Trời về đêm, bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) không ồn ào như ban ngày. Đó cũng là lúc những bệnh nhân “ngoại trú” tìm chỗ ngủ, người nào có điều kiện thì thuê trọ, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì mượn tạm gầm cầu thang của bệnh viện làm giường ngủ sau một ngày vạ vật, mệt mỏi.
Việc điều trị kéo dài, thể xác suy kiệt đã đành nhưng tinh thần cũng không được thoải mái vì phải lo nghĩ về tiền bạc. Nhiều bệnh nhân chia sẻ, có lúc họ thấy chán chường và muốn bỏ cuộc vì nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình.
Theo ghi nhận của PV, nhiều bệnh nhân tại “xóm xạ trị” đã mắc ung thư giai đoạn 2- 3, phải xạ trị dài ngày để kéo dài sự sống. Có bệnh nhân phải thuê trọ cả năm ròng rã để xạ trị và theo dõi bệnh. Mỗi người có tiểu sử bệnh khác nhau, thời gian xạ trị dài- ngắn cũng khác. Có bệnh nhân, một tháng xạ trị 15 mũi, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Cuộc chiến chống lại ung thư khiến cho nhiều bệnh nhân trở nên khánh kiệt.
Ông Lê Hồng Quyền (SN 1964, quê ở Hà Nam) kể rằng, ông mắc ung thư thực quản, đang trải qua đợt xạ trị lần thứ 2. “Tôi ở đây gần 4 tháng, có lúc nghĩ không biết Tết có được đoàn viên gia đình. Tôi đã truyền hai đợt hóa chất và giờ chuyển sang xạ. Mỗi lần xạ trị 5 ngày, sau đó bác sĩ lại chỉ định đi kiểm tra lại. Tôi đã xạ trị tất cả 15 mũi. Hàng ngày, bệnh nhân ung thư được chia ca để xạ trị, tôi may mắn vào ca 12h- 2h chiều, ít khi rơi vào ca đêm. Xạ buổi đêm chờ đợi vất vả lắm, có những người chờ đến 2-3 giờ sáng cô ạ”, ông Quyền rầu rĩ nói.
Theo lời kể của ông Quyền, từ ngày ông Quyền mắc bệnh, mặc dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ, nhưng mỗi tháng, ông Quyền đều phải chi thêm vài triệu bạc cho các loại thuốc chưa kể tiền sinh hoạt hàng tháng. Tổng chi phí áng chừng mỗi tháng của ông Quyền khoảng 9 triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ với ông Quyền, nhiều người còn phải “cắm” sổ đỏ, vay nóng để điều trị bệnh nhưng cuộc sống của họ cũng đang chới với, lay lắt từng ngày…
Lan Huệ