Sau mỗi kỳ thi, thí sinh sẽ đón nhận một trong hai kết quả: Đậu hoặc trượt. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng và nhiều khi nó thay đổi hẳn tương lai, số phận của mỗi con người, tùy thuộc và cách suy nghĩ và mức độ quan trọng của kỳ thi đó.
Nhiều bạn trẻ chọn học nghề là hướng đi sau khi trượt ĐH. (Ảnh TTX)
Bởi thực tế, đa số học sinh vẫn đam mê thi và học ĐH, trong khi nhu cầu của thị trường lao động lại mở rộng với đối tượng công nhân lành nghề. Những ngành nghề có vẻ "kêu" như: Thiết kế thời trang, trang trí nội thất, thư ký văn phòng… được nhiều em đăng ký dự thi, mặc dù không có nhiều khả năng hoặc ý thức cụ thể gì về ngành nghề.
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là mỗi cá nhân cần tự nhận thức rõ về năng lực của mình. Nếu thực sự không đủ khả năng học tập thì việc theo học ĐH suốt mấy năm có khi lại là một sức ép nặng nề và dai dẳng hơn những gì phải đối mặt khi thi trượt. Chưa kể gánh nặng kinh tế mà gia đình phải chịu đựng trong khi kết quả học tập yếu kém chẳng hứa hẹn gì sự đền đáp xứng đáng với tiền của và công lao của gia đình đã dành cho mình.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia chia sẻ: Mỗi kỳ thi, chúng ta lại chứng kiến và cảm nhận những tình cảm sâu nặng của các gia đình với việc học con em mình. Mong muốn con học cao hơn là hoàn toàn chính đáng. Có điều xã hội chỉ chú trọng con đường vào ĐH mà chưa chú trọng những hướng đi khác. Hằng năm, có đến 1,3 - 1,4 triệu người có nguyện vọng học ĐH, CĐ nhưng chỉ tiêu tuyển sinh, cụ thể năm 2012 chỉ khoảng 580.000. Chỗ học chắc chắn sẽ thiếu so với nhu cầu, nên việc phân luồng người học vào các bậc học khác là điều cần thiết.
TS Nghĩa cũng cho biết thêm, ngoài hệ ĐH, còn nhiều hệ đào tạo khác như CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp cũng lớn, hiện nhiều trường không tuyển đủ học sinh. Nếu người học chấp nhận học trung cấp, các trường trung cấp gần như đủ chỗ đón những người không trúng tuyển ĐH, CĐ. Cũng có thể đi làm sau một khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, có không ít vị trí tuyển dụng không cần bằng ĐH, CĐ; có nhiều người thành đạt giàu có trong xã hội cũng không cần bằng ĐH.
Bà Phạm Thị Hoa, trưởng phòng đào tạo trường Trung cấp nghề Việt - Úc (Hà Nội) cho biết: "Hiện nay, các ngành nghề như điện tử, máy tính thu hút rất nhiều học viên. Nhà trường mới mở chương trình đào tạo ba ngành nghề: Nhôm kính; điện tử, máy tính và tổng đài. Cả ba ngành nghề này đều hoàn toàn giảm 100% học phí vì có vốn đầu tư của nước Cộng hòa Séc. Năm nay, mỗi ngành sẽ tăng được vài trăm học viên đăng ký".
Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Cao Văn Sâm, phó tổng cục trưởng Cục dạy nghề chia sẻ: Một số ngành nghề như: Kỹ thuật điện, điện tử, sửa chữa xe gắn máy, ôtô được xem là nghề không bao giờ cũ và luôn cần thiết cho đời sống. Học nghề này, học viên sẽ được trang bị các kiến thức từ tháo lắp chi tiết máy, sửa chữa từng phụ tùng đến điện, đèn còi...
PGS.TS Sâm cho biết: Hiện nay, tại hầu hết các trung tâm đào tạo, học viên sẽ được thực tập trên các loại xe của những hãng nổi tiếng. Đây là ngành mà học viên sau khi tốt nghiệp đều có thể tự giải quyết việc làm thông qua các tiệm sửa xe, trung tâm bảo hành, xưởng sửa chữa hoặc mở tiệm riêng. Những ngành nghề này, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lao động ngày càng cao, không chỉ cho các cơ sở sản xuất trong nước mà còn cho công tác xuất khẩu lao động.
"Hiện có rất nhiều ngành nghề để thí sinh có thể lựa chọn như công nghệ thông tin, sửa chữa điện thoại di động, nghề cơ khí, cài đặt, bảo trì máy vi tính... Các ngành nghề này gắn liền với cuộc sống nên nhu cầu nhân lực kèm theo cũng ngày một lớn. Thay vì thí sinh ôm giấc mơ vào ĐH thì hãy nên chọn cho mình một hướng đi để phù hợp với cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều. Và chắc chắn chọn học một nghề hợp lý là một giải pháp thiết thực và hữu ích", PGS Sâm cho biết thêm.
Tuân Cao