'Lấy phiếu chính là thước đo trách nhiệm cá nhân'

'Lấy phiếu chính là thước đo trách nhiệm cá nhân'

Thứ 3, 28/05/2013 08:36

Trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII, 49 chức danh chủ chốt do QH bầu, phê chuẩn sẽ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm.

Đây là lần đầu tiên các ĐBQH thực hiện quyền "chấm điểm" các chức danh theo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh QH, HĐND bầu và phê chuẩn. Điều này, cũng là sự nhắc nhở các chức danh chủ chốt nỗ lực hơn nữa, đồng thời cũng trao trọng trách nặng nề, sự sáng suốt bày tỏ ý kiến chủ quan của các ĐBQH với các việc làm được, chưa làm được của những cán bộ trong diện lấy phiếu tín nhiệm.

Xung quanh vấn đề này PV báo điện tử Người đưa tin có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phó trưởng đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng.

"Chấm điểm" các chức danh qua nhiều kênh thông tin

Tới đây, lần đầu tiên QH sẽ chính thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, quan điểm của ông về chủ trương này như thế nào?

Phải nói rằng kỳ họp thứ 5 này có nhiều vấn đề quan trọng: Thứ nhất là sửa đổi Hiến pháp, hiện nay ban soạn thảo đã tiếp thu và báo cáo QH. Vấn đề thứ hai là sửa đổi luật Đất đai, còn nhiều vấn đề rất quan tâm.

Xã hội - 'Lấy phiếu chính là thước đo trách nhiệm cá nhân'

Trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII, 49 chức danh chủ chốt do QH bầu, phê chuẩn sẽ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm.

Trong kỳ họp này, lần đầu tiên QH tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh QH bầu và phê chuẩn. Điều này đã được quy định trong nghị quyết của QH. Phải nói là cử tri cả nước đang rất quan tâm về vấn đề này, nó thể hiện sự dân chủ trong các hoạt động nghị trường của chúng ta.

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người có chức vụ trong bộ máy Nhà nước do QH bầu là một bước tiến mới, một thành tựu mới trong khi chúng ta thực hiện dân chủ. Để lá phiếu của mình chính xác trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bản thân tôi phải nghiên cứu thật kỹ phải nắm bắt thông tin từ công việc của các chức danh đã thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Cùng với đó, các ĐBQH cũng phải tham khảo đánh giá của các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí trước khi bỏ phiếu.

Để có thông tin về các chức danh chủ chốt, ĐBQH cần dựa vào những nguồn thông tin nào, thưa ông?

Lấy phiếu chính là thước đo trách nhiệm cá nhân, nhưng không chỉ là thước đo đối với 49 vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, mà chính là thước đo trách nhiệm cá nhân các vị ĐBQH. Hiện nay các ĐBQH đã ở trong các tư thế để bỏ phiếu công tâm và khách quan. Muốn làm được việc này, phải tìm hiểu qua các kênh. Tuy nhiên, phải làm sao để càng chính xác được càng tốt.

ĐBQH được nhận các báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, để nghiên cứu, hiểu về người mình sẽ lấy phiếu. Bản thân chúng tôi cũng phải tìm hiểu các kênh khác, xem xét công việc cụ thể của các chức danh đó, việc phân công thực hiện trong thời gian qua như thế nào. Báo chí và các cơ quan thông tấn người ta nhận xét về các hoạt động của các chức danh lấy phiếu tín nhiệm ra sao. Ngoài ra cũng phải xem dư luận của cơ quan, những người gần gũi, công tác với các chức danh đó. Nếu có điều kiện, phải xem nhận xét của nơi cư trú của các chức danh sống và gia đình họ như thế nào.

Theo tôi đánh giá trước hết tiêu chuẩn là phải hoàn thành nhiệm vụ; thứ hai là cách sống, cư xử. Hai cái đó phải hài hòa thì mới được tín nhiệm.

Nếu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm thì chỉ khoanh vùng những chức danh "có vấn đề" nhưng tới đây, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt. Theo ông, liệu điều này có tạo áp lực với các chức danh này hay không?

Theo chương trình dự kiến tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII, QH sẽ dành thời gian nghe báo cáo tổng hợp tại các đoàn sau buổi thảo luận lấy phiếu tín nhiệm. Ngay sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu theo các nhóm lãnh đạo thuộc các khối cơ quan: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội; Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC...

Việc lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh là phù hợp, bởi hiện nay có đến hơn 300 chức danh nên rất khó lấy phiếu tất cả. Chính vì thế chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt là hợp lý chứ không phải gây áp lực cho cá nhân ai.

Sở dĩ lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả các chức danh chủ chốt để tăng cường cơ chế giám sát chống tham nhũng, lãng phí. Ưu điểm của việc lấy phiếu tín nhiệm, khách quan mà nói đó là lời cảnh tỉnh cho các chức danh, quan chức. Chúng ta phải làm thường xuyên để đánh giá, qua đó nâng cao trách nhiệm của từng người để nhắc nhở họ làm việc tốt hơn nữa.

Xã hội - 'Lấy phiếu chính là thước đo trách nhiệm cá nhân' (Hình 2).

Đại biểu Quốc hội chất vấn trước khi bầu phiếu tín nhiệm

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Để tránh hình thức, theo ông cần phải bổ sung những yếu tố gì ngoài các trình tự cơ bản như quy định?

Theo tôi, đây là lần đầu tiên nên chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thí dụ về báo cáo tình hình, nhiệm vụ chức năng phải theo trình tự. Phải có cơ quan khác nhận xét... Đấy là các tiêu chí bắt buộc, tuy nhiên mình cũng chưa quy định một cách cụ thể. Có lẽ, qua những cuộc này sẽ có những tiếp thu và cần phải có thêm những quy định, trình tự cụ thể và các cơ quan giám sát như thế nào.

Nhiều ý kiến cho rằng nên lấy phiếu ở thời điểm gần kết thúc phiên họp sẽ chuẩn mực và chính xác hơn. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Vấn đề này còn do các chương trình của kỳ họp. Nếu như vậy là một cách rất tốt để xem giải trình, công việc của anh sau khi chất vấn và thực hiện lời hứa như thế nào. Qua đó, QH cũng dành thời gian thoả đáng cho những chức danh, người được lấy phiếu tín nhiệm có cơ hội giãi bày những khó khăn trong quá trình làm việc cũng như làm rõ những vấn đề mà dư luận nêu lên. Vấn đề đúng thì tiếp thu, vấn đề không đúng thì được minh oan. Đó là sự công bằng. Việc này là rất cần thiết. Do phải nên kéo dài thời gian chất vấn và trả lời chất vấn để làm sáng tỏ vấn đề. Chính vì vậy việc lấy phiếu ở thời điểm gần kết thúc sẽ chuẩn mực hơn. Tất nhiên tất cả các công đoạn phải được công khai.

Hiện nay cử tri rất hy vọng vào ĐBQH, tuy nhiên liệu rằng có sự ưu ái đối với một chức danh nào đó trong quá trình lấy phiếu không, thưa ông?

Đối với sự ưu ái trong quá trình bỏ phiếu hay không thì tôi không dám khẳng định chắc chắn, vì tình cảm của mỗi con người khác nhau và các lĩnh vực công tác cũng khác nhau nên nhận định của mỗi con người cũng khác nhau.

Với người khác thì tôi không biết, nhưng đối với tôi, là ĐBQH chuyên trách, sẽ không có sự ưu ái gì đây là một việc rất lớn và đòi hỏi phải rất thận trọng và công tâm trong bỏ phiếu để đánh giá một cách đúng mực. Chỉ có như vậy mới có thể thúc đẩy được những người nào còn tồn tại thiếu sót để tiếp tục phấn đấu. Còn đối với người nào có phiếu tín nhiệm cao đây là một vinh dự và trách nhiệm cần phải tiếp tục phấn đấu cao hơn nữa.

Liệu có chuyện các chức danh vận động hành lang các ĐBQH để được tín nhiệm cao không, thưa ông?

Không có chuyện ấy. Đến bây giờ chúng tôi không nhận được sự vận động của bất cứ chức danh nào. ĐBQH sẽ bỏ phiếu công tâm, sáng suốt.

Câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã làm nóng dư luận suốt thời gian qua. Là một đại biểu được trao quyền bỏ lá phiếu "phán quyết" của mình, ông kỳ vọng gì?

Lấy phiếu tín nhiệm sẽ có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt và  gương mẫu.

Xuất phát từ trách nhiệm của mình với cử tri, nhân dân cả nước, chúng tôi sẽ có thái độ khách quan, công tâm để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức.

Tôi cũng như các ĐBQH khác đã sẵn sàng, chuyên tâm và sáng suốt trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt. Bỏ phiếu sẽ có kết quả và mong đợi của cử tri.                   

Kiến nghị việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa hoàn tất báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri cả nước thông qua 1.724 ý kiến gửi tới QH, trong đó đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế. Báo cáo này sẽ được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình tại phiên khai mạc kỳ họp QH sáng 20/5.

Với nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp này, cử tri hoan nghênh, đồng thời kiến nghị các ĐBQH nêu cao ý thức trách nhiệm để việc lấy phiếu được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời kiến nghị QH cần tăng cường công tác giám sát; yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của QH, Ủy ban TVQH.

Minh Khánh - Cao Tuân (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.