Lấy ngân sách bù lỗ đường bay mới: Thiếu trách nhiệm với tiền thuế từ người dân

Lấy ngân sách bù lỗ đường bay mới: Thiếu trách nhiệm với tiền thuế từ người dân

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 3, 05/12/2017 06:30

Đề xuất dùng tiền từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đường bay mới của TP.Cần Thơ đang bị dư luận phản đối gay gắt. Câu hỏi trách nhiệm trong công tác sử dụng tiền thuế từ người dân chưa bao giờ hạ nhiệt.

Vừa đề xuất đã nhận phản đối

Ngày 1/12, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ xác nhận cơ quan này đã có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua ''Quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay mới đi và đến cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ''.

Theo đó, chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng đối với các đường bay mới đi và đến cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, không áp dụng đối với các đường bay đã có. Tờ trình nêu rõ, chỉ thực hiện hỗ trợ cho các hãng hàng không khi đường bay mở mới bị lỗ.

Đầu tư - Lấy ngân sách bù lỗ đường bay mới: Thiếu trách nhiệm với tiền thuế từ người dân

Cảng hàng không Cần Thơ đang có đề xuất vô lý.

Các hãng hàng không được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định. Mỗi đường bay bay mới đến cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ chỉ được hỗ trợ một lần và trong năm đầu tiên khai thác đường bay.

Các hãng hàng không chỉ nhận được chính sách hỗ trợ theo quy mô, tần suất bay đã cam kết. Trường hợp không duy trì được quy mô, tần suất bay theo cam kết phải có trách nhiệm bồi hoàn khoản chi phí đã hỗ trợ.

Mức hỗ trợ đối với đường bay nội địa không quá 5 tỷ đồng, đường bay quốc tế không vượt quá 8 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ lấy từ ngân sách Nhà nước.

Theo tờ trình, cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ được Chính phủ đầu tư đồng bộ, hiện đại và khánh thành cả hai giai đoạn vào ngày 1/1/2011. Năng lực phục vụ theo thiết kế từ 3 - 5 triệu lượt khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 5.000 tấn...

Năm 2016, lượng hành khách là 550.090 lượt, hàng hóa - bưu kiện là 3.420 tấn. Dự kiến năm 2017, lượng hành khách là 612.512 người và hàng hóa - bưu kiện là 3.749 tấn, chiếm khoảng 20% công suất thiết kế.

Cũng theo tờ trình, thời gian vừa qua, việc xúc tiến mở các đường bay mới đến cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ được bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tổ chức thường xuyên.

Tuy nhiên, đến nay các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific... chưa thể mở thêm các đường bay mới đến cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ do trong năm đầu khai thác, khả năng lỗ về tài chính là rất lớn.

Theo UBND TP.Cần Thơ, việc mở đường bay trực tiếp đi và đến từ sân bay Quốc tế Cần Thơ đến các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu của người dân Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đề xuất này nhanh chóng nhận được làn sóng phản đối của dư luận. Anh Nam Phong (Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty tại TP.HCM) bày tỏ: “Lý do TP.Cần Thơ đưa ra là đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương và đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả khai thác sân bay Cần Thơ. Điều này thì rất chính đáng.

Nhưng tại sao điều này không được đặt ra trước khi xây sân bay Cần Thơ? Khi ấy, phải tính toán được nhu cầu đi lại, sức hút của địa phương và vùng, tình hình hạ tầng giao thông, giá vé và năng lực làm du lịch của thành phố. Những điều này quyết định nhiều đến công suất thiết kế.

Đằng này, công suất thiết kế đưa ra ở tầm "quốc tế" với mức 3-5 triệu lượt khách/năm, trong khi thực tế thu lại thật khiêm tốn (năm 2017 chỉ 612.512 lượt khách, chỉ đạt 20% so với công suất thiết kế)”.

Đồng quan điểm, chị Thúy Loan (Giám đốc một công ty du lịch tại TP.Cần Thơ) cũng bày tỏ: “Nhiều sân bay dân dụng trong tình trạng đạt năng suất khai thác thấp như sân bay Cần Thơ. Cần Thơ xin được thì các tỉnh - thành khác có sân bay èo uột cũng xin. Vậy tiền đâu cho đủ trong khi nợ công đã cao và năm nay cũng như năm tới, áp lực thu thuế là rất lớn”.

Phi thị trường

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đề xuất của TP.Cần Thơ dường như không theo nguyên tắc thị trường. Các hãng hàng không đều là đơn vị kinh doanh vận hành theo cơ chế thị trường. Họ thấy ăn khách thì mở, không thì thôi.

Chưa biết sau khi bù lỗ hàng tỷ đồng như thế, hiệu quả du lịch hay kinh tế - xã hội có đạt được hay không nhưng số tiền phải tốn là tiền tươi thóc thật. Dùng tiền ngân sách để bù lỗ cho đơn vị kinh doanh vận tải thuần túy vì lợi nhuận là trái quy luật thị trường, trái nguyên tắc cạnh tranh.

Đầu tư - Lấy ngân sách bù lỗ đường bay mới: Thiếu trách nhiệm với tiền thuế từ người dân (Hình 2).

Bù lỗ cho doanh nghiệp bằng ngân sách Nhà nước khiến dư luận bức xúc.

Từ đề xuất của TP.Cần Thơ, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý. Nếu đề xuất đó thành hiện thực, Cần Thơ có bù lỗ cho các hãng hàng không mãi được không? Khi ngưng bù lỗ liệu có việc họ ngưng bay? Bù lỗ đến 8 tỷ đồng/năm, vé máy bay có giảm giá hay không?

Nhìn nhận về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, việc dùng ngân sách bù lỗ, xét về tính cạnh tranh nó có thể làm méo mó thị trường hàng không vốn là thị trường cạnh tranh kinh tế.

Ông Dũng nói: “Nếu Cần Thơ bù lỗ được, địa phương khác cũng làm theo thì sẽ không thích hợp. Trong trường hợp địa phương có địa lý thiên nhiên không thuận lợi, nói cách khác như bị ngăn sông cách núi hoặc bị cô lập quá, bù lỗ cho hãng hàng không mở đường bay để thuận tiện giao thương hàng hóa và du khách di chuyển tiện lợi thì lúc này nó sẽ phù hợp”.

TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông - đô thị nhận định, việc sân bay Cần Thơ khuyến khích mở một số đường bay là điều cần thiết. Nhưng lấy ngân sách hỗ trợ là chưa hợp lý, gây lãng phí. Thay vì bù lỗ thì phục vụ xe buýt miễn phí, đưa đón tận nơi khi khách xuống sân bay sẽ thực tế hơn.

Một tiến sĩ kinh tế đang giảng dạy tại trường đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Trước thực trạng thất thu ngân sách, Chính phủ đã có ý kiến không chấp nhận lấy ngân sách bù lỗ, thế nhưng vẫn có những đơn vị xin ưu đãi cho doanh nghiệp. Việc này là đẩy cái khó cho Chính phủ.

Các dự án của từng doanh nghiệp phải được phân loại theo tiêu chí cụ thể về khả năng thu hồi vốn và đem về lợi nhuận để tính toán hỗ trợ nếu cần chứ không thể cấp ưu đãi hàng loạt như đề xuất của TP.Cần Thơ”.

“Nếu giải quyết cho TP.Cần Thơ mà không có tiêu chí rõ ràng thì 62 tỉnh thành khác cũng sẽ xin ngân sách hỗ trợ cho sân bay, cảng biển,... Vì thế, bộ Kế hoạch & Đầu tư, bộ Tài chính, bộ Công Thương... cần nhanh chóng đưa ra tiêu chí xử lý và đề xuất lộ trình, biện pháp, có thứ tự ưu tiên và giải pháp mới có thể giải quyết được.

Đặc biệt, đã đòi hỗ trợ thì không thể bỏ qua trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của cá nhân khi xảy ra thua lỗ. Khi dự án thua lỗ kéo dài phải truy trách nhiệm cho ai? Nếu truy doanh nghiệp thì sẽ cưỡng chế, buộc phá sản để thế chấp ra sao. Còn nếu truy đến các cán bộ Nhà nước thì làm sao giải quyết tình trạng “hạ cánh an toàn” đã khiến nhân dân mất lòng tin”, vị này nói.

Chờ ý kiến từ bộ Tài chính

Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ cho biết, đơn vị vừa nhận được tờ trình của UBND về việc xem xét, quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.

Tờ trình này sẽ được xem xét tại kỳ họp HĐND vào tháng 12 tới đây. Ông cho biết, đây chỉ là dự thảo, địa phương sẽ còn xin ý kiến của bộ Tài chính về việc dùng ngân sách để "bù lỗ". Nếu bộ Tài chính đồng ý chủ trương thì mới thực hiện, không thì thôi.

Cục Hàng không ủng hộ?

Đại diện cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc UBND TP.Cần Thơ đề xuất dùng ngân sách bù lỗ cho các hãng hàng không mở đường bay mới là bình thường, đang được nhiều tỉnh, thành phố và nhiều nước áp dụng.

Biên Cương - Hà Nhân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.