Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức (con đẻ của Ỷ Lan Nguyên phi) mới 6 tuổi lên nối ngôi, hiệu là Lý Nhân Tông (1072-1127). Ỷ Lan được tôn phong Linh Nhân thái phi, còn hoàng hậu họ Dương là Thượng Dương Hoàng thái hậu - đã dựa vào thế lực của Thái sư Lý Đạo Thành, gạt Ỷ Lan ra khỏi triều đình. Ngoài ra, lễ xưa cũng quy định, hễ hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì thái hậu được quyền nhiếp chính, nhưng Dương thái hậu lại không phải là mẹ đẻ của Lý Nhân Tông, điều đó càng khiến Linh Nhân thái phi căm tức. Đến năm 1073, một vụ tàn sát bi thảm đã diễn ra, mà nạn nhân chính là Dương thái hậu cùng 76 thị nữ (cũng có sách nói chỉ có 72 thị nữ).
Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng: "Linh Nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với Vua rằng: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý thì người khác hưởng, vậy con để mẹ già vào đâu? Vua bèn sai giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông.
Liên quan đến vụ việc trên, trong cuốn Chuyện tình các vua chúa Việt Nam, TS.Đinh Công Vỹ một mực cho rằng, Nguyên phi Ỷ Lan đã phạm tội "giết người hàng loạt", đã giết hại vợ cả của chồng. "Sự tham lam quyền lực, sự ích kỷ cá nhân đã giết chết hết mọi nhân tính của Ỷ Lan", TS.Vỹ nhận xét.
"Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết Thái hậu, hãm hại người vô tội đến mức tàn nhẫn như thế? Ấy vì ghen là tính thường có của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ, vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích mà không biết là lỗi to...", Sử thần Ngô Sĩ Liên giải thích...
Luật nay: Yêu cầu phải xác định sự thật của vụ án
Trong vụ việc việc trên, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh có hay không việc Ỷ Lan bức chết vợ cả vua và 76 cung phi. PGS-TS Nguyễn Minh Tường, viện Sử học Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận nhân vật lịch sử biện chứng với tư duy khoa học. Cần "soi" hành động của bà Ỷ Lan dưới vương triều phong kiến đó, thì nó có nguyên do. Thời kỳ đó có tục "tuận tang", tức là vua, hoàng hậu hay thái hậu mất thì đôi khi triều đình cũng chôn theo cung phi để hầu. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận uẩn khúc trên có thể là điểm đen trong cuộc đời của Ỷ Lan. Bà có công 8 phần, lỗi chỉ 2 phần. Ngay sau chuyện làm với Dương thái hậu, bà đã hối lỗi và xây dựng hàng trăm ngôi chùa để chuộc lỗi của mình.
Đấy là cách lý giải của các nhà nghiên cứu và sử học. Tuy nhiên, một vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vậy thì cần phải làm sáng tỏ mọi vấn đề chứ không chỉ được nói khơi khơi như vậy.
Trong vụ việc trên, mọi nghi vấn đều nhắm tới Ỷ Lan. Họ cho rằng cái chết của 76 cung phi và vợ cả vua là do bà bức tử mà chết. Pháp luật hiện hành khi buộc tội một ai đó phải có chứng cứ rõ ràng và xác đáng.
Về nguyên tắc tố tụng trong vụ việc trên, trước hết, cơ quan chức năng phải xác định sự thật của vụ án (Điều 10 BLTTHS). Theo đó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng... Đồng thời cơ quan chức năng phải có trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự (Điều 13 BLTTHS). Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
Như vậy, với việc trên, trước hết, cơ quan chức năng cần phải xác định được sự thật của vụ án rồi sau đó mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ.
Tường Linh