Liên quan tới việc Ban Giám hiệu trường THCS Duy Ninh, tỉnh Quảng Bình yêu cầu 23 học sinh lớp 6.2, những em liên quan đến việc tát học sinh H.L.N., phải "viết lời khai" bằng một chuỗi 19 câu hỏi, được ghi trên giấy A4, cuối phiếu điều tra, nhà trường yêu cầu các học sinh ghi rõ "đây là lời khai”, việc làm này từ phía BGH nhà trường đã nhận được khá nhiều ý kiến phản đối từ dư luận.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng: Thời gian vừa qua, riêng trong ngành giáo dục đã xảy ra khá nhiều sự cố đáng tiếc. Chính bởi không có kiến thức, kỹ năng trong việc xử lý, giải quyết các sự cố nên nhiều trường hợp, bản thân các thầy cô, những người công tác trong ngành giáo dục, “càng sửa lại càng sai”. Khi chính bản thân những người làm công tác giáo dục không biết cách xử lý, giải quyết sao cho đúng pháp luật, không vi phạm đạo đức đã dẫn tới sự “khủng hoảng” trong việc xử lý sự cố giáo dục.
Qua sự việc này, luật sư Trần Văn An cũng muốn nói tới vấn đề khủng hoảng đạo đức. Hay nói cách khác, bản thân người quản lý giáo dục (cô giáo Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh) và người giáo viên trong trường hợp này không phân biệt được đâu là đạo đức của ngành giáo dục, đâu là việc làm đúng, đâu là việc làm sai nên tự ý làm theo ý của mình.
Theo quan điểm của luật sư An, việc buộc học sinh trả lời 19 câu hỏi theo mẫu của BGH nhà trường là vi phạm pháp luật, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, vụ việc này cơ quan điều tra đang làm, nhà trường chỉ là đơn vị phối hợp với cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật cũng như theo quy định của ngành giáo dục.
Thứ hai, việc buộc học sinh trong lứa tuổi này phải trả lời các câu hỏi như “biên bản hỏi cung” sẽ dẫn tới sự khủng hoảng về tâm lý cho các cháu. “Trong việc này cũng cần phải làm rõ động cơ, mục đích của việc bắt các em học sinh trả lời những câu hỏi đó để làm gì”, luật sư An cho biết.
Tiếp nữa, luật sư An khẳng định, nhà trường không có chức năng “lấy lời khai”. Cách thức đặt câu hỏi dưới góc độ nào đó cũng sẽ xâm phạm tới đời tư của các cháu cũng như gây khủng hoảng cho các cháu. Điều quan trọng nữa là việc lấy ý kiến của các cháu học sinh, phía nhà trường đã không phối hợp với gia đình các cháu, trong khi tất cả những việc này bắt buộc phải có người giám hộ.
Qua sự việc này, luật sư Trần Văn An kiến nghị, cần thiết phải xây dựng Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của giáo viên và buộc giáo viên phải học đạo đức nghề nghiệp, học xử lý kỹ năng mềm.
“Giáo viên phải được trang bị những kỹ năng mềm giải quyết những sự cố để tự họ bảo vệ họ và bảo vệ học sinh. Chỉ khi giáo viên được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng mềm thì sẽ không bị hoang mang, mất bình tĩnh khi xử lý sự cố, từ đó xảy ra việc giáo viên vi phạm pháp luật”, luật sư An nói.
Cùng về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty Nghiêm Quang nói: “Tôi đồng ý với quan điểm chỉ đạo của bộ GD&ĐT khi cho rằng, việc cô giáo áp dụng hình phạt cho cả lớp tát học sinh nói bậy, không ngoan là phản khoa học, vi phạm đạo đức, gây bức xúc xã hội. Nhưng việc cô Hiệu trưởng phát phiếu điều tra chứng tỏ Hiệu trưởng thiếu năng lực quản lý, thiếu kinh nghiệm và phản giáo dục. Hiện bộ GD&ĐT đã yêu cầu sở GD&ĐT Quảng Bình chỉ đạo xử lý nghiêm và báo cáo bộ GD&ĐT”.
Theo luật sư Vinh, Ban giám hiệu nhà trường đã biết việc cô giáo tát học sinh, cô giáo này cũng đã nhận khuyết điểm và cơ quan CSĐT đã khởi tố. Tuy nhiên, BGH nhà trường lại tiến hành “lấy lời khai”, việc làm này của nhà trường đã vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo. “Biện pháp này đã làm các em học sinh hiểu sai vấn đề, hành động đó trong giáo dục không thể chấp nhận được”, luật sư Vinh nói.
Clip: Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nói việc Hiệu trưởng lấy phiếu điều tra học sinh là phản giáo dục: