Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên từ đầu năm, các địa phương đều phải huỷ hoặc hoãn các lễ hội, tránh việc tập trung đông người.
Không còn cảnh hàng triệu du khách từ khắp miền tổ quốc kéo về như mọi năm, chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm 2020 có nhiều thay đổi cho phù với tình hình dịch hiện tại.
Cụ thể, thành phần tham gia Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Tổ mẫu Âu Cơ được rút gọn theo đúng quy định. Các đại biểu đều thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Sáng 29/3 (tức mùng 6/3 âm lịch), thay mặt đồng bào cả nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã thành kính tổ chức Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Tham dự buổi lễ có đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Phú Thọ.
Tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, trong không khí thành kính, trang nghiêm, thay mặt đồng bào, nhân dân cả nước lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ và tri ân công lao Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã khởi dựng cơ đồ và đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam.
Các thế hệ con cháu Lạc Hồng hôm nay nguyện tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, không ngừng rèn luyện, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông.
Tiếp đó tại đền tại Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, trên núi Vặn, thuộc khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, đoàn đã thành kính dâng hương bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ công đức của Tổ Mẫu Âu Cơ - Người mẹ huyền thoại đã sinh ra nguồn gốc của cộng đồng người Việt.
Cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tiễn trừ dịch bệnh, mùa màng tốt tươi, bách gia trăm họ bình an, no ấm, đất nước hùng cường.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS, TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, lễ Giỗ Tổ Hùng vương có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người Việt Nam, gắn liền với lịch sử truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ sinh ra các Vua hùng, người có công dựng nước đặt nền móng cho văn minh người Việt Cổ.
Với nhà nước sơ khai Văn Lang-Âu Lạc đã khẳng định đất nước Việt Nam có lịch sử thành lập sớm ngang với nhiều nền văn minh lớn. Lễ Giỗ Tổ tổ chức hằng năm nhắc nhở mỗi con người Việt Nam đều có chung nguồn cội, tổ tiên, từ đó khơi gợi tinh thần đoàn kết, tự cường của dân tộc ta.
Do đó, hằng năm có tới hàng triệu người dân từ mọi miền, từ nước ngoài trở về cũng đã đến để thể hiện sự thành kính đến “quê cha đất tổ”. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì các địa phương nói chung phải ngừng tổ chức lễ hội để đảm bảo an toàn cho người dân là hoàn toàn đúng đắn.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ lớn của Việt Nam, thường được tổ chức từ 1-10/3 âm lịch. Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương, mỗi năm đón hàng triệu du khách từ khắp miền tổ quốc đến dự.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới năm 2012.
Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh (968-980), nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Đinh Bộ Lĩnh còn chọn ngày giỗ tổ Hùng Vương để lên ngôi Hoàng đế.
Trong dân gian Việt Nam vẫn luôn lưu truyền câu thơ:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.