khách sạn xây thô bỏ đấy, dở dang, sắt còn mủn, bê tông còn vụn. Xây chỗ hai tầng, chỗ một tầng, dở dở, dang dang. Nó là khép kín thì mình phải nói là trong một cái khu resort hoặc là cái khu đáp ứng đủ dịch vụ, công năng, tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Anh hiểu không? Là phải rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là hội họp, ăn uống, ngủ nghỉ hoặc là khu vực đấy anh phải vào họp cũng được, sinh nhật, đám cưới cũng được, anh vào nghỉ ngơi sinh thái cũng được. Nó phải đầy đủ ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi. Thế bây giờ nó dở dang.
Ông đã đầu tư vào công viên nước Hà Giang được bao nhiêu % rồi?
Cũng phải quãng 70-80%. Thực ra lúc đấy mình nghĩ là làm phúc để lại cho con cháu. Tức là cái chuyện ngoài đời đấy. Người ta muốn làm những việc tri ân nhưng mà thực ra để làm một người tử tế bây giờ không dễ đâu. Có phải đơn giản đâu. Muốn làm một người tử tế với thời gian này là quá khó luôn. May sống được là tốt rồi, họ oánh thẳng vào đầu não luôn, ba cái luôn nhé! Tất cả các dự án thuộc cầu đường của công ty đã ký, đã làm bị họ phá tan hoang đi, đình chỉ hết, tiền không trả. Đấy là một cái.
Hàng trăm máy móc, thiết bị, bãi xe 20 tỷ, báo chí đưa tin, chụp ảnh trên mạng còn đầy. Bãi xe 20 tỷ bán sắt vụn hết. Cái nợ thứ nhất là dự án dở dang và thiết bị, máy móc bị hủy nhé. Cả cái bộ máy hàng mấy nghìn công nhân mất việc làm. Đấy là cái lớn nhất. Đó là dự án xây dựng các công trình của Nhà nước. Có ba mảng lớn trong đấy. Mảng thứ nhất là xây dựng các dự án thuộc vốn ngân sách thì bị như vậy. Cái mảng thứ hai là làm mỏ. Có lãi ít nào thì đẩy dư vào cho phúc lợi xã hội tỉnh Hà Giang, đấy là cái quy luật. Nhưng chặt một lúc hai chân và cả tay luôn, còn lại trơ cái gì và người ta còn làm được cái gì? Chặt cả tay cả chân người ta.
Đấy, dự án đang làm dở dang bị đình chỉ nhé! Mỏ thì tước đoạt giao cho người khác nhé! Công viên nước 76 hecta, chỉ giải tỏa được 29 hecta, nợ không trả. Tất cả dở dang và không có ai chịu trách nhiệm. Đến bây giờ người ta không đầu tư nữa. Đó là vấn đề rất nan giải của xã hội mình. Bấy giờ theo luật Đất đai thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng Nhà nước không giải tỏa, cứ bảo làm đi. Họ chả hiểu gì cả. Cứ làm đi, cứ múa đi, cứ hát đi. Bịt mồm người ta lại, trói chân, trói tay người ta lại. Cách làm như thế làm sao mà phát triển được. Đường lối của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, minh bạch như thế nhưng người thực thi thì làm ngược lại.
Người dự đoán vụ việc ông Nguyễn Trường Tô bằng thơ
Qua những thông tin ông cho biết vừa rồi, tôi cảm giác cho đến bây giờ, hậu quả mà ông Nguyễn Trường Tô gây ra cho ông, đến bây giờ vẫn chưa khắc phục được gì?
Chả khắc phục được gì, càng ngày càng nặng nề. Có thỏa thuận, có văn bản nhưng không bồi thường. Đến nay một trinh, một xu cũng chưa có.
Được biết, ông là người cũng có làm thơ. Và, đặc biệt là trước khi xảy ra vụ việc ông Nguyễn Trường Tô bị cách chức, ông đã tặng ông Tô một bài thơ có nhiều ngụ ý?
Thực ra là tôi đã dự đoán trước tất cả mọi vấn đề. Câu thơ này tôi làm trước khi sự việc xảy ra, vì nhìn cách sống, cách ăn cách ở của con người, người ta bảo “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, nó là cái trò chơi bây giờ người ta hay phổ biến ấy. Trong bài thơ, ý tôi nói là con người này không bao giờ hiểu trước được vấn đề: “Hiểu ra thì đã muộn rồi/Cũng như cái tốt ở đời cho không/Mai này gió chuyển hướng đông/Có người ở lại thì bòng bong rối bời/Cùng xem thang bậc cuộc đời”. Tôi tặng bài thơ ấy cho ông Tô, nhưng làm sao họ hiểu được những cái ấy. Họ đang là quyền, tiền, là luật pháp, họ cho là họ đúng.
Ông suy nghĩ, chiêm nghiệm gì sau vụ việc liên quan đến ông cựu chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô?
Có rất nhiều người hỏi tôi, sau khi ông Tô mất chức thì mình có hỉ hả không hay mình có đau buồn không hay mình quan niệm như thế nào? Tôi bảo không, cái đấy là sai hết, tất cả hiểu sai hết. Nếu để giải thích thì nó dài dòng lắm, mà càng giải thích thì nó càng rối rắm.
Nên tôi giải thích bằng mấy câu thơ: “Trời sinh ta, sinh kẻ thù/Thù giúp ta sửa đường tu đúng chiều/Ơn này như núi bao nhiêu/Mấy ai thấu triệt những điều đúng sai”.
Qua đấy, tôi muốn nhắn nhủ một điều: Ai cũng phải nằm trong cái quy luật vô thường ấy, cho nên đừng làm gì quá đáng, đừng làm chuyện ác mà rơi vào hậu sai lầm là không thể tránh khỏi.
Và cái việc ấy, tôi cũng nói trong mấy câu thơ sau: “Sông nào cũng chảy về đông/Trăng lặn thì cũng chỉ trong bầu trời/Chạy ngược trên chiếc thuyền trôi/Thì trước sau cũng phải trôi theo thuyền”.
Con người vẫn phải đi về đúng cái chỗ của nó. Rất tiếc là do nhận thức, do cái vọng tưởng của con người quá lớn, cái tôi quá lớn, cho nên mới sinh ra cái sai lầm. Chứ nếu con người ta sống mà tử tế thì cái chuyện rơi vào sai lầm là rất ít.
Cuộc sống hiện tại của ông Tô thế nào, ông có thông tin gì không?
Tôi nghe nói là đời sống ông ấy hiện rất tốt. Nhà cao cửa rộng, tiền của nhiều, xây nhà mới một khu resort rất lớn. Khu resort xây ở cây số 8, cách thành phố Hà Giang 8 cây số về dưới này, giáp đường quốc lộ 2. Tôi thấy nói thế nhưng tôi vẫn chưa vào được. Chúc mừng cho ông ấy, càng rộng càng tốt, càng giàu thì càng mừng cho ông ấy thôi, có gì đâun
Thái Thảo - Thu Hà