"Lỗ hổng" lộ thông tin cần xử lý triệt để
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, nhóm này nắm thông tin của khách hàng rất chính xác, khi gọi điện tới người dân thì nhóm này biết khách ở căn hộ nào, dự án nào… Đây là một trong những "lỗ hỗng" về thông tin khách hàng đã bị rò rỉ vì thường chỉ có chủ đầu tư, các sàn giao dịch môi giới mới nắm rõ các phương thức liên lạc và địa chỉ khách hàng, cư dân của mình.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA nhận định: "Lừa đảo qua không gian mạng và qua các số điện thoại đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn ngày càng có nhiều biến tướng phức tạp, vì việc lừa đảo qua mạng khó phát hiện, khó truy vết ra kẻ thực hiện lừa đảo, khó truy tìm các bằng chứng vật lý như chữ ký, tài sản lừa đảo…để làm bằng chứng cho các cơ quan chức năng xử lý".
Về việc thông tin người dân, khách hàng của doanh nghiệp bất động sản bị rò rỉ ra bên ngoài, khiến kẻ xấu sử dụng lợi dụng, mạo danh… ông Thắng cho rằng, nguyên nhân các đối tượng có được thông tin trên xuất phát ở rất nhiều nguồn.
"Các đối tượng mạo danh mua dữ liệu từ nhiều nguồn như mua từ bảo hiểm, từ ngân hàng, từ cơ quan y tế, các tổ chức nghiên cứu và điều tra thị trường,…
Tất nhiên, việc mua bán dữ liệu cá nhân này là bất hợp pháp. Do đó, chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Những ai vi phạm nghị định mua bán dữ liệu cá nhân này ngoài xử lý hành chính thì còn truy tố hình sự", ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng cho biết thêm: "Để khắc phục rò rỉ thông tin quản lý khách hàng thì các doanh nghiệp cần tăng cường công tác bảo mật thông tin nội bộ, các dữ liệu khách hàng cần được số hóa và mã hóa. Chỉ có những nhân viên có chức năng thì mời có KEY để giải mã các dữ liệu khách hàng này.
Do đó, nếu dữ liệu này có bị rò rỉ ra ngoài thì cũng là dữ liệu mã hóa, đối tượng lừa đảo cũng không thể sử dụng được. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mã hóa dữ liệu cũng là bảo vệ bí mật kinh doanh của mình, tránh những bí mật này rơi vào tay của những đối thủ cạnh tranh.
"Đối với người dân, khi tiếp nhận những cuộc mời gọi không mong muốn, phải hết sức cẩn thận và không nên giao dịch với các đối tượng gọi này vì đa phần là lừa đảo. Hiện nay, mỗi ngày bản thân tôi cũng nhận rất nhiều cuộc gọi, nhận nhiều kết bạn vào các group Zalo mời gọi đầu tư chứng khoán, mời gọi đầu tư đất nền, đầu tư vàng..… Và tôi biết rằng những cuộc gọi này đa phần là lừa đảo", Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA nhận định.
Cảnh báo người dân nên cẩn trọng
Thực tế, hiện nay việc nhiều đối tượng mạo danh cơ quan nhà nước, mạo danh điện lực, doanh nghiệp bất động sản để lừa đảo tiền, tặng voucher du lịch miễn phí, mời khách hàng tham gia hội nghị tri ân, nhưng đều là một trong những hình thức lừa đảo hiện nay.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, giám đốc công ty địa ốc có địa chỉ quận 3 (Tp.HCM) cho biết "Những năm trước công ty tôi cũng bị một sàn môi giới tự vẽ thư mời, mạo danh tên tuổi logo của công ty đưa cho khách hàng, dụ khách tới khu vực quán cà phê ở quận Bình Thạnh sau đó chở đi tỉnh Đồng Nai mua đất nền. Chúng tôi phải nhờ báo chí truyền thông cảnh báo".
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông nhận định: "Hiện nay tình trạng mạo danh lừa đảo rất là tinh vi, đặc biệt là mạo danh các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản có tên tuổi, uy tín trên thị trường. Các đối tượng đánh vào lòng tham, kích thích sự tò mò của khách, khi khách hàng đã không kiểm soát được thì sẵn sàng ký mua đất nền, đất không pháp lý… Đây là một trong những hình thức các doanh nghiệp, chủ đầu tư cần lên án để bảo vệ người dân cũng như bảo vệ thương hiệu của mình".
Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần C-Luxury cho rằng: "Các doanh nghiệp về bất động sản rất thường bị mạo danh để lừa đảo, các nhóm đối tượng lợi dụng thông tin từ khách hàng rồi gọi điện dùng nhiều chiêu trò dụ dỗ. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý, các chủ đầu tư uy tín thường có đơn vị phân phối riêng, có trụ sở địa chỉ công ty rõ ràng và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, chứ không có tình trạng hẹn ra quán cà phê, công viên để tặng quà, tư vấn sản phẩm bất động sản".
Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Thị Bích Hằng, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết: "Với hình thức lừa đảo mạo danh gọi điện thoại tặng quà, mời tham gia sự kiện, tổ chức đưa khách hàng đi xem đất ở tỉnh rồi thực hiện hành vi lừa đảo rất phổ biến. Nhiều trường hợp đã bị xử lý và công an cũng thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông
Tuy nhiên, hiện nay thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi. Vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu thật kỹ các thông tin để tránh rơi vào bẫy, tránh tiền mất tật mang".
Theo Luật sư Hằng khuyến cáo mọi người, tuyệt đối không ký các loại giấy tờ mua bán. Người dân đi phải thông báo cho người thân bạn bè, hoặc chia sẻ vị trí của mình trong suốt hành trình di chuyển để tránh gặp những rủi ro".
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA cho rằng, người dân và doanh nghiệp khi tiếp nhận các giao dịch này, cần phải kiểm tra chéo thông tin xem có khớp hay không. Hiện, mọi thông tin, sự kiện của các doanh nghiệp hoạt động thực đều được công khai trên website công ty. Hoặc mọi người có thể kiểm tra bằng cách gọi vào số điện thoại đường dây nóng của công ty đó.
Có thể nhận thấy, những hành vi lừa đảo hiện nay rất phổ biến và được cảnh báo rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì vậy, người dân nên cảnh giác với những cuộc điện thoại gọi mời chào mua đất, tặng quà, tham gia sự kiện… để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Nhóm PV