Trong câu chuyện mà công ty TNHH Kim Anh (công ty Kim Anh) có trụ sở tại đường Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội) yêu cầu phòng ĐKKD thuộc sở KH&ĐT TP.Hà Nội thu hồi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 5 vì cho rằng có dấu hiệu giả mạo. Phía sở KH&ĐT theo quy định hiện hành đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc xác minh và đi đến kết luận không có cơ sở kết luận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty Kim Anh là giả mạo.
Kết luận của Công an Hà Nội nêu rõ, việc ông Đoàn Văn Vinh (bố ông Quân) nhận ủy quyền của con trai Đoàn Minh Quân nhưng lại không ký tên của mình mà ký tên con trai trong các tài liệu của hồ sơ thay đổi ĐKDN là không đúng quy định.
Vì vậy, việc ông Đoàn Văn Vinh ký tên Đoàn Minh Quân là lỗi sai phạm về hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 267, BLHS.
Nhưng xét thấy việc ký tên thay Đoàn Minh Quân trong các tài liệu của hồ sơ ông Vinh không vì động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân, không làm làm phát sinh tranh chấp phần vốn góp cũng như lợi ích của các bên trong dự án xây dựng khu nhà ở phố Wall (mỗi bên có 50% trong dự án), không làm thiệt hại đến tài sản hoặc xâm phạm đến quyền lợi, lợi ích của các dự án mà công ty Kim Anh có từ trước.
Căn cứ vào những tài liệu của công an, phía Sở đã có 2 quyết định trả lời nội dung đơn của công ty Kim Anh. Quyết định giải quyết lần 1 vào ngày 21/10/2015, lần 2 vào ngày 25/1/2016. Trong đó nêu rõ, không có đủ căn cứ xác định hồ sơ giả mạo và yêu cầu công ty phối hợp với các cơ quan chức năng cùng các cá nhân liên quan khắc phục vi phạm trong hồ sơ. Tuy nhiên phía lãnh đạo công ty Kim Anh đã không thực hiện.
Đáng nói, thời điểm năm 2012 khi ký hợp đồng chuyển nhượng góp vốn, ông Quân đang ở nước ngoài. Ông đã ủy quyền cho ông Vinh (là bố ông Quân) ký thay. Sáu ngày sau khi công ty Kim Anh được cấp đăng ký kinh doanh lần 5, vào ngày 6/11/2012, ông Quân về nước.
Khi này, ông Nguyễn Lương Thế (Giám đốc công ty Kim Anh) đã yêu cầu ông Quân đến ký lại toàn bộ các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn và các tài liệu khác trong hồ sơ đề nghị đăng ký kinh doanh với nội dung hoàn toàn giống nhau để nộp bổ sung thay thế cho sở KH&ĐT. Tuy nhiên bộ hồ sơ này không hiểu vì sao không được ông Thế chuyển cho phía Sở. Từ thời điểm đó đến khi công ty Kim Anh có công văn gửi sở KH&ĐT là gần 3 năm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Quân cho rằng, ông Thế không nộp bổ sung bộ hồ sơ này lên Sở nhằm mục đích viện cớ đẩy thành viên (ông Quân) ra khỏi công ty sau này, hòng chiếm đoạt toàn bộ tài sản mà thành viên sẽ đóng góp vào công ty.
Trong Thông báo 188 của Công an Hà Nội gửi sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cũng thể hiện, thời điểm thiết lập và ký kết các giấy tờ tài liệu của hồ sơ thay đổi ĐKDN lần 5, ông Thế đã biết rõ anh Đoàn Minh Quân (con trai ông Vinh) đang học ở nước ngoài, không thể ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn góp cũng như các tài liệu của hồ sơ.
Tuy nhiên, ông Thế vẫn thuê tư vấn thiết lập hồ sơ, cùng bà Nguyễn Kim Anh ký, đóng dấu công ty vào các tài liệu và đưa cho ông Vinh ký hộ với tên của con trai là Đoàn Minh Quân vào các tài liệu của hồ sơ.
Sau này, khi anh Quân về nước, ông Nguyễn Lương Thế - bà Nguyễn Kim Anh đã cùng anh Đoàn Minh Quân trực tiếp ký, đóng dấu lại 2 bộ hồ sơ có nội dung hoàn toàn giống như bộ hồ sơ ban đầu do ông Vinh ký hộ tên con Quân để mỗi bên giữ 1 bộ.
Điều này cho thấy, giữa công ty Kim Anh và thành viên Quân đã hoàn thành các thủ tục pháp lý từ năm 2012, thế nhưng không hiểu vì lý do gì, công ty Kim Anh không trình bộ hồ sơ chuẩn này cho phía Sở?
Ông Nguyễn Minh Quân cho rằng, sau khi sở KH&ĐT ra Quyết định số 12 về giải quyết khiếu nại lần 2 với công ty Kim Anh về việc giả mạo hồ sơ, nếu phía công ty Kim Anh không đồng ý với cách giải quyết có thể khởi kiện quyết định này theo luật Khiếu nại. Thế nhưng, hết thời gian quy định, giám đốc công ty này lại “ngậm tăm” không hiểu mục đích của vị này là gì?. Điều đó đương nhiên thể hiện, Quyết định 12 của Giám đốc sở KH&ĐT đã có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, một mặt yêu cầu phía sở KH&ĐT hủy ĐKDN lần 5 của công ty Kim Anh, một mặt, giám đốc công ty này ra Thông báo số 19 ngày 18/06/2015: “Yêu cầu anh Quân phải nộp số tiền vào dự án D4 lần 2 là hơn 72 tỷ đồng”.
Theo thông báo của ông Thế, đến ngày 31/07/2015, sau khi chạy vạy, anh Quân đã nộp đủ 50% số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào tài khoản của công ty Kim Anh.
Và thật bất ngờ, công ty Kim Anh vừa nhận được hơn 72 tỷ đồng của anh Quân nộp vào, thì ngay ngày hôm sau, ông Thế lập tức tiếp tục có đơn gửi sở KH&ĐT khiếu nại lần 2 về việc hồ sơ giả mạo, điều này đồng nghĩa với việc từ chối ông Quân là thành viên của công ty Kim Anh?.
Nhiều chuyên gia kinh tế khi được PV tham vấn ý kiến về vụ việc đều cho rằng, nếu như giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần thứ 5 của công ty Kim Anh bị thu hồi theo khiếu nại của ông Nguyễn Lương Thế thì đồng nghĩa với việc hiển nhiên công ty Kim Anh sẽ hoàn toàn do vợ chồng ông Thế quản lý và việc khai thác, hưởng lợi từ dự án của vợ chồng ông Thế sẽ không bị ràng buộc bởi các quyết định của Hội đồng thành viên khi có anh Quân tham gia.
Và những quyền và lợi ích hợp pháp mà ông Quân với vai trò là thành viên công ty sẽ... mất hết. Kể cả số tiền đã đầu tư vào công ty cũng có nguy cơ không lấy lại được.
(Còn nữa)
Xuân Hòa