Mới đây, một video được cho là của bà Phạm Thị Yến, một phật tử chùa Ba Vàng, đã có lời lẽ vô căn cứ về nữ sinh Cao Mỹ D. (xã Hưng Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị sát hại khi đi giao gà vào chiều 30 Tết, gây xôn xao dư luận.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, gia đình nữ sinh D. đã bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc đồng thời yêu cầu bà Yến phải công khai xin lỗi.
Nhận định về sự việc trên, luật sư Lê Văn Thiệp, văn phòng luật sư Toàn Cầu, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: “Việc sử dụng tên hoặc một vụ án hình sự man rợ để làm ví dụ nhằm mục đích trục lợi là một hành vi tàn ác, nguy hiểm cho xã hội và vi phạm pháp luật. Việc này cũng trái giáo lý của Đạo Phật, gây hoang mang, bất ổn cho xã hội”.
Vị luật sư cho rằng, tội Hành nghề mê tín dị đoan không phải là tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Tội danh này được phát hiện, khởi tố nhằm bảo vệ trật tự xã hội, giữ gìn niềm tin tôn giáo của nhân dân. Do đó, khi truyền bá mê tín làm ảnh hưởng đến trật tự, cơ quan chức năng cần khởi tố, ngăn chặn để xử lý nghiêm.
Luật sư Thiệp nhấn mạnh: “Hành vi của người phụ nữ trong clip đã có dấu hiệu cấu thành tội Hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý".
Ngoài ra, theo vị luật sư, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan nhằm chiếm đoạt tài sản tại chùa Ba Vàng. Từ đó, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để ngăn chặn tình trạng buôn thần bán thánh, lợi dụng tâm linh và niềm tin tôn giáo để chiếm đoạt tài sản, trục lợi, thương mại hóa tâm linh, chùa chiền.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, luật sư Trương Thanh Đức, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Phật giáo luôn đề cao từ bi, đức độ, ngay cả với những người đã phạm tội cũng luôn nhìn theo hướng bao dung nhất. Bởi vậy, trường hợp một phật tử dùng những lời lẽ như vậy, lại lấy câu chuyện của người đã mất ra làm ví dụ là điều thật sự không thể chấp nhận.
"Gia đình của cô nữ sinh chắc chắn sẽ rất bức xúc vì những lời lẽ như vậy. Theo quy định của pháp luật, hành vi lợi dụng mê tín dị đoan gây hoang mang dư luận như vậy chắc chắn sẽ bị xử lý hành chính. Ngoài ra, hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, tuỳ theo mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", vị luật sư thông tin.
Về xử phạt Vi phạm hành chính:
Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Điều 320 Bộ luật Hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan:
Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
- a) Làm chết người;
- b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên;
- c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Đặng Thuỷ - Thu Huyền