Lật tẩy thủ đoạn 'moi tiền' từ cào thẻ điện thoại

Lật tẩy thủ đoạn 'moi tiền' từ cào thẻ điện thoại

Thứ 3, 28/05/2013 13:52

Với cách "moi tiền" ngày càng tinh vi, dù đã được cảnh báo, nhiều người vẫn bị lừa một cách dễ dàng. Đặc biệt, người nông dân, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa kém hiểu biết, hạn chế tiếp cận thông tin là đối tượng chúng đặc biệt hướng tới.

Sập bẫy do thiếu hiểu biết

Thời gian gần đây, người dân xứ Nghệ hết xôn xao trước việc, nhiều người bị lừa tiền qua thẻ cào điện thoại. Với "chiêu độc" của mình, kẻ gian đã thực hiện trót lọt hàng trăm vụ khiến cho nhiều người mếu mặt phần vì mất tiền, phần nữa là xẩu hổ vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Trường hợp đáng chia sẻ nhất là bà Cao Thị Hà (SN 1969) trú tại xóm 4, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, có con bị bệnh nan y nay lại bị kẻ gian lừa đảo mất một số tiền khá lớn. Vào sáng ngày 16/5, khi đi mua nước cho con bà Hà bất ngờ nhận được cú điện thoại lạ từ số máy 01628.237.669. Khi nhấc máy, đầu dây bên kia là một người đàn ông, nói giọng miền Trung, tự nhận là nhân viên của trung tâm công bố kết quả trúng thưởng chi nhánh ngân hàng Agribank ở TP. Đà Nẵng.

Nhân viên ngân hàng còn hào hứng thông báo cho bà Hà biết bà là một trong 21 khách hàng may mắn nhận được giải thưởng nhân kỷ niệm 21 năm thành lập ngân hàng. Và người nhân viên này cũng không ngần ngại cho bà Hà biết tổng giá trị giải thưởng là 195 triệu đồng bao gồm: 150 triệu đồng tiền mặt, một chiếc xe máy trị giá 38 triệu đồng, một chiếc tủ lạnh trị giá 7 triệu đồng. Và chủ nhân của số điện thoại lạ này cũng yêu cầu bà Hà nộp tiền phí để nhận thưởng. Số tiền mà người này yêu cầu lúc thì 500.000 ngàn đồng,  khi thì 1,7 triệu đồng, lúc là 6 triệu đồng, hình thức nộp tiền bằng thẻ cào điện thoại.

Nghĩ rằng, hoàn cảnh của mình bi đát nên ông trời rủ lòng thương cho hưởng lộc, vì thế bà Hà rất vui và nhanh chóng làm theo yêu cầu người vừa gọi điện. Bà Hà đã mua và cào 10 thẻ mệnh giá 500.000 đồng, 6 thẻ 300.000 đồng, 2 thẻ 200.00 đồng, 5 thẻ 100.000 đồng và 14 thẻ 50.000 đồng; tổng cộng là 8,4 triệu đồng gửi mã số thẻ đến số máy của "nhân viên trao thưởng".

Công nghệ - Lật tẩy thủ đoạn 'moi tiền' từ cào thẻ điện thoại

Đối tượng “siêu lừa đảo” Phạm Văn Công vừa bị bắt giữ.

Không chỉ dừng lại ở đó, chiều ngày 17/5, người này lại tiếp tục gọi điện đến yêu cầu bà Hà nạp thêm 15 triệu đồng để nhận được toàn bộ giải thưởng. Tuy nhiên, số tiền quá lớn nên bà Hà nghi ngờ mình đã bị lừa. Đến sáng ngày 18/5, đối tượng lạ tiếp tục điện thoại giục bà Hà hoàn thành nốt số tiền phí còn lại để đại diện công ty vào trao thưởng như lời hẹn. Trưa cùng ngày, khi người nhà của bà Hà gọi điện đến để nói chuyện thì đối tượng vẫn nhận là nhân viên ngân hàng, nhưng khi nhắc đến giải thưởng thì đối tượng thoái lui và nhanh chóng tắt máy.

Qúa hoảng hốt vì sợ mất tiền, bà Hà gọi cho ngân hàng Agribank khu vực miền Trung. Đại diện Ngân hàng này cho biết có chương trình mở thưởng cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm chứ không có chương trình trúng thưởng lớn đến gần 200 triệu đồng. Và nếu khách hàng trúng thưởng thì phía ngân hàng sẽ trực tiếp liên hệ và trao thưởng. Khi đó, chị Hà mới biết mình đã bị lừa và lên trình báo với cơ quan chức năng. Toàn bộ số tiền bị lừa bà đều vay mượn cả, giờ con đang cần số tiền lớn để phẫu thuật không biết xoay tiền ở đâu.

Không chỉ là trường hợp chị Hà, trước đó, anh D.C.Đ ở xã Nam Lĩnh huyện Nam Đàn cũng nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Đầu dây bên kia nói giọng Bắc thông báo: "Chúc mừng quý khách đã trúng thưởng 180 triệu đồng trong chương trình bốc thăm may mắn dịp đầu năm của Công ty viễn thông Viettel. Quý khách cần phô tô chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đoàn trao thưởng gồm nhà báo Lại Văn Sâm, đại diện Đài truyền hình, đại diện cao cấp tập đoàn Viettel và một số quan chức khác. Đề nghị quý khách thanh toán các chi phí phụ nhận giải bằng cách mua thẻ cào Viettel, gửi lại mã số cho chúng tôi và đề nghị không thông báo cho ai biết việc mình đang trúng thưởng để tránh ồn ào dư luận". Anh Đ. ngu ngơ làm theo và bị lừa 3,8 triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự, chị N.T.T ở xóm 3, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn cũng bị lừa đảo 5 triệu đồng. Chị Thủy ở xóm 8, xã Nam Xuân bị lừa trúng thưởng từ chương trình khuyến mãi của ngân hàng Vietcombank với cơ cấu giải thưởng 40 triệu đồng tiền mặt,  một xe máy và một điện thoại Iphone 5. Chị Thủy đã làm theo hướng dẫn, mua thẻ cào để nộp cho "tổng đài", nộp tiền xong, "tổng đài" tắt máy...

Công nghệ - Lật tẩy thủ đoạn 'moi tiền' từ cào thẻ điện thoại (Hình 2).

Đối tượng “siêu lừa đảo” Phạm Văn Cương vừa bị bắt giữ.

"Siêu lừa đảo"

Liên tục nhận được đơn khiếu nại từ các nạn nhân, nhận thấy tính chất phức tạp của vụ việc, Công an huyện Nam Đàn đã lập chuyên án 413T do Đại úy Nguyễn Đức Kiên, Đội phó Đội cảnh sát điều tra làm trưởng ban tiến hành điều tra.

Hướng điều tra ban đầu đi vào ngõ cụt, bởi các nạn nhân và đối tượng gây án chưa hề gặp nhau, chỉ nghe qua giọng nói lơ lớ, nửa Bắc, nửa Nam nên không thể khoanh vùng được các đối tượng nghi vấn. Hơn nữa, các số điện thoại được sử dụng để lừa đảo đều là sim rác, chỉ dùng trong một thời gian ngắn rồi vứt và không rõ thông tin đăng ký cũng gây nhiều khó khăn cho ban chuyên án.

Phải mất một thời gian dài và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án xác định nhóm đối tượng gây ra các vụ lừa đảo được định vị tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Một nhóm trinh sát được cử vào nằm vùng tại địa bàn một số xã của huyện này.

Khi đã nắm được lịch trình hoạt động, thủ đoạn và các chiêu lừa đảo của nhóm thanh niên, ngày 17/5/2013, cơ quan công an huyện Nam Đàn đã phối hợp với công an sở tại, triệu tập hai anh em Phạm Văn Công (SN 1990), Phạm Văn Cương (SN 1995), trú tại xóm Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến làm việc. Tại cơ quan điều tra, chúng đã khai nhận tất cả hành vi phạm tội của mình.

Được biết ngoài hai đối tượng này còn có thêm đồng bọn của chúng nữa. Ngày 19/5, cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục theo dõi và  bắt giữ thêm đối tượng Nguyễn Đức Nhượng, (SN 1991) ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh để điều tra về hành vi tương tự. Tại cơ quan điều tra, cả 3 khai nhận đã gây ra hơn 30 vụ lừa đảo bằng hình thức gọi điện yêu cầu nộp thẻ cào điện thoại.

Giả giọng nói của khắp ba miền

Cách nói chuyện của bọn chúng hết sức linh hoạt, nghe đầu dây bên kia nói giọng vùng nào là chúng lập tức giả giọng vùng đó để đánh lừa đối phương. Khi thấy khách hàng nào đang lưỡng lự, nhóm này sẽ cử tên khác gọi điện giả vờ là tổng giám đốc công ty viễn thông, tổng giám đốc ngân hàng liên lạc để trao thưởng.

Số lượng thẻ cào chiếm đoạt được, chúng bán lại bằng hai hình thức là nhập với giá rẻ hơn mệnh giá cho các điểm bán sim, thẻ có dịch vụ "bắn tiền" cho thuê bao trả trước và bán lẻ cho người dân với mệnh giá rẻ để sử dụng.

Không chỉ riêng các nạn nhân ở Nghệ An, các nạn nhân các tỉnh thành khác như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai... đều bị chúng lừa. Nhóm đối tượng này xác định, đây là một nghề để làm ăn, mỗi ngày chúng có thể lừa được từ 1 - 3 nạn nhân, thu bất chính với số tiền  "kếch xù". Theo khai nhận của các đối tượng trên thì có rất nhiều đối tượng khác cũng đang tham gia lừa đảo với hình thức này nhưng vẫn chưa bị phát hiện.                    

Lợi dụng tâm lý "thích phần thưởng"

Đại úy Nguyễn Đức Kiên - Công an huyện Nam Đàn cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người bị lừa đảo qua điện thoại. Nguyên nhân đầu tiên là thiếu thận trọng, do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của người dân. Thứ hai, nắm được tâm lý của người dân thích nhận phần thưởng nên chúng rất dễ dàng để lợi dụng. Một trong những thủ đoạn đó là tra tìm danh bạ rồi gọi điện đi khắp cả nước để lừa. Người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những thủ đoạn tương tự để tránh rơi vào những cái bẫy mà bọn tội phạm giăng ra".  

Hà Hằng - Kim Thoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.