Phiên tòa xét xử Moong Thị May (SN 1985), trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An về tội Mua bán người chỉ đúng có 4 người tham gia theo dõi, trong đó có 2 người thân của bị hại và 2 người là gia đình bị cáo. Tất cả họ đều là người dân tộc Khơ mú ở miền núi cao phía Tây Nghệ An.
Khi Moong Thị May được dẫn giải vào hội trường TAND tỉnh Nghệ An, nhìn thấy tất cả những người ở phía dưới khiến May không khỏi sững lại bất ngờ, rồi tiếp tục bước đến trước ngồi ở chiếc ghế dành cho bị cáo.
May không ngờ rằng hôm nay người chồng của mình cũng vượt hơn 200km xuống đây, nên tiếp tục quay lại ngước nhìn bằng đôi mắt buồn rười rượi. Cuộc đời May đã qua 2 đời chồng, đến lúc gặp người đàn ông thứ 3 này, những tưởng được hưởng hạnh phúc thì lại sắp phải chịu tội trước pháp luật.
Tại phiên tòa, bị cáo Moong Thị May cho hay không biết đây là hành vi buôn bán người. Ngoài ra, May còn khẳng định khi đưa các nạn nhân đi sang Trung Quốc đều có nói trước là sang để lấy chồng chứ không phải làm việc. Do các nạn nhân đồng ý nên May mới đưa đi.
May kể, trước ở nhà cũng như mọi người trong bản, lấy chồng sinh con rồi làm nương rẫy để sống. Nhưng sau đó, người chồng thường xuyên uống rượu, không chịu làm việc, khi say thì lôi May ra đánh đập. Vì không chịu nổi nên May mới quyết định bỏ chồng, bỏ con sang Trung Quốc làm ăn.
Lúc lấy được người chồng Trung Quốc, gia đình chồng rất chiều chuộng và chăm lo cho May. Vì vậy khi họ bảo về gọi thêm người sang lấy chồng nơi đây nên May mới nghe theo.
May chỉ nghĩ giúp đỡ các chị em lấy chồng Trung Quốc cho sung sướng, lại có tiền gửi về cho gia đình, chứ May không ngờ họ lừa. Đến khi các nạn nhân cho biết cuộc sống làm vợ xứ người rất khổ cực thì May mới ngỡ ngàng.
Trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2014, Moong Thị May đã đưa chị Moong Thị T. (SN 1990), trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn và chị Moong Thị L. (SN 1996), trú tại bản Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn sang Trung Quốc.
Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện May đã bán chị Moong Thị G. và chị Xeo Thị M., đều trú huyện Kỳ Sơn, sang Trung Quốc. Sau đó, chị M. đã có đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra, nhưng đến nay 2 người này không có mặt ở địa phương. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa ghi được lời khai và thu thập thêm được tài liệu chứng cứ.
Mặc dù có nhiều người bị bán, nhưng tại phiên tòa chỉ duy nhất chị Moong Thị L. có mặt với vai trò người bị hại. Chị L. cũng thừa nhận đã nhờ May tìm việc ở Trung Quốc. Khi biết không có việc, chị L. đã đồng ý sang để lấy chồng do cuộc sống ở nhà khổ quá.
Tuy nhiên, quá trình làm dâu Trung Quốc không đúng như lời hứa hẹn của May nên chị L. đã yêu cầu đưa mình trở về nhà, sau đó gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an với mục đích yêu cầu May đền bù tổn thất trong những năm bị lừa.
Đến tháng 9/2013, May trở về đưa cho bố mẹ chị L. số tiền như đã hứa hẹn trước đó thì bị đồn Biên phòng Na Ngoi, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phát hiện rồi bắt giữ, sau đó chuyển cho Công an huyện Kỳ Sơn khởi tố vụ án.
Do lúc này nạn nhân vẫn đang ở Trung Quốc nên cơ quan chức năng vận động May tìm cách đưa chị L. về nước. Trong khoảng thời gian này, Moong Thị May không bị tạm giam mà chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ngồi lặng lẽ chú ý phiên xét xử, anh Moong Văn Minh (SN 1980, chồng bị cáo May) cho biết, sau khi cơ quan công an cấm đi khỏi nơi cư trú thì May ở nhà làm rẫy, từ đó 2 người gặp nhau nên quyết định kết hôn.
“Tôi cũng biết May từng có 2 đời chồng, cũng có con riêng nữa. Nhưng tôi chẳng được khỏe mạnh như trai bản khác, chẳng có tiền đâu, nên đến tuổi này mới lấy được vợ. Sống chung với nhau, tôi thấy May cũng tốt tính, nên tôi quyết định cùng con chờ May ra tù”, anh Minh cho biết. Được biết, vợ chồng May đã có người con 9 tháng tuổi và hiện May đang mang bầu đưa thứ 2 khoảng hơn 2 tháng.
Khi được nói lời cuối cùng trước khi HĐXX vào nghị án, Moong Thị May nói: “May sai rồi, mong tòa giảm nhẹ hình phạt để May ra tù sống với chồng con”.
Phải đến với người chồng thứ 3 này, May mới cảm nhận, hạnh phúc gia đình không được xây đắp bằng tiền mà phải bằng tình cảm vợ chồng. Vì vậy, May khao khát được trở về đoàn tụ với chồng của mình, cùng nhau nuôi dạy con, cùng nhau đi rẫy kiếm sống.
HĐXX cho rằng, bị cáo Moong Thị May trình độ nhận thức hạn chế nên đã thực hiện hành vi trái pháp luật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Vì vậy, sau khi xem xét, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo May 5 năm tù. Về dân sự, chị Moong Thị T. không yêu cầu đền bù, chị Moong Thị L. yêu cầu bị cáo bồi thường 50 triệu đồng, tuy nhiên do việc xin sang Trung Quốc của chị L. là tự nguyện nên không được HĐXX chấp nhận.