Gieo rắc tội ác
Đúng vào khoảng thời gian này 4 năm về trước, người dân huyện rẻo cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bắt đầu gác lại những chén rượu nồng, bữa cơm Tết để đưa nhau lên rẫy, lên nương với hy vọng một năm mới bội thu.
Nhưng với Lữ Văn Khăm (SN 1988), trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn thì khác. Gã không lên rẫy cũng chẳng lên nương như trai bản, mà lo chuẩn bị cho những dự định lớn lao hơn. Nghe đâu, dịp Tết năm 2013 đó, gã được Xên Văn Dần (SN 1982), quê xã Chiêu Lưu nhưng lấy vợ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chỉ lối cho cùng vào đó “làm ăn”.
Thế rồi, đầu tháng 4/2013, từ biệt gia đình, Khăm cùng Cụt Văn Chơ (SN 1982), trú cùng bản Chiêu Lưu lên xe vào huyện Nam Giang. Và từ đó, chúng chính thức bước chân vào con đường gieo rắc tội ác kinh hoàng: Buôn bán người.
Được Dần - gã thổ địa hám tiền - dẫn nước, Khăm cùng Chơ đến nhiều xã quanh vùng tìm “hàng”. Tại đây, Khăm nhờ cháu ruột tên Lữ Văn Chín (SN 1995), đang làm thuê tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang hỗ trợ.
Bằng thủ đoạn tung tin có người dưới xuôi đến bản tìm công nhân làm giày da ở Hà Nội, lương tháng trả 6 triệu đồng, Khăm đã vẽ nên viễn cảnh giàu sang cho những người phụ nữ bản xứ.
Nhiều phụ nữ tin tưởng đã rơi vào quỷ kế của Khăm và đồng bọn. Sau nhiều ngày lùng sục khắp nơi, đến 23/4/2013, chúng dụ chị Pơ Long B. (SN 1982), chị A Rất Thị Th. (SN 1986), trú cùng xã ChàVal và chị A Toanh N. (SN 1992), trú xã Cà Dy, cùng huyện Nam Giang đi “làm ăn”.
Để các nạn nhân và người dân bản địa tuyệt đối tin tưởng, chúng còn hào nhoáng “bo” tiền triệu cho một số thanh niên trong làng dẫn đường, hoặc làm nhiệm vụ chuyên chở 3 nạn nhân ra đường lớn chờ đón xe. Những người này cũng vì thiếu hiểu biết, đã vô tình tiếp tay cho bọn buôn bán người.
3 nạn nhân sau đó bị Khăm đưa ra TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây, từ những mối lái có trước, chúng bán các nạn nhân trên cho đối tượng cộm cán hơn với giá 80 triệu đồng. Sau những giao dịch chớp nhoáng, Khăm nhận trước 23 triệu đồng.
Không lâu sau, Khăm được chuyển tiếp 60 triệu đồng. Nhận được toàn bộ số tiền, gã chia mỗi người 7,5 triệu đồng. Dần và Chín nhận tổng cộng 30 triệu đồng để đưa cho gia đình 3 nạn nhân, với ý định che mắt thiên hạ, cũng như tiện cho những phi vụ làm ăn sau đó. Tuy nhiên, Dần và Chín ôm tiền tiêu xài sạch.
Cùng thời điểm này, Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc điều tra sự việc. Sự ma mãnh, quỷ quyệt của chúng dần dần được lộ tẩy. Tháng 9/2013, phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Quảng Nam lập chuyên án đấu tranh. Lực lượng chức năng phát hiện đây là đường dây buôn người được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp.
Thực chất, toàn bộ đường dây được chỉ đạo dưới bàn tay của 2 cô cháu ruột Lương Thị Mằn (SN 1989) và Lương Thị Khuyên (SN 1992), cùng trú bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu. Trong đó, Khăm, Dần và nhiều đối tượng khác là những chân rết đắc lực trực tiếp lộ diện, thực hiện mọi phi vụ cho 2 “mẹ mìn”.
Trước khi dụ dỗ 3 nạn nhân trên, chúng cũng đã nhẫn tâm lừa bán 2 đứa con ruột của ông Pơ Long Thơ (SN 19964), trú thôn Pà Xua, xã Tà Bhinh, huyện Nam Giang sang Trung Quốc.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cũng xác định, tổng cộng đường dây này đã bán 5 nạn nhân sang Trung Quốc, với giá 549 triệu đồng.
Đền tội…
Gieo tội ác ắt phải đền tội. Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Nam lần lượt bắt giữ Mằn, Dần, Chín…. Những bản án nghiêm khắc cũng lần lượt đã tuyên ra dành cho chúng. Thế nhưng, điều khiến các trinh sát đau đáu đó là dai dẳng nhiều năm trời, một số đối tượng vẫn còn ngoài vòng pháp luật.
Về phần mình, khi hay tin đồng bọn sa lưới, Khăm biệt tích từ năm 2013. Những thời khắc đồng bọn trả án hay dịp trọng đại nhất của gia đình, người ta vẫn không thấy bóng dáng Khăm đâu. Củng cố hồ sơ vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam phát lệnh truy nã đặc biệt đối với gã.
Thế rồi, sau Tết Đinh Dậu 2017, mọi người ngỡ ngàng khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng bước vào bản rồi dẫn theo Khăm đi ra. Những người mặc quân phục xanh đó là trinh sát Công an tỉnh Quảng Nam.
Khi mà người dân còn đang say sưa bên ché rượu, mâm thịt thì đâu đó trên những cung đường đèo núi sâu hun hút này, các chiến sỹ công an lặng lẽ theo dấu Khăm.
Tết này, y lẻn về quê ăn Tết với ý định lại cao bay xa chạy. Những tưởng hành động “xuất quỷ nhập thần” ấy sẽ giúp hắn ẩn tích như nhiều năm qua. Nhưng mọi hành tung của y đã bị lực lượng chức năng sớm phát hiện ra. Mùng 8 Tết, Khăm bị bắt và di lý về tỉnh Quảng Nam để phục vụ công tác điều tra.
Nhâm Thân