Liên quan đến đường dây chuyên cung cấp thiết bị gian lận thi cử ngay trước kỳ thi THPT Quốc gia 2019 mà Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa triệt phá, nhóm đối tượng khai rằng, bất kỳ thí sinh nào cũng có thể sử dụng thành thạo các thiết bị chỉ sau khoảng 1 giờ được hướng dẫn.
Hai đối tượng chính bị bắt gồm Đặng Công Bão và Nguyễn Thế Mạnh (cùng SN 1996, quê Bắc Ninh), hiện trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Về phía Mạnh, đối tượng khai, trong năm 2019, thiết bị được học sinh, sinh viên chuộng nhất là 1 bộ gồm tai nghe siêu nhỏ hình hạt đậu, camera 4G hình cúc áo chuyên dùng chụp chữ viết. Thí sinh khi tham dự thi chỉ cần cắm sim viễn thông vào card, rồi lắp tai nghe siêu nhỏ vào tai. Hình ảnh đề thi sẽ được chuyển ra ngoài bằng camera ngụy trang dưới dạng cúc áo này.
Camera ngụy trang có thể cài trước ngực hoặc nhét trong tay áo người viết. Cứ 3 - 5 giây, máy ảnh trên nút áo sẽ tự động chụp hình đề thi mà thí sinh để trước mặt để đọc.
Sau đó, dữ liệu từ máy ảnh sẽ truyền về máy của người ở bên ngoài để hỗ trợ thí sinh trong quá trình thi. Khi giải đề xong, người ở ngoài sẽ tắt chức năng chụp hình của máy ảnh thông qua bộ điều khiển, rồi đọc lời giải cho thí sinh qua chiếc tai nghe siêu nhỏ đủ cho một người nghe.
Cũng theo lời của Mạnh, một thiết bị bán chạy khác là bộ rung để báo kết quả các môn thi trắc nghiệm. Thiết bị gian lận đối với môn thi trắc nghiệm còn đơn giản hơn môn thi tự luận.
Theo đó, với 2 thí sinh cùng mã đề trong phòng thi có thể dễ dàng trao đổi đáp án trong thời gian rất ngắn. Cụ thể, các đáp án A-B-C-D lần lượt tương ứng với số lần rung lên 1-2-3-4 qua thiết bị gian lận được gắn trong người.
Ngoài ra, những camera ngụy trang rất tinh vi dưới vỏ bọc như đồng hồ, chiếc bút, kính mắt, mũ lưỡi trai, ổ cắm điện… cũng được nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn vì nó rất tinh vi, khó bị phát hiện. Chỉ sau thời gian ngắn được hướng dẫn là các thí sinh đều có thể dử dụng được.
Theo thông tin cập nhật, từ lời khai ban đầu của nhóm đối tượng trên, cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm tiếp tục triệu tập Trần Thị Q. (trú tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) về Hà Nội để làm việc. Q. chính là đầu nậu, chuyên cung cấp các thiết bị gian lận thi cử cho Bão và Mạnh.
Tại kho hàng của Q. ở Lạng Sơn, cảnh sát thu giữ thêm khoảng 400 thiết bị thuộc 30 chủng loại như camera giấu kín, thiết bị rung, tai nghe siêu nhỏ, thiết bị giám sát, định vị bí mật…
Tại cơ quan công an, bước đầu Q. khai, tất cả số thiết bị công nghệ tinh vi trên đều không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc rõ ràng. Q. nhập thiết bị của một người ở chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) rồi bán lại để kiếm lời, trong đó có bán cho Bão và Mạnh.
Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Cách nhận biết thí sinh sử dụng thiết bị gian lận thi
Ở một diễn biến khác, trước kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra, phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an TP.Hà Nội đã hướng dẫn cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi cách nhận biết các thiết bị gian lận.
Theo đó, trong quá trình thi, giám thị cần lưu ý những thí sinh có biểu hiện như: Miệng lẩm bẩm đọc đề; không tập trung làm bài, biểu hiện lén lút; hay quan sát, nhìn cán bộ coi thi; thời tiết nóng bức nhưng lại mặc áo dài tay, nhiều lớp áo, cổ áo, túi áo cộm đồ vật.
Ngoài ra, cán bộ coi thi cũng cần để ý những thí sinh để tóc dài trùm tai, trùm gáy; hay để tay lên mặt, vị trí tai vì thiết bị trong tai có thể gây ngứa, khó chịu.
Khi xác định được thí sinh vi phạm, cán bộ coi thi cần thông báo cho Giám thị giám sát, báo cáo Trưởng điểm thi. Đồng thời, phải yêu cầu thí sinh dừng làm bài, lập biên bản thu hết thiết bị và niêm phong để giải quyết theo quy định.