Khoảng một tuần nay, người dân làng La Hà (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) bỗng đổ xô về cánh đồng cồn Bông, thuộc làng La Hà để xì xụp khấn vái hai con rắn nước trên một ngôi mộ đá vô danh.
Người ta thắp hương cầu khấn, thoa vào đầu, lưng rắn để xin phước lành, thậm chí còn đặt hòm công đức, dâng cúng với số tiền hàng trăm triệu đồng để xây cho "bà ăn mày" một cái đền thờ. Vụ việc hiện đang được chính quyền địa phương sâu sát quản lý, nhà khoa học lên tiếng trấn an dư luận rằng đó chỉ là hai con rắn nước bình thường, việc nó xuất hiện trên ngôi mộ chỉ là ngẫu nhiên.
Hôm 16/2/2018 vừa qua, tại đoạn kênh rộng chừng 3m ở gần cầu Lim, xóm Hòa Thành (xã Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An), một người dân địa phương sau khi thắp hương tại nhà thờ tổ, trên đường trở về ngang qua bờ kênh thì nhìn thấy một con cá cứ nổi lên rồi lặn xuống một chỗ.
Thấy lạ, người này bèn gọi thêm một số người khác đến xem, những ngày sau đó người dân tụ tập chật kín hai bên bờ kênh để vái lạy con cá được cho là cá thần chỉ vì nó lúc nổi lúc chìm, chích điện không bắt được.
Sự việc chỉ kết thúc khi một người dân là ông Nguyễn Bá Dược (50 tuổi, xã Hiến Sơn) quăng lưới bắt con cá “lạ” nói trên vào ngày 21/2. Đó là cá chép, nặng 3,2kg. Theo ông Dược, con cá này bị chích điện bị thương và có thể vì bị thương nên mất phương hướng, cứ nổi lên lặn xuống để thở “chứ không có thần thánh gì cả”. Kết quả, sau khi để người dân hiếu kỳ đến chứng kiến con cá bị bắt, ông Dược đã đem chú cá đi om dưa, chấm dứt những đồn đoán vô căn cứ về con “cá thần” này.
Từ hai vụ việc phong thần cho cá chép, rắn nước diễn ra gần đây, nếu lần giở trong quá khứ, chúng ta thấy đã từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự.
Điển hình nhất là vụ việc "thần rùa" cách đây vài năm. Một người dân ở Vĩnh Phúc bắt được một con rùa tai đỏ có thân mình thắt ở giữa như đồng hồ cát, thấy hình dáng lạ của rùa nên nhiều người cho là rùa thần và ra sức khấn vái cầu khẩn.
Sau đó người dân này làm thịt rùa để ăn, ăn xong bỗng ngứa ngáy khắp cơ thể, bèn ra bờ ao nơi bắt rùa để thắp hương tạ lỗi thì phát hiện đàn cá chết nổi trắng mặt ao. Người này sợ hãi, ngất xỉu, cho rằng bị “thần rùa” báo oán. Sự thật sau đó đã được giải mã, bác sĩ kết luận người nông dân này bị ngứa ngáy do dị ứng thịt rùa còn cá chết là do trong lúc mải bắt rùa, ông đã sơ ý để nước thải tràn xuống ao làm cá bị ô nhiễm chết hàng loạt.
Đa số các câu chuyện đồn thổi về cá thần, rắn thần, rùa thần sau đó đều đã được chính quyền và các nhà khoa học lên tiếng phản bác.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên đại học Huế, cho rằng tín ngưỡng thờ cúng các linh vật là một tín ngưỡng dân gian của người Việt xuất hiện từ thời nguyên thủy và đến nay vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân.
“Do nhận thức hạn chế, không giải thích được nhiều hiện tượng tự nhiên nên con người thời đó thường thờ thần cây, thần rắn, thần lửa… để mong được che chở về mặt tinh thần” – TS. Thái nói.
Nhìn về nguồn gốc sâu xa, người Việt vốn duy trì nếp nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “có bệnh thì vái tứ phương”, do đó không khó lý giải hiện tượng thần thánh hóa các con vật như trên.
Một nguyên nhân nữa là do người Việt đa phần theo Phật giáo, chịu ảnh hưởng phần nào của văn hóa và tôn giáo Ấn Độ, nơi coi rắn là một vị thần (thần Naga). Trong văn học Việt Nam cũng lưu truyền nhiều giai thoại về rắn báo oán khiến ảnh hưởng đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Còn rùa và cá cũng là hai con vật gợi nhớ đến hình tượng cụ rùa Hồ Gươm, Hà Nội và suối cá thần ở Thanh Hóa, do đó cũng dễ bị “phong thần” bởi một bộ phận người dân.
Nhìn ra thế giới thì thấy những chuyện tương tự không phải là không có. Thậm chí cách đây ít năm còn xảy ra một câu chuyện hi hữu, cười ra nước mắt. Tờ báo Telegraph (Anh) hồi tháng 5/2016 còn đưa tin: Một con búp bê tình dục trôi dạt vào một bờ biển hoang vắng ở làng Kalupapi (đảo Sulawesi, Indonesia), được một ngư dân phát hiện mang về. Sau đó dân làng tại đây đã may quần áo cho con búp bê, đặt tại một nơi trang trọng rồi xì xụp vái lạy vì tưởng là tiên nữ giáng trần.
Mới hay, tất cả những đồn thổi, thần thánh hóa con vật, đồ vật một cách thiếu căn cứ, bên cạnh lý do phóng đại các yếu tố văn hóa tâm linh còn là lý do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của con người.
Xem thêm>>> Còn cá thần, rắn thánh: Đừng mơ cách mạng 4.0!