Kính gửi các anh chị tham gia cướp tang vật trong sự kiện xảy ra ngày 21/10,
Bỗng dưng "được" xuất hiện trong một clip được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, không rõ các anh chị đã "quen với điều đó" chưa? Hay vẫn đang phải ngồi trên đống lửa vì cư dân mạng lúc này đang tổ chức game show tìm kiếm "gương mặt thân quen" trên diện rộng nhằm nhận diện danh tính từng người một?
Nếu thời gian có quay trở lại, tôi nghĩ rằng anh chị sẽ không do dự mà giơ cao thiết bị quay phim chất lượng HD ghi lại toàn bộ cảnh cắt nát tang vật rồi đăng lên trang cá nhân kèm theo những lời lẽ hết sức đanh thép nhằm bảo vệ cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Và có được cho thêm tiền các anh chị cũng không dám lao vào "nhặt nhạnh" dăm ba chiếc túi nằm trong danh sách bị tiêu hủy ngay tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thêm một lần nào nữa.
Dù con số 2.349 sản phẩm thu được từ một vụ vi phạm sở hữu công nghiệp lớn, gồm 726 túi xách, 1057 ví da, 39 dây thắt lưng, sáu đồng hồ đeo tay... quá đủ để làm hài lòng và thỏa mãn "cơn nghiện" của bất cứ tín đồ mua sắm nào.
Được biết, Thanh tra Bộ KH&CN đã mời một số báo tới dự đưa tin, quay phim chụp ảnh để tuyên truyền cho hoạt động này. Thế mà người ta vừa công bố lý do xong, các anh chị đã tái hiện cảnh tranh cướp đồ hạ giá kinh điển ở Mỹ ngày "Thứ sáu đen tối" rồi.
Không vì đói khát, nghèo hèn, cũng không còn ở độ tuổi... dậy thì, sao anh chị lại hành động nông nổi, bồng bột; vội vàng "hôi của" mà quên rằng mình là người của báo chí, là cán bộ của Bộ KH&CN đang theo dõi buổi tiêu hủy chứ?
Huống hồ, đấy là những sản phẩm giả mạo, không xác định được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng. Chẳng cần chăm chỉ đọc báo, cập nhất tin tức cũng có thể hình dung ra các sản phẩm như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của người dùng.
Nói dại, nếu chiếc túi, chiếc ví rực rỡ sắc màu mà anh chị đem về chứa chất gây ung thư thì sự hi sinh danh dự trước đó vừa vô nghĩa vừa ngớ ngẩn.
Hãy thông cảm cho cơn giận của cộng đồng mạng - những người luôn đặt kỳ vọng cao hơn vào văn hoá ứng xử của đội ngũ trí thức trong xã hội.
Song, trước khi ráo riết tìm kiếm các gương mặt bị ghi hình, trước khi lên án họ hành động như thời ăn lông ở lỗ, mỗi người trong số chúng ta hãy tự hỏi mình: Nếu ở trong hoàn cảnh đó, liệu ta có đứng lên ngăn cản họ hay không? Nếu được trao cơ hội "cướp ngày" như họ, chúng ta sẽ kiên quyết từ chối hay lại hào hứng nhập cuộc sau khi chắc chắn xung quanh không xuất hiện ống kính camera nào?
Xin đừng quên rằng chính thái độ thờ ơ, thoả hiệp mới là nguồn sống của cái xấu, của những điều bất công, sai trái xưa nay!
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả