Bé trai 5 tháng tuổi (ngụ ở Bình Dương) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu cách đây hơn 1 tuần.
Theo chia sẻ từ gia đình, bé thường xuyên bị táo bón nên bà ngoại đã dùng cây nến dài 10cm, đường kính 5 – 6mm để thông hậu môn cho cháu vì nghĩ sáp trơn trượt giúp cháu dễ đi tiêu hơn. Không may, cây nến kẹt luôn trong hậu môn.
Ê-kíp nội soi tiêu hóa do bác sĩ Võ Hoàng Khoa (khoa Tiêu hóa) phụ trách đã dùng ống nội soi kích thước rất nhỏ mới qua được lỗ hậu môn và thấy cây nến gãy làm đôi nằm bên trong trực tràng.
Do nến trơn trượt, các dụng cụ gắp đều không thể lấy được dị vật. Cuối cùng, kíp nội soi phải tạo một thòng lọng làm từ ống sonde dạ dày loại nhỏ mềm, luồn bên trong một sợi chỉ gấp đôi để đưa vào trực tràng bé cột lấy cây nến. Tuy có nhiều kinh nghiệm, sự khéo léo và quyết tâm nhưng các bác sĩ cũng phải khó khăn lắm mới lấy được cây nến gãy đôi trong trực tràng với dụng cụ là cái thòng lọng tự tạo ngay trong phòng mổ.
Các bác sĩ khuyến cáo người lớn cần cân nhắc kỹ trước khi đưa một vật vào các bộ phận cơ thể như họng, mũi, tai, hậu môn, âm đạo của trẻ. Vật cứng hay sắc nhọn có thể gây tổn thương hoặc chảy máu, vật có thành phần hóa học gây viêm loét, ngộ độc và vật nhỏ có khả năng rớt lọt hẳn vào sâu bên trong cơ thể trẻ.
Nếu xảy ra sự cố, nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Không tự ý lấy dị vật, nhằm tránh gây kẹt sâu hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt không cho các em chơi các vật nguy hiểm, đồ chơi cần phải phù hợp với lứa tuổi để hạn chế tai nạn..
Minh Hoa (t/h)