Chỉ dùng một ngón tay có thể khiến đối phương mất khả năng chiến đấu, dù không tiêu diệt nhưng nếu bị tấn công thì bản thân không gặp nguy hiểm. Nội công siêu phàm ấy hay còn gọi là Nhất dương chỉ đã giúp tôi khám phá không chỉ võ học mà còn là đạo, là đời, là những ý niệm sống đầy nhân văn qua… một ngón tay.
Đã có rất nhiều người viết về ông và cả những bí kíp bí truyền mà cả cuộc đời ông theo đuổi, gìn giữ, tôi những tưởng mình sẽ bị lạc giữa ma trận thông tin dày dặn ấy. Nhưng khi có dịp được trò chuyện với võ sư Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo, người viết hiểu rằng, không sợ lối mòn mà chỉ sợ tâm không minh, trí không sáng.
“Ai đi đều sẽ đến, ai luyện sẽ thành. Luyện nhất dương chỉ, một thứ công phu đặc dị cần phải có sức chịu đựng tốt, trải qua nhiều gian khổ”, võ sư Thắng nói.
Sự khiêm tốn của ông khiến những người xung quanh càng thêm nể phục. Bởi những gì ông đã làm được, những vinh quang ông đã mang về cho Tổ quốc quá rõ mà chỉ nhắc đến tên ông thôi cũng đủ để nhiều người muốn chắp tay vái, tôn làm “sư phụ”. Thế nên, dù ông đã nhắc đi nhắc lại “thành công của tôi cũng bé tí thôi, chưa có gì ghê gớm”, nhưng rõ ràng, những điều ông đã làm được thì thiên hạ không có ai làm được. “Đấy chẳng qua là do tu luyện, tôi tu luyện thì làm được thôi, chứ không phải là hơn người. Ai luyện cũng sẽ làm được như tôi cả”, võ sư Thắng vẫn khiêm nhường như thế.
Tôi cũng khó mường tượng, một cơ thể chỉ chừng hơn 50kg, nhỏ bé , nhưng lại dùng nội lực để làm những việc hết sức kỳ diệu, nhất là khi đi dạy ở môi trường quốc tế, đối diện với những người 80-90kg. Nhưng võ sư Thắng cho biết, khi không thể đua sức mạnh bên ngoài thì phải dùng nội lực bên trong.
Theo võ sư Thắng, muốn luyện Nhất dương chỉ phải trải qua rất nhiều bước. Trước tiên, phải hiểu thế nào là khí công. Khí công có động có tĩnh (động công, tĩnh công), có cương có nhu (cương công, nhu công), có khí công cơ bản, khí công đỉnh cao và chuyên nghiệp (bí kíp chân truyền). Phải luyện thành công những môn khí công cơ bản rồi mới đến khí công đỉnh cao như: Đạt ma chân kinh, Thập bát la hán. Đến khí công đỉnh cao lại luyện từng phần cơ thể, luyện cương công trước, nhu công sau.
Những cao thủ võ công không bao giờ dùng sức mạnh bên ngoài mà hóa giải đối phương phải sử dụng đến nhu công, có thể làm cho họ té ngã, vỡ đầu, chảy máu mà không hề mất lực. Nếu họ trúng đòn mình cũng không chết, không đánh họ nhưng cũng không để ai đánh được mình. Muốn vậy phải luyện, công phu phải “đệ nhất nội đan”, đan điền là bể khí đằng sau bể tinh, khi luyện thành công phu nội đan rồi luyện công phu thượng đan, hạ đan cho cơ thể tạo thành một khối kim cương bát hoại, rồi từ đấy luyện thành ra bàn tay, bàn chân, ống đồng, đỉnh đầu…
“Tôi chuyên luyện bàn tay vì có sức mạnh bàn tay rất tốt. Mình không làm sát thương đối phương nhưng với một ngón tay có thể làm cho đối phương nguy hiểm. Một ngón tay không đánh chết đối phương nhưng với công lực của tôi hiện nay, có thể ít nhất điểm vào huyệt, đối phương bị tê liệt và choáng. Mặc dù không chết nhưng vì cái tê liệt và choáng ấy, chỉ cần đến vồ một cái, tung một ngọn cước là xong”, võ sư Thắng nói.
Phân tích về sự huyền diệu, tinh xảo của công phu Nhất dương chỉ, võ sư Thắng phân tích: “Đó chính là ngón trỏ, ngón rất dương trong cơ thể. Ngón trỏ dẫn nội khí từ trong đan điền (trung tâm khí lực hay là các huyệt đạo trên cơ thể) phát ra với khí nóng. Bởi thế, khi luyện ngón tay có áp lực rất mạnh. Một chân sư dùng ngón tay điểm huyệt chữa bệnh, năng lượng được truyền tải từ tâm linh. Mục đích chính của tôi luyện thành công Nhất dương chỉ là để chữa bệnh, làm cuộc đời bớt đau khổ chứ không phải để tiêu diệt ai”.
“Yêu cái gì thì luyện cho thành, cuộc đời này ngắn lắm”, cái lẽ ông răn mình, nhưng với nhiều người cũng như một bài học. Võ học không đơn thuần là đấm, đá, tung chưởng, mà hơn hết là đạo, là đời, là lẽ sống với bao người.