Đây là chủ trương mới, đúng đắn của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ, kỳ vọng và tin tưởng rằng cách làm sáng tạo này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng ngang tầm nhiệm vụ.
Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu tiền đề xuyên suốt các khâu còn lại của nhiệm vụ then chốt này; “sai một ly đi một dặm”. Có đánh giá đúng mới biết được triển vọng của cán bộ để xây dựng quy hoạch; mới biết rõ điểm mạnh, yếu mà có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, rèn luyện, thử thách; mới biết cụ thể năng lực, sở trường để bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng như vậy, nhưng lâu nay vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Qua việc xử lý kỷ luật một số cán bộ thời gian qua đã nói lên điều đó, có trường hợp được phong tặng danh hiệu Anh hùng, hoặc được xã hội tôn vinh, nhưng đã bị phát hiện có nhiều vi phạm nghiêm trọng, bị kết án tù; có trường hợp được coi là cán bộ trẻ, nhiều triển vọng nhưng chỉ hai năm sau bộc lộ hàng loạt yếu kém, làm việc tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, buộc phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc. Việc đánh giá cán bộ cực kỳ quan trọng, đánh giá sai sẽ dẫn đến quy hoạch, bố trí, sử dụng sai, thật hại cho tổ chức.
Việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những biện pháp đổi mới, nhằm đánh giá cán bộ thông qua nhiều góc nhìn, đã được đặt ra từ nhiệm kỳ trước và Hội nghị T.Ư 10, khóa XI đã tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Có thể nói, việc làm này là một bước tiến rõ rệt trong đổi mới công tác cán bộ, thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị và nêu cao trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng. Thông qua kết quả lấy phiếu, người được lấy phiếu tín nhiệm tự nhìn lại mình một cách toàn diện hơn; biết điểm nào còn hạn chế để cố gắng khắc phục, mặt nào mạnh thì phát huy, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống để hoàn thiện mình hơn. Đối với những người tín nhiệm thấp coi đây là sự cảnh tỉnh, răn đe, nghiêm khắc với chính bản thân mình mà cố gắng hơn nữa trên các mặt công tác. Vì thế, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo động lực thôi thúc cán bộ tự soi, tự sửa, ngăn ngừa, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Mặt khác, kết quả phiếu tín nhiệm là thước đo, là một kênh thông tin tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ tốt hơn; hoàn toàn không phải để truy xét trách nhiệm, hay thay thế cán bộ. Đương nhiên, những trường hợp có hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn và có thể sắp xếp bố trí công việc khác phù hợp; những người có hai phần ba số phiếu tín nhiệm thấp trở lên sẽ kịp thời xem xét, nếu thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc thôi giữ chức, bố trí công tác khác, không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Đánh giá cán bộ là một việc rất tinh tế và vô cùng nhạy cảm; là việc khó, nhất là với các nội dung không dễ gì định lượng, như lập trường quan điểm chính trị, động cơ, tính trung thực,... Đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước lại càng hệ trọng, vì liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng. Bởi thế công việc này được Trung ương chỉ đạo tiến hành khá kỹ lưỡng, công phu, khoa học và bài bản. Đây cũng là trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương trước Đảng, trước dân, rất cần sự công tâm khách quan, thể hiện rõ trách nhiệm nêu gương, giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; đặc biệt là chống chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm, để làm cho việc lấy phiếu tín nhiệm thật sự khách quan, có ý nghĩa thiết thực.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ lưỡng Quy định, tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể hiện thật chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần làm cho việc lấy phiếu thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá.
Theo Quy định 262, ngày 8-10- 2014 của Bộ Chính trị, việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này công bố ngay tại Hội nghị, bởi đây là công việc nội bộ của Đảng với mục tiêu là thăm dò tín nhiệm, đánh giá chính xác, khách quan hơn đối với cán bộ và phục vụ cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng,… Điều ấy được thể hiện ngay trong chương trình, nội dung của Hội nghị lần này. Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, Hội nghị đã làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; nghiên cứu các báo cáo, tài liệu liên quan việc lấy phiếu, đó là những cơ sở để có thêm thông tin cho việc lấy phiếu tín nhiệm.
Hai nhiệm kỳ khóa XI và khóa XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mang lại nhiều kết quả tích cực, do sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, kiên trì của toàn Đảng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Và việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần này được thực hiện đúng tinh thần mà Đảng đã làm, vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là công bộc của dân.
Theo báo Nhân Dân